Bây giờ tôi mới hiểu vì sao dì Năm, chủ nhà trọ cứ băn khoăn khi xếp tôi vào phòng trọ số 8. Dì nói: "Con coi nếu ở không được thì nói dì chuyển qua phòng khác nghen". Tôi quả quyết: "Không sao đâu dì Năm, con sống đơn giản lắm".
Lý do mà cái chỗ trống ở phòng 8 mãi vẫn không có người lấp vào là đây. Phòng có 3 người, thêm tôi nữa là 4. Ngày nào tôi cũng nghe con Quyên chê con Mai ăn "ngọt như chè". Con Mai thì chê con Quyên ăn "mặn như muối lòi". Cả hai đứa chê con Thủy "ăn uống không giống ai" vì ăn canh (cua) với mắm tôm, cà pháo. Đến lượt con Thủy chê lại con Mai với con Quyên "chẳng biết gì về nghệ thuật ăn uống". Tôi ngồi giữa, không biết bênh ai, bỏ ai.
Tính tôi rất dễ. Món ăn miền Bắc, miền Trung, miền Nam, thậm chí món của người Khmer như mắm "bò-hóc" tôi cũng ăn được. Ba má tôi là dân gốc Sài Gòn, sau giải phóng về Bạc Liêu sinh sống. Tôi sinh ra ở nơi hội tụ đủ mọi sắc màu văn hóa của vùng đất ấy nên rất dễ thích nghi.
Tôi nhớ ba tôi hay dặn món gì mình không ăn được hoặc không thích thì không ăn hoặc ăn ít chứ không nên mở miệng dè bỉu, chê bai. Đụng đến văn hóa vùng miền là phức tạp lắm. Tôi nhớ lời ba nên khi lên Sài Gòn làm việc, dù phải ở chung phòng với bạn bè khắp mọi miền đất nước nhưng tôi vẫn hòa nhập, thậm chí bị phê bình là "ba phải".
Tôi "ba phải" là vì tôi sống đơn giản, chẳng muốn làm phật lòng bạn bè. Hơn nữa tôi tuân thủ nguyên tắc sống của mình và nhớ lời dạy của ba nên nhất quyết không để đụng chạm với mọi người. Phòng có 4 người mà đến bữa ăn phải dọn đến 4 mâm thì cũng buồn nên tôi dọn thức ăn của mình ra đó cho ai thích thì ăn; còn phần mình, tôi cứ ăn của mâm này một ít lại sang mâm kia.
Mọi ngày tôi vẫn làm vậy mà không ai nói gì nhưng hôm đó con Quyên bỗng nổi cáu. Tôi vừa thò đũa gắp miếng cá khô thì bị con Quyên hất văng cả đũa: "Tao cấm mà thò đũa qua mâm của tao. Mày vừa ăn cà pháo mắm tôm hôi rình, ai chịu nổi?". Trong khi tôi nhặt đũa thì con Thủy đã nổi nóng: "Mày nói cái gì? Nó ăn cà pháo mắm tôm chứ có phải ăn cứt đâu mà mày làm gì ghê gớm vậy?".
Thấy tình hình căng thẳng, tôi nhẹ giọng: "Thôi, có gì đâu mà cự cãi? Tao không ăn nữa là được chứ gì?". Nói rồi tôi lẳng lặng đi rửa chén. Mấy đứa còn lại cũng sượng sùng, sau đó im lặng ăn, không buồn đả kích nhau như mọi khi.
Đến tối tôi nói với cả phòng: "Hết tháng này, tao xin chuyển qua phòng khác. Nói thật, ở chung với bọn mày, tao thấy bị ức chế lắm. Tụi mình đều xa nhà, ở đây chẳng có ai thân thích, vậy mà không biết thương yêu, nhường nhịn nhau, suốt ngày cứ kiếm chuyện gây gổ. Tao thấy nhiều phòng khác, có phòng còn đông hơn phòng mình, vậy mà người ta cùng đi chợ, nấu cơm, cùng ăn với nhau chung một mâm. Còn tụi mày, suốt ngày cứ tìm cách bới móc, châm chọc, dè bỉu nhau. Làm như vậy để làm gì? Tao chán lắm rồi".
Nghe tôi nói vậy, con Quyên lên giọng chị hai: “Mày đừng có ảo tưởng. Ở trong chăn mới biết chăn có rận. Chúng nó cũng vậy thôi nhưng khéo che đậy, còn tụi tao thì chặt to kho mặn quen rồi, sống thật lòng, chẳng cần phải màu mè; thích thì nói thích, không thích thì nói không thích...”. Con Thủy cũng động viên: “Dù sao thì mày ở với tụi tao cũng quen rồi, qua chỗ khác phải thích nghi lại từ đầu, mệt lắm”. Tôi làm thinh.
Thật sự là tôi muốn dọn đi nhưng lúc này khu trọ của dì Năm không còn phòng trống. Nếu qua khu khác thì xa công ty, đi lại khó khăn, tôi sợ kẹt xe, tắt đường đi làm trễ sẽ bị kỷ luật. Thế nhưng ở trong cái phòng mà ai cũng muốn "cát cứ", ai cũng cho “cái tôi” của mình bự hơn tất cả thì tôi bị ức chế vô cùng. Mấy hôm nay tôi ăn cơm bụi chứ không ăn cơm ở phòng. Tôi xung phong tăng ca để khỏi phải về sớm. Sợ nhất là những ngày chủ nhật không đi làm tôi chẳng biết làm gì với 24 tiếng dài dằng dặc.
Khi tôi thổ lộ điều này với chị tổ trưởng, chị trầm ngâm: “Có lẽ các bạn em nói đúng, chỗ nào cũng vậy thôi, quan trọng là sức chịu đựng của mình tới đâu”. Thấy tôi buồn buồn, chị nói thêm: “Đó là lý do mình không khá nổi đó em. Người mình hay vậy lắm, trâu buộc ghét trâu ăn, thấy ai hơn mình một chút thì khó chịu, thậm chí thấy người khác yên ổn họ cũng ghét”.
Khi chị tổ trưởng nói câu “người mình hay vậy lắm” tôi thấy một nỗi buồn trong mắt chị. Hay là chị cũng đang phải đối diện với những vấn đề rắc rối, phức tạp trong cuộc sống như tôi? Đúng là muốn sống đơn giản cũng khó quá...
Bình luận (0)