Sáng nay 9-8, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Hội đồng Tiền lương Quốc gia họp phiên thứ nhất năm 2023 để thảo luận, thương lượng về phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024.
Phiên thứ nhất năm 2023 để thảo luận, thương lượng về phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024.
Cuộc họp được chủ trì bởi ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia và có sự tham gia của đại diện các bên như Tổng LĐLĐ Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và một số thành viên độc lập…
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách, pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam
Phiên họp lần thứ nhất đã kết thúc trong sáng nay. Phóng viên Báo Người Lao Động đã phỏng vấn ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách, pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam, thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia, về những nội dung, quan điểm mà các bên nêu ra tại phiên họp.
Phóng viên: Thưa ông, quan điểm chung và khác biệt của các bên tại phiên họp thứ nhất năm 2023 của Hội đồng Tiền lương Quốc gia để thảo luận, thương lượng về phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024, như thế nào?
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách, pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam: Quan điểm chung đều đánh giá tình hình hiện nay, cả DN và NLĐ đều đang gặp khó khăn. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay nhiều thông tin đang cần có xem xét.
Hiện cả hệ thống chính trị đang tìm mọi cách vào cuộc để tháo gỡ, hỗ trợ cho DN và NLĐ. Chính vì vậy các thành viên đều đồng ý sẽ đề xuất điều chỉnh tăng tiền lương tối thiểu vùng trong năm 2024.
Tuy nhiên mức tăng như thế nào, thời điểm tăng (từ 1-4 hay từ 1-7) thì phải chờ các thông tin, dữ liệu đầu vào dịp cuối năm nay để cùng xem xét, đánh giá tại phiên họp lần thứ hai của Hội đồng Tiền lương Quốc gia dự kiến diễn ra vào cuối tháng 11-2023.
Lí do vì sao phía Tổng LĐLĐ Việt Nam xin chủ toạ cho hội ý riêng giữa chừng tại phiên họp?
Khi tôi trình bày đề xuất mức tăng lương năm 2024 là từ 5-6%, cơ bản nhiều thành viên cũng đồng thuận, thậm chí có ý kiến đề xuất tăng cao hơn.
Tuy nhiên sau khi nghe ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước, giới sử dụng lao động, các chuyên gia độc lập, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã hội ý và thống nhất sẽ chưa quyết đề xuất mức tăng lương, thời điểm tăng lương năm 2024 tại phiên họp này mà lùi đến phiên họp thứ hai.
Còn quan điểm của cơ quan quản lý là Bộ LĐ-TB-XH và phía đại diện chủ sử dụng lao động tại phiên họp?
Trên tinh thần chia sẻ khó khăn của DN và NLĐ, phía Bộ LĐ-TB-XH cũng thống nhất sẽ điều chỉnh tiền lương tối thiểu trong năm 2024, tuy nhiên thời điểm tăng, mức tăng sẽ được xem xét kĩ hơn tại phiên họp diễn ra vào tháng 11 tới đây.
Đối với phía đại diện chủ sử dụng lao động là VCCI, quan điểm của họ thế nào, thưa ông?
Phía Đại diện chủ sử dụng lao động cũng đã nhìn thấy được sự thiện chí của phía đại diện người lao động nêu ra tại phiên họp cũng như thời gian qua, tổ chức Công đoàn và người lao động luôn đồng hành, chia sẻ với DN.
Phía đại diện chủ sử dụng lao động cũng thống nhất phải tăng lương trong năm 2024. Tuy nhiên hiện nay DN đang đối mặt với nhiều khó khăn, vì vậy họ mong muốn xem xét lùi thời điểm xem xét điều chỉnh tiền lương để DN có điều kiện duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm cho NLĐ.
Với đề xuất của VCCI như vậy, phía Tổng LĐLĐ Việt Nam đã xem xét thấu đáo với tinh thần chia sẻ, nên đã đồng ý lùi lại để phiên họp sau mới xem xét đề xuất mức tăng, thời điểm tăng lương của năm 2024.
Đối với các chuyên gia độc lập của Hội đồng, quan điểm của họ thế nào tại phiên họp?
Họ đồng thuận chia sẻ những khó khăn của cả DN và NLĐ đang gặp phải. Họ cũng đồng ý tăng lương, chỉ có điều cần cân nhắc là thời điểm nào tăng và tăng bao nhiêu mà thôi.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bình luận (0)