Sáng 16-3, Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Nâng cao kỹ năng truyền thông cho cán bộ Công đoàn cơ sở” với mục đích để truyền thông trong hoạt động Công đoàn hiệu quả, tạo nên sự kết nối thành công giữa cán bộ Công đoàn và đoàn viên.
Toàn cảnh buổi tọa đàm: Nâng cao kỹ năng truyền thông cho cán bộ Công đoàn cơ sở
Truyền thông có vai trò rất quan trọng, đặc biệt là trong thời đại 4.0. Không nằm ngoài xu hướng này, truyền thông trong công tác Công đoàn đã và đang được chú trọng. Năm 2020, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành chương trình "Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam đến năm 2023". Từ đó có thể thấy trong thời gian qua, hoạt động truyền thông trong Công đoàn không còn chỉ là một yếu tố nhỏ, mà đã trở thành một trong những vấn đề then chốt, được xây dựng, phát triển với đường hướng rõ ràng.
Ông Nguyễn Mạnh Kiên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng truyền thông Công đoàn là một chức năng cơ bản và quan trọng của Công đoàn. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin thì câu chuyện không chỉ dừng ở một chiều mà còn phải đưa thông tin mà người lao động cần, tiếp nhận, phản hồi để điều chỉnh.
Ông Nguyễn Mạnh Kiên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam
Hệ thống truyền thông của Công đoàn nhìn chung là lớn mạnh, gồm 2 tờ báo, 70 tạp chí và bản tin, cơ chế phối hợp thường xuyên với 40 cơ quan báo chí và nhiều cơ quan truyền hình trung ương và địa phương; hệ thống mạng xã hội của Tổng LĐLĐ Việt Nam, 100 trang tin cấp tỉnh, 800 trang tin thuộc cấp cơ sở.
"Trước đây, chúng ta thường đưa thông tin một chiều, không để ý đến sự tiếp nhận của đối tượng. Chính vì vậy, hiện nay, ngoài thông tin từ phía công đoàn, cán bộ Công đoàn phải thường xuyên cập nhật thông tin mới và tiếp nhận phản hồi từ người lao động"- ông Kiên chia sẻ.
Bà Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, và ông Đỗ Minh Triệu, Trưởng Ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh Tây Ninh, trao đổi
Chia sẻ về truyền thông trong Công đoàn, bà Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, bày tỏ nhất trí với ý kiến của Ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam. Bà bổ sung thêm truyền thông trong công đoàn phải đảm bảo được 2 chiều, tổ chức Công đoàn phải bảo vệ và phản biện, giám sát xã hội, bảo vệ lợi ích của người lao động. Truyền thông trong Công đoàn đòi hỏi 5 điều. Thứ nhất là kiến thức về công đoàn. Thứ hai là kiến thức về pháp luật để bảo vệ quyền lợi. Thứ ba, cán bộ truyền thông trong Công đoàn phải có lập luận vững vàng. Thứ tư, cán bộ Công đoàn làm truyền thông phải hết sức kịp thời. Thứ năm, làm sao để cán bộ truyền thông trong Công đoàn phải gắn với người lao động, trở thành một kênh truyền thông gắn kết với người lao động, một người bạn thân của người lao động".
Yếu tố truyền thông trong mỗi Công đoàn là khác nhau. Vai trò của người đứng đầu là yếu tố quan trọng nhất trong việc định hướng truyền thông trong từng Công đoàn, tổ chức.
Còn ông Nguyễn Quang Đông, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Yamaha Việt Nam, cho biết Ban Giám đốc Công ty rất ủng hộ Công tác truyền thông của Công đoàn. "Năm 2010, chúng tôi xảy ra ngừng việc tập thể, do chúng tôi xử lý chậm trễ ý kiến của công nhân gửi lên. Từ đó, chúng tôi liên tục hàng ngày lắng nghe ý kiến của người lao động qua hình thức trực tiếp, phản biện"- ông Đông cho biết.
Bình luận (0)