Đa số nam công nhân (CN) đều chia sẻ rằng cuộc sống của họ nặng nề và nhàm chán. Bởi họ phải xa gia đình để kiếm việc, lo cho cuộc sống bản thân, lo gửi tiền về chăm sóc bố mẹ, lo dành tiền xây dựng mái ấm riêng… và trăm thứ cần đến tiền khác. Không ít nam CN còn kiếm công việc làm thêm ngoài thời gian làm việc tại Cty để tăng thu nhập. Cuộc sống của họ chỉ quanh quẩn kiếm tiền và kiếm tiền!
Trụ cột gia đình
Tiếp xúc với chúng tôi, anh Vũ Văn Thế (sinh năm 1992, quê Yên Bái, đang làm việc tại Công ty Daiwa (KCN Bắc Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) hiếm khi nở nụ cười, mang vẻ mặt khắc khổ, anh coi những gì mình đang làm là những gánh nặng hiển nhiên.
Anh Thế tâm sự: “Tôi tốt nghiệp trung cấp Y, nhưng khi ra trường không xin được việc nên xuống Hà Nội làm CN. Nhanh thật, thoắt cái đã 5 năm. Khi mới đi làm, tôi cũng chỉ lo cho cuộc sống bản thân, kiếm được bao nhiêu tiêu bằng ấy. Nhưng khi đi làm được khoảng 2 năm, tôi đã nghĩ về gia đình và tương lai của mình. Bố mẹ tôi làm nông nên khá vất vả, tôi có chị gái nhưng đã lấy chồng. Vì thế, tôi biết mình cần phải chăm lo cho bố mẹ để họ có cuộc sống tốt hơn. Từ đó tôi lao vào làm việc, tìm kiếm công ty trả lương cao, làm việc vất vả một chút cũng được.
Tôi chi tiêu tiết kiệm hơn, ngoài giờ làm công ty thì có tăng ca, làm thêm hoặc kiếm công việc ngoài để kiếm được nhiều tiền. Bố mẹ tôi luôn nhắc nhở, làm gì thì làm cũng phải an toàn và giữ gìn sức khỏe. Nhiều lúc cũng thấy cuộc sống mình cực quá, suốt ngày phải lo kiếm tiền rồi trang trải cuộc sống. Có lần mệt mỏi quá, chỉ muốn về nhà với bố mẹ, nhưng để có tương lai tốt đẹp hơn, tôi lại tự nhủ mình phải cố gắng. Ngày ngày cứ trôi qua và tôi đã quen với cuộc sống đầy áp lực này”.
Anh Thế chia sẻ thêm rằng, không chỉ riêng anh mà hầu hết nam CN ở đây đều phải đi làm để phụ giúp gia đình sửa lại nhà cửa, rồi lo cho tương lai sau này. Nhiều nam CN còn cho rằng vì nhiều áp lực quá nên không dám yêu, không dám lấy vợ, sợ không lo nổi cho gia đình.
Tằn tiện chi tiêu
Theo quan sát của phóng viên, khu vực chợ Bầu, chợ Mun gần KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội), quanh khu trọ của CN luôn nhộn nhịp người mua bán. Không chỉ có nữ CN mà nam CN cũng rất “hăng say” trả giá từng mớ rau, lạng thịt. Điều này rất ít thấy tại các khu chợ trong nội thành Hà Nội.
Nam CN thường đi với nhau thành nhóm để mua chung cho đỡ tốn kém. Tại các của hàng cơm bình dân, khách hàng chủ yếu cũng là nam CN. “Những ngày đầu lên đây làm việc, tôi còn bỡ ngỡ, ngại ngùng, nên đi chợ mua rau người ta nói bao nhiêu, mua bằng ấy chứ có biết trả giá hay kỳ kèo gì đâu. Nhưng nhiều lần đi chợ về tôi bị mấy chị em cùng xóm chê là mua đắt quá, rồi chỉ tôi cách mặc cả, nếu không theo lời khuyên của chị em thì đến cuối tháng mì tôm tôi cũng không có mà ăn.
Thế rồi sau quen dần, đi chợ tôi thành một tay mua hàng có hạng, với lại sống lâu thành quen, chi phí sinh hoạt sao cho thấp nhất. Như vậy tôi mới để dành được nhiều tiền gửi về quê cho gia đình” - anh Lê Văn Tùng (quê Nam Định, làm việc tại Công ty TNHH Canon VN) chia sẻ. Anh Tùng cho biết thêm, có những thời điểm thực phẩm không an toàn, giá cả leo thang, nhất là vào những đợt sau khi NLĐ được tăng lương nên khi về quê, anh Tùng cố gắng xin bố mẹ thực phẩm mang ra Hà Nội, việc này vừa đảm bảo sức khỏe cho bản thân lại tiết kiệm khá nhiều tiền.
Anh Hoàng Văn Luật (quê Vĩnh Phúc, đang làm việc tại Công ty Showa, KCN Bắc Thăng Long) chia sẻ: “Tôi toàn ăn cơm bụi. Như vậy nhanh và tiện hơn tự nấu rất nhiều. Tôi ở một mình nên lười nấu, với lại, thực phẩm bây giờ cũng đắt đỏ nên tôi ăn quán. Với 20.000 đồng/suất ăn ở quán là đủ ấm bụng rồi. Còn để nấu 20.000 đồng không đủ. Nếu tính chi li thì một bữa ăn tự nấu cần có rau, gạo, thịt, gas, bếp, gia vị... thì tốn kém lắm.
Ở quê có thể sang nhà hàng xóm xin cả rổ rau muống ăn cả tuần. Chứ ở Hà Nội, thiếu 500 đồng khi mua hàng người bán cũng không cho. Nếu ở đông thì có thể nấu ăn sẽ rẻ hơn, tiết kiệm hơn. Nhưng ở một mình nên tôi tính rồi, ăn cơm bụi vẫn hợp nhất” - anh Luật chia sẻ. Được biết, trong những dịp cuối tuần, khi các bạn bè rủ nhau đi chơi, thì anh Luật ở nhà ngủ lấy sức hoặc đăng ký làm tăng ca để được nhiều tiền. “Bây giờ còn có sức khỏe thì dành để kiếm tiền, tương lai đỡ cực hơn” - anh Luật kết luận.
Bình luận (0)