Sau bữa cơm chiều ở phòng trọ, chị Nguyễn Thị Kim Viễn - công nhân (CN) một cơ sở sản xuất tại quận Bình Tân, TP HCM - tranh thủ gọi điện thoại hỏi thăm con trai út 5 tuổi đang ở quê với ông bà ngoại. Vừa nhìn thấy mẹ qua màn hình điện thoại, con trai chị đã khóc, nằng nặc đòi bồng dù ông bà nói mẹ đang đi làm xa. Trò chuyện với con xong, chị lặng lẽ giấu đi những giọt nước mắt vì thương cha mẹ già đã lớn tuổi vẫn phải vất vả giữ cháu.
Ít sự lựa chọn
Sau khi bị Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM) sa thải, phải mất hơn 2 tháng, chị Viễn mới tìm được việc làm tại một xưởng cán keo tư nhân, với mức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng. Chồng chị là lao động tự do, thu nhập thất thường.
Vợ chồng chị có 2 con - con gái lớn đang ở với ông bà nội tại An Giang, con trai út thì gửi ông bà ngoại ở Quảng Ngãi. Nhắc đến các con, chị Viễn thở dài. Chị kể ông bà hai bên đều đã lớn tuổi nên vợ chồng chị đành gửi mỗi đứa một nơi. Vì các con ở hai nơi nên Tết đến, gia đình chị cũng không được đoàn tụ, chị về quê ngoại, còn chồng về quê nội.
Hơn 3 năm nay, chồng chị chỉ được gặp con út một lần, còn ông bà nội chỉ được gặp một lần lúc cháu 5 tháng tuổi. Thu nhập bấp bênh nên hai vợ chồng chỉ vừa đủ trang trải chi phí sinh hoạt ở TP HCM và gửi về quê cho ông bà chăm sóc các cháu.
Nếu đón các con lên TP HCM để lo ăn học thì nằm ngoài khả năng của họ. "Điều tôi lo nhất là các con thiếu tình thương của cha mẹ và lớn lên sẽ không thân với nhau. Tôi chỉ mong gia đình được đoàn tụ nhưng điều kiện kinh tế không cho phép" - chị Viễn cho biết.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Sơn ăn uống tiết kiệm để có tiền gửi về quê cho con Ảnh: HUỲNH NHƯ
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu Trang - CN Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm Gia vị Bảo Long (KCN Tân Tạo, quận Bình Tân, TP HCM) - cũng phải nén lòng gửi con cho ông bà nội ở Kiên Giang chăm sóc từ bé.
Đến nay, con trai chị đã 13 tuổi nhưng số lần được gặp cha mẹ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chị Trang kể nhiều lần vợ chồng chị muốn đón con lên thành phố nhưng sau khi tính toán các khoản chi phí thì đành gác lại. "Nếu học ở TP HCM, chi phí cho cháu mỗi tháng khoảng 4-5 triệu đồng, điều này nằm ngoài tầm với của vợ chồng tôi, nhất là khi thu nhập ngày càng giảm sút do việc làm bấp bênh" - chị Trang nói.
Hiện thu nhập của chị Trang khoảng 5 triệu đồng/tháng, còn đồng lương của chồng (thợ cán bột tại một xưởng sản xuất mì tươi) cũng không khá hơn. Từ lúc dịch COVID-19 đến nay, không tháng nào họ có dư. Do vậy, ước mơ được sống gần con ngày càng xa vời.
Thấp thỏm
Chiều muộn, trong căn phòng trọ trên đường An Dương Vương, phường 16, quận 8, TP HCM, anh Nguyễn Văn Sơn (quê Bến Tre) vừa tất bật lo cơm nước vừa trò chuyện với con gái qua điện thoại.
Vợ chồng anh Sơn là CN Công ty TNHH 3Q Vina (quận 8, TP HCM). Do ở quê không có việc làm ổn định nên khi con vừa tròn 3 tuổi, vợ chồng anh gửi cho ông bà nội chăm sóc, lên TP HCM tìm việc. Thu nhập mỗi tháng, vợ chồng anh dành phần lớn gửi về quê để lo cho con. Mấy tháng nay, công ty ít việc nên vợ chồng anh phải chắt bóp chi tiêu.
Dù có ông bà chăm sóc nhưng vợ chồng anh Sơn vẫn không an tâm, cứ 2-3 tuần, họ lại thay phiên nhau về quê thăm con. "Gọi điện thoại thì chỉ hỏi thăm chuyện học hành, ăn uống, chứ không thể bằng việc ở bên cạnh dạy dỗ, chăm sóc con. Con gái đã 8 tuổi nhưng vợ chồng tôi cũng chưa hết lo vì nhà gần sông nước. Mỗi lần đọc báo thấy trẻ bị đuối nước, tâm trạng vợ chồng tôi rất bất an, phải gọi về quê dặn dò cha mẹ trông cháu cẩn thận" - anh Sơn thở dài.
Giá cả sinh hoạt leo thang, bản thân lại muốn có thời gian để tăng ca kiếm thêm thu nhập nên chị Mai Thị Thu Ngân, CN Công ty TNHH Okaya Việt Nam (KCX Tân Thuận - quận 7, TP HCM), bấm bụng gửi con cho người thân ở Vĩnh Long trông giúp. Trước đây, vợ chồng chị Ngân đều là CN trong KCX Tân Thuận, thời gian gần đây công ty ít đơn hàng nên chồng chị, anh Trương Ngọc Đức, phải nghỉ làm CN, chạy xe ôm công nghệ để kiếm sống.
Kết hôn gần 10 năm, vợ chồng chị Ngân - anh Đức mới dám sinh con vì đồng lương CN quá thấp. Chị Ngân cho hay con tròn 6 tháng, chị rứt ruột gửi lại cho ông bà ngoại ở quê chăm sóc rồi quay lại TP HCM làm việc. "Những ngày đầu xa con, khi ông bà ngoại ở quê gọi điện thoại nói con khát sữa, tôi rất xót xa. Vợ chồng tôi ráng làm thêm làm vài năm, kiếm được một số tiền kha khá rồi về quê làm ăn, miễn là được ở gần con" - chị Ngân bộc bạch.
70% công nhân phải nuôi dưỡng từ một người trở lên
Qua khảo sát 1.402 nữ CN ngành dệt may TP HCM do LĐLĐ thành phố và Công đoàn ĐHQG TP HCM thực hiện cho thấy 41,8% nữ CN cho rằng ứng với mức thu nhập hiện có, bản thân họ và gia đình có mức sống còn thiếu thốn; 36,3% nữ CN cho rằng đủ sống. Có 70% CN phải nuôi dưỡng từ một người trở lên bao gồm con cái, cha, mẹ, ông, bà...
Kết quả khảo sát cho thấy 3 khoản chi phí lớn nhất, chiếm gần 72% tổng thu nhập của gia đình CN gồm: chi phí sinh hoạt hằng ngày, chi phí học hành cho con và chi phí tiền nhà. Cá biệt do mức sống thấp nên có CN bày tỏ khó khăn về quyết định sinh con, người có con thì lo lắng không đủ tiền để mua đồ dùng học tập cho con (sách, vở, bút chì, bút mực...).
H.Đào
Bình luận (0)