Theo Bộ LĐ-TB-XH, việc phối hợp nhằm mục đích đảm bảo hiệu lực và hiệu quả công tác thanh tra lao động; đảm bảo hành vi vi phạm pháp luật lao động phải được ngăn chặn và xử lý kịp thời; phát huy vai trò của các cơ quan, tổ chức trong việc phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật lao động, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động (NLĐ); đảm bảo thực thi pháp luật về lao động, an toàn, vệ sinh lao động, bảo vệ quyền của NLĐ làm việc trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động vào ban đêm, ngoài giờ hành chính.
Cấp cứu một vụ tai nạn lao động do bị điện giật tại TP HCM
Về cơ chế phối hợp, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất như sau: Cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở trung ương với cơ quan chức năng ở trung ương và địa phương: Khi có căn cứ cho rằng thông tin tiếp nhận về vụ việc xâm hại đến quyền của người lao động hoặc không bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc xảy ra vào ban đêm, ngoài giờ hành chính là có cơ sở và nếu để vụ việc tiếp diễn có thể ảnh hưởng đến quyền hoặc gây nguy hiểm đến tính mạng nhiều NLĐ thì cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp Trung ương tổ chức đoàn thanh tra, thông báo đến các cơ quan chức năng có liên quan ở Trung ương, cơ quan công an và chính quyền địa phương (nếu thấy cần thiết) trên địa bàn xảy ra vụ việc. Cơ quan được thông báo có trách nhiệm cử cán bộ tham gia đoàn thanh tra và phối hợp giải quyết vụ việc. Trường hợp một hoặc nhiều đơn vị có liên quan không cử được cán bộ tham gia thì vẫn tiến hành thanh tra để bảo đảm quyền lợi, tính mạng của người lao động. Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp Trung ương ban hành Quyết định thanh tra theo thẩm quyền quy định tại Điều 15 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 9/2/2012 của Chính phủ.
Cơ chế phối hợp giữa cơ quan Trung ương và địa phương: Khi có căn cứ cho rằng thông tin tiếp nhận về vụ việc xâm hại đến quyền của NLĐ hoặc không bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc xảy ra vào ban đêm, ngoài giờ hành chính là có cơ sở và nếu để vụ việc tiếp diễn có thể ảnh hưởng đến quyền hoặc gây nguy hiểm đến tính mạng nhiều NLĐ mà không cần thiết phải thành lập đoàn thanh tra cấp Trung ương thì Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước về lao động cấp Trung ương phải thông báo kịp thời bằng văn bản, điện thoại, email, fax đến Giám đốc Sở LĐ-TB-XH để thực hiện việc thanh tra. Cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương tiến hành các hoạt động phối hợp theo quy định cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tại địa phương và tiến hành thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra.
Trường hợp một hoặc nhiều đơn vị có liên quan không cử được cán bộ tham gia thì cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương vẫn tiến hành thanh tra để bảo đảm quyền lợi, tính mạng của NLĐ
Về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tại địa phương: Khi có căn cứ cho rằng thông tin tiếp nhận về vụ việc xâm hại đến quyền của NLĐ hoặc không bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc xảy ra vào ban đêm, ngoài giờ hành chính là có cơ sở và nếu để vụ việc tiếp diễn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền hoặc gây nguy hiểm đến tính mạng NLĐ hoặc khi nhận được chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương thì bằng cách nhanh nhất, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh phải thông báo đến các cơ quan chức năng có liên quan ở địa phương, cơ quan công an và chính quyền địa phương (nếu thấy cần thiết) trên địa bàn tỉnh. Cơ quan được thông báo có trách nhiệm cử cán bộ tham gia đoàn thanh tra và phối hợp giải quyết vụ việc.
Trường hợp một hoặc nhiều đơn vị có liên quan không cử được cán bộ tham gia thì cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương vẫn tiến hành thanh tra để bảo đảm quyền lợi, tính mạng của NLĐ. Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh hoặc người đứng đầu cơ quan thanh tra lao động cấp tỉnh ban hành Quyết định thanh tra theo thẩm quyền quy định tại Điều 15 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 9-2-2012 của Chính phủ.
Bình luận (0)