Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa có tờ trình gửi Quốc hội về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Dự luật này sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6 tới đây. Trong tờ trình, Chính phủ tiếp tục trình 2 phương án liên quan bảo hiểm xã hội một lần tại điểm đ khoản 1 Điều 70.
Phương án 1: Quy định hưởng BHXH một lần với hai nhóm người lao động khác nhau:
Nhóm 1: Đối với người lao động đã tham gia BHXH trước khi luật sửa đổi có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm, có nhu cầu thì được nhận một lần.
Nhóm 2: Đối với người lao động bắt đầu tham gia từ khi luật sửa đổi có hiệu lực trở đi (dự kiến 1-7-2025) không được nhận một lần (chỉ giải quyết hưởng BHXH 1 lần cho các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng BHXH, ra nước ngoài định cư, bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo Điều 60 Luật BHXH hiện hành).
Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia tự nguyện và có thời gian đóng chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Thời gian đóng còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ.
Liên quan đến đề xuất này, bạn đọc Nguyễn Tuấn Kiệt bày tỏ: "Tôi làm trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và cũng rất đau đầu với tình trạng người lao động nghỉ việc để hưởng BHXH 1 lần khi có thông tin về luật BHXH mới dự kiến áp dụng từ năm 2025. Hiện tại, như chúng ta đã biết, có 2 phương án rút BHXH 1 lần được trình Quốc hội xem xét. Ở góc độ cá nhân, tôi thấy cả 2 phương án chỉ nhằm vào việc làm sao hạn chế được việc rút BHXH 1 lần, thậm chí, với phương án 1, nhóm đối tượng tham gia BHXH sau khi luật mới có hiệu lực gần như không thể rút BHXH 1 lần, trừ một vài trường hợp đặc biệt. Còn với phương án 2, chỉ cho rút 50% trợ cấp BHXH 1 lần nhằm mục đích giữ người lao động ở lại trong hệ thống BHXH, khi người lao động quay lại làm việc, tiếp tục tham gia BHXH thì sẽ cộng dồn thời gian 50% chưa lãnh trợ cấp BHXH 1 lần trước đó, đến khi đủ điều kiện nghỉ hưu thì người lao động sẽ có lương hưu, từ đó đảm bảo an sinh xã hội, giảm gánh nặng hệ thống y tế... Mục đích là tốt, nhưng vấn đề đặt ra là, người lao động chưa được làm sáng tỏ việc nếu họ không quay lại làm việc để tiếp tục tham gia BHXH thì 50% thời gian bảo lưu trên hệ thống BHXH sẽ được giải quyết như thế nào? Cụ thể, họ có được nhận phần bảo lưu này không? Trong trường hợp họ quay lại tiếp tục tham gia BHXH nhưng đến khi nghỉ việc vẫn chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu thì như thế nào? Chưa tính tới việc doanh nghiệp có tuyển dụng họ nữa hay không vì độ tuổi của họ có thể không phù hợp với công việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nữa.
Cũng theo bạn đọc này, một vấn đề nữa là người dân hiện tại chưa thực sự thấy được những giá trị mà hệ thống an sinh xã hội mang lại một cách cụ thể, nên câu hỏi họ sẽ đặt ra là, nếu họ không rút BHXH 1 lần thì chế độ an sinh xã hội sau này họ nhận được cụ thể là gì? Lương hưu, dù phương án 1 hay 2, tất cả đều phải có điều kiện. "Trên tất cả, xây dựng 1 chính sách, ở đây là luật BHXH - gắn liền với chế độ, lợi ích của người lao động. Nếu cơ quan Nhà nước cho người lao động thấy được rõ ràng lợi ích, và lợi ích đó không làm cho họ cảm thấy bị cắt giảm, thì tất cả sẽ đồng thuận và đồng lòng thực hiện" - bạn đọc này góp ý
Tại hội thảo góp ý Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) doTrường ĐH Văn Lang và Trường ĐH Luật Hà Nội phối hợp tổ chức mới đây, PGS-TS Vũ Thư, Trường ĐH Văn Lang, cho rằng dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang có độ vênh so với tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW đối với đề xuất giải quyết chế độ BHXH một lần cho NLĐ. Cụ thể, Nghị quyết số 28-NQ/TW không cấm đoán, tôn trọng quyền tự quyết, tự định đoạt của NLĐ, được hưởng BHXH một lần; chỉ sử dụng biện pháp kinh tế, lợi ích vật chất để hạn chế việc hưởng BHXH một lần. Trong khi đó, các phương án đề xuất giải quyết chế độ BHXH một lần trong dự thảo BHXH lại thiên về việc dùng các biện pháp hành chính để hạn chế việc rút BHXH một lần của NLĐ.
ThS Nguyễn Vân Trang, Khoa Luật - Trường ĐH Sài Gòn, cũng chỉ ra một số vấn đề tồn tại ở các phương án rút BHXH một lần mà dự thảo đề xuất. Đó là cả 2 phương án đều có quy định NLĐ phải đợi sau 12 tháng không đóng BHXH mới được hưởng BHXH một lần, trong khi mục đích của chính sách này nhằm hỗ trợ NLÐ vượt qua những khó khăn ngắn hạn trước mắt. Mặt khác, một trong 2 phương án đề xuất chỉ cho phép NLĐ rút BHXH một lần tối đa 50%, phần còn lại bảo lưu thì quy định phải chờ 12 tháng liệu có cần thiết? Đồng thời, tuy giảm mức hưởng (tối đa 50%), nhưng dự thảo không quy định về số lần được rút BHXH một lần, dẫn đến khả năng NLĐ rút nhiều lần khiến mục tiêu bảo đảm an sinh cho NLÐ khi về già khó đạt như kỳ vọng.
Lương hưu bình quân chỉ khoảng 5,4 triệu đồng/người/tháng
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết phản ánh từ các địa phương cho thấy ở một số DN tồn tại 3 loại thu nhập của NLĐ, gồm: Lương làm căn cứ đóng BHXH, lương để DN quyết toán thuế và lương thực trả cho NLĐ. Trong 3 loại lương trên, lương làm căn cứ đóng BHXH luôn ở mức thấp nhất. DN chỉ tính lương đóng BHXH gồm lương tối thiểu vùng cộng thêm tỉ lệ trả cho lao động qua đào tạo (thêm 7%) và phụ cấp làm việc nặng nhọc độc hại (5%-7%). Lương tính đóng BHXH thấp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mức hưởng các chế độ BHXH, đặc biệt là mức hưởng lương hưu khi về già.
Tỉ lệ tính đóng BHXH của Việt Nam hiện ở mức 32% tiền lương tháng của NLĐ, cao thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Singapore (37%). Tỉ lệ hưởng lương hưu ở Việt Nam cao nhất trong khu vực (75%). Dù tỉ lệ đóng, tỉ lệ hưởng lương hưu cao nhưng với tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc không cao (bình quân 5,73 triệu đồng/tháng), nên mức lương hưu bình quân của người hưởng lương hưu hiện chỉ khoảng 5,4 triệu đồng/người/tháng.
Bình luận (0)