Giai đoạn 2016 - 2022, cả nước có hơn 4,9 triệu lượt người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng BHXH một lần. Số người hưởng BHXH một lần năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 10%/năm.
Theo nhiều bạn đọc, ngọn nguồn sự việc đều có nguyên nhân, chỉ mong cơ quan soạn thảo luật quan tâm, lắng nghe và đồng cảm với khó khăn của người lao động (NLĐ), cực chẳng đã mới phải rút BHXH một lần. Với bạn đọc Mai Hồng Việt, tuổi nghỉ hưu cao là nguyên nhân khiến NLĐ rút BHXH 1 lần. Bạn đọc Đỗ Văn Bích bày tỏ: "Về vấn đề này, tôi cũng đã có nhiều ý kiến đề xuất và góp ý rồi và thậm chí còn đưa ra các giải pháp cụ thể để khắc phục các vấn đề nổi cộm mà NLĐ đang bức xúc hiện nay. Vấn đề bây giờ là ban soạn thảo, Bộ LĐ và TB-XH có thực sự lắng nghe tiếng nói của NLĐ; có vì sự nghiệp an sinh cho xã hội và NLĐ? Các vấn đề cần chỉnh sửa và các mục tiêu cần hướng đến thì các ý kiến từ NLĐ đã nêu quá rõ ràng rồi".
Bạn đọc Trần Quý Hợi chia sẻ: "NLĐ ở các doanh nghiệp đã phải phấn đấu từ lúc bỏ sách vở đi kiếm ăn, có một số người đi làm không nhìn thấy mặt trời đã phải vất vả ròng rã suốt 25-30 năm. Lúc 45 tuổi chân run mắt kém các doanh nghiệp không còn muốn thuê nữa. Đề nghị ban soạn thảo xem xét, sửa đổi Luật BHXH phù hợp với nguyện vọng số đông NLĐ". Tương tự, bạn đọc Nguyễn Văn Nhân bày tỏ: "Bộ LĐ-TB-XH cứ kiểm tra các doanh nghiệp có được bao nhiêu người nam trên 55 tuổi còn làm chứ đừng nói 60 hay 62". Bạn đọc Anh Vũ ấm ức: "Đi làm năm 20 tuổi, đóng BHXH được 16 năm là năm 36 tuổi công ty cho nghỉ việc. Thời gian chờ đợi để đủ tuổi lãnh lương mất thêm trên 30 năm nữa. Vậy thời gian đó NLĐ phải làm gì hay đi bán vé số? Thay vì vậy NLĐ rút BHXH 1 lần ra dùng vào việc kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ kiếm tiền sống tốt hơn hay chờ lương hưu?".
Theo bạn đọc Trịnh Xuân Nam, tuổi nghỉ hưu hiện nay không phù hợp với NLĐ. NLĐ thì vất vả mệt mỏi, chỉ mong muốn nghỉ hưu sớm. Một bạn đọc tên Huân đề xuất: "Không giới hạn tuổi nghỉ, chỉ giới hạn số năm đóng tối thiểu là hợp lý. Ai sức khỏe tốt, đóng nhiều năm thì hưởng % nhiều, ai yếu không thể làm được nên đóng ít thì hưởng ít". Bạn đọc Nguyễn Thị Lan chất vấn: "Lao động mấy chục năm thì NLĐ có còn sức khỏe không ?. Chắc chắn là không còn sức khỏe rồi. Giả sử có còn sức khỏe đi thì doanh nghiệp nào thuê lao động 50 đến 60 tuổi? NLĐ đến 35 tuổi là không còn doanh nghiệp nào nhận rồi".
Góp ý hoàn thiện chính sách, bạn đọc Vũ Thanh Mai đề xuất nên trả lại tuổi nghỉ hưu như trước, nam 60 và nữ 55. Những người đi làm sớm số năm đóng bhxh dư cho phép cứ 2 năm đổi lấy 1 tuổi bị thiếu, tối đa không quá 5 tuổi. Tương tự, bạn đọc Trần Hùng cũng đề nghị hãy trả lại tuổi hưu 55 (nữ) và 60 (nam) thì sẽ hạn chế rút BHXH 1 lần. Theo bạn đọc Nguyễn Văn Bình, cứ đóng đủ năm là được nghỉ hưu, sống lâu quá đến ngưỡng nào đó thì giảm tiền lại, lúc đó đâu cần nhiều tiền đâu,.đủ ăn là được.
Bạn đọc Cao Văn Đồng góp ý: "Phải phân loại ngành nghề mà áp dụng tuổi nghĩ hưu cho phù hợp. Thử hỏi 50 - 55 tuổi mà nắng nóng như mấy đợt vừa rồi mà công nhân lao động chân tay trực tiếp có làm nổi mà chờ luong hưu không?" Một bạn đọc giấu tên bức xúc: "Xin hỏi cơ quan soạn thảo luật là NLĐ tuổi 40,50 mấy DN chịu nhận vào làm việc mà bảo tạo điều kiện cho người tham gia muộn có lương. Cái cần thì không chịu sửa, lại đi sửa điều NLĐ không cần".
Nên lắng nghe nguyện vọng người lao động
Bạn đọc Phạm Văn Hưng góp ý: "Nên hướng đến quyền lợi của người dân, lắng nghe ý kiến của người dân". Cùng góc nhìn, bạn đọc Trần Văn Trường góp ý: "Bộ LĐ-TBX-H và BHXH cần lắng nghe nguyện vọng của người lao động trực tiếp và người làm việc tại các công ty trong các khu công nghiệp. Chính lực lượng công nhân lao động này góp công lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội và họ là những người góp phần vào sự ổn định cho ngành BHXH Việt Nam. Tâm tư người lao động 100% là giữ nguyên tuổi về hưu như trước đây - nam 60 tuổi và nữ 55tuổi là được hưởng 75% lương, còn nếu về sớm trước tuổi sẽ trừ 1%, như vậy mọi người sẽ không ai rút một lần. Còn nếu áp dụng như hiện nay thì NLĐ còn rút BH một lần ngày càng nhiều hơn. Mong Quốc hội và các bộ, ngành hãy nghiên cứu, luật khi ban hành phải đảm bảo quyền lợi cho người lao động không bị thiệt thòi và được sống với đồng lương hưu khi không còn sức khỏe".
Bình luận (0)