Những năm về trước, tài chính - ngân hàng được coi là ngành hút nhân lực với thu nhập cao, nhiều phúc lợi; còn hiện nay, đây là một trong ngành dư thừa lao động. Theo thống kê, từ đầu năm 2013 đến nay, tài chính - ngân hàng là một trong 5 ngành nghề có mức cắt giảm nhân lực cao nhất, khoảng 36%... Dù vậy, giới trẻ vẫn đang đổ xô vào ngành này.
Tuyển ít, tìm việc nhiều
Nghiên cứu của Viện Nhân lực Ngân hàng Tài chính chỉ rõ số sinh viên (SV) ngành tài chính - ngân hàng không xin được việc trong 4 năm tới là khoảng 13.000 người. Trong năm 2014, dự báo khoảng 40% SV tốt nghiệp ngành này sẽ phải làm trái ngành hoặc thất nghiệp.
Không chỉ tài chính - ngân hàng, ngành kế toán - kiểm toán cũng lâm vào tình trạng thừa lao động. Báo cáo của Trung tâm Dự báo nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (gọi tắt là trung tâm) cho thấy 25% tổng số người lao động tìm việc trên địa bàn TP từ năm 2012 đến nay tốt nghiệp kế toán - kiểm toán, trong khi nhu cầu tuyển dụng thấp hơn một nửa. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc trung tâm, cho rằng chênh lệch cung cầu lao động của ngành tài chính - ngân hàng và kế toán - kiểm toán là rất lớn. “Trong 3 năm tới, nhu cầu tuyển dụng của 2 ngành này chỉ chiếm khoảng 6% tổng nhu cầu tuyển dụng trên địa bàn TP, thấp hơn nhiều lần so với số lượng người theo học” - ông Tuấn dự báo.
Hầu hết các ngân hàng, doanh nghiệp (DN) cũng thừa nhận nhu cầu tuyển dụng không đáp ứng được nhu cầu tìm việc. “Mỗi lần công ty thông báo tuyển 1 kế toán thì lập tức nhận được rất nhiều hồ sơ ứng tuyển, nhiều nhất là của SV mới ra trường. Chúng tôi rất băn khoăn trước việc ngày càng nhiều ngân hàng, DN cắt giảm nhân sự nhưng số người cần việc lại đông như vậy” - bà Lê Thị Thu, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Ánh Dương, nói.
Khó tránh thất nghiệp
Tình trạng dư thừa nhân lực, thất nghiệp ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng, kế toán - kiểm toán vốn đã được cảnh báo nhưng theo ông Trần Anh Tuấn, các trường vẫn tăng chỉ tiêu tuyển sinh ở cả 3 cấp trung cấp, CĐ và ĐH.
Đáng lo hơn là ở mùa tuyển sinh năm nay, lượng thí sinh đăng ký dự thi vào khối ngành kinh tế vẫn rất đông. Cụ thể, Học viện Tài chính đã nhận 4.700 hồ sơ đăng ký dự thi, Học viện Ngân hàng 4.900 hồ sơ, ĐH Thương mại 3.800 hồ sơ, ĐH Kinh tế Quốc dân 4.900 hồ sơ… Theo khảo sát nhu cầu học nghề đối với học sinh các trường THPT trên địa bàn TP HCM do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP thực hiện mới đây, số học sinh thích học ngành tài chính - ngân hàng chiếm hơn 33,5% số mẫu khảo sát.
Cả nước hiện có gần 1.856 cơ sở đào tạo ngành kế toán, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh. Số SV đang theo học những ngành này chiếm tới hơn 30% tổng số SV trên cả nước. TS Trần Mạnh Dũng, Trưởng Phòng Đào tạo của Học viện Ngân hàng, cho rằng sẽ khó tránh khỏi nguy cơ thất nghiệp khi có quá đông người chọn học ở các ngành nói trên. Ông nhận định: “Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, những năm tới, hệ thống ngân hàng và DN vẫn cắt giảm nhân sự mảng tài chính, kế toán. Nếu không có định hướng mà đổ xô theo học, chắc chắn sẽ có thêm một lượng lớn cử nhân thất nghiệp”.
Cạnh tranh gay gắt
Theo ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Viện Quản lý Việt Nam, cạnh tranh lao động sẽ rất gay gắt ở khối ngành kinh tế nói chung, tài chính - ngân hàng nói riêng. Nhà tuyển dụng cũng sẽ “kén canh chọn cá” chứ không tuyển dụng ồ ạt như trước. Do vậy, đòi hỏi người dự tuyển phải tự trau dồi, nâng cao kỹ năng, chất lượng lao động mới có cơ hội tìm được việc làm, tránh nguy cơ bị đào thải ngay trước lúc vào DN.
Bình luận (0)