Trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quy định giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu
Liên quan đề xuất này, Báo Người Lao Động đã có nhiều bài viết phân tích những bất cập của Luật BHXH, tập trung vào các vấn đề tuổi nghỉ hưu và mức hưởng lương hưu. Bạn đọc Kim Oanh hài hước: "Mình đi làm từ năm 18, đến nay 55 tuổi mới được 37 năm, vậy những người đi làm từ hai lăm tuổi thì tới 55 cũng mới vừa đủ 30 năm. Vô làm trễ hơn thì phải làm tới khi nào?". Cùng góc nhìn, bạn đọc Lê Xuân Khỏe chua chát: "Hơn 40 tuổi chẳng công ty nào muốn tuyển và cũng nhiều công ty muốn sa thải rồi. Khổ thân người lao động làm sao trụ bám đến 60 -62 tuổi để về hưu". Bạn đọc Ngọc Bảo nhận xét: Báo Người Lao Động phản ánh đúng với thực tế . Ngoài 40 tuổi đi xin việc cũng khó khăn thì tiền đâu mà tham gia bảo hiểm".
Bạn đọc Trần Đạt nhận xét: "Tôi thấy tuổi nghỉ hưu như hiện nay là không phù hợp và người lao động không còn lựa chọn phải rút BHXH một lần. Vì thực tế đời sống của công nhân hiện nay rất chật vật, môi trường làm việc kém thực phẩm bẩn tràn lan..thời gian làm việc ở công xưởng kéo dài tới 10 -12 giờ một ngày vì lương thấp mà chi phí sinh hoạt, nuôi con rất cao. Với điều kiện như vậy thì chỉ 45 tuổi là sức khỏe giảm lao động và sẽ bị đẩy ra đường. Không thể xin việc ở tuổi 45 thì người lao động bắt buộc rút bảo hiểm để giải quyết khó khăn. Ngồi chờ tới 60 nữ 62 nam thì ai có thể chờ được hưu .Và nếu chưa đủ năm đóng thì cũng khó có cơ hội đóng tiếp".
Một bạn đọc tên Minh bày tỏ: "Ngành nghề nào cũng vậy thôi, trực tiếp thì không đủ sức khỏe, còn gián tiếp thì không theo kịp sự phát triển của công nghệ, làm cầm chừng, ì ạch chờ tuổi nghỉ hưu thôi. Người già thì bắt đi làm, người trẻ thì sức cống hiến và năng lượng nhiều thì thất nghiệp, đó là nghịch lý".
Bạn đọc Phan Nghĩa Đại cho biết ngoài 40 tuổi thì mắt kém, đầu óc kém linh hoạt, hành động kém nhanh nhạy, lao động năng suất giảm. Chả có ai bỏ tiền ra để thuê người làm công như vậy". Tương tự, bạn đọc giấu tên chia sẻ: "Rất mong Bộ Lao động, Thương binh và xã hội trình chính phủ xem xét phương giảm tuổi nghỉ hưu trở về như cũ (nam 60 nữ 55) vì người lao động tầm tuổi đó không còn sức để mà làm việc. Cứ đóng bảo hiểm bao nhiêu năm thì hưởng bấy nhiêu %, chứ bây giờ nhiều người đi làm sớm bảo hiểm đóng trên 30 năm rồi mà khi nghỉ hưu trước tuổi lại trừ %, điều này rất vô lý".
Góp ý hoàn thiện chính sách, bạn đọc Đào Huy bộc bạch: "Tôi đồng ý nữ và nam khi đóng đủ 30 và 35 năm thì được về hưu và hưởng 75% bởi vì họ đã đóng tối đa số năm để hưởng % hưu cao nhất rồi. Còn nếu đóng tiếp thì phải tăng tỉ lệ % lương hưu lên trên 75% tùy theo số năm đóng, vậy mới đúng về bản chất và logic". Theo bạn đọc Vũ Mạnh Cường, linh hoạt nghỉ hưu là phù hợp với thực tiễn. Với một bạn đọc tên Tuấn, nên áp dụng tuổi nghỉ hưu của người lao động có hợp đồng lao động trong và ngoài nhà nước như trước đây. Nam 60 tuổi nữ 55 tuổi đóng BHXH bắt buộc liên tục 20 năm trở lên thì ai có nguyện vọng nghỉ hưu để hưởng lương hưu thì nên giải quyết chế độ nghỉ hưu, đó mới khả thi vì những đối tượng lao động kể trên thường là lao động trực tiếp nặng nhọc khó ai mà đợi đến tuổi nghỉ hưu áp dụng như hiện nay.
Một bạn đọc giấu tên khẳng định chắc nịch: "Đóng đủ 30 tới 35 năm BHXH không bao giờ là khả thi cho người lao động trong khu vực tư nhân". Bạn đọc Nguyễn Xuân Hùng đề xuất: "Nữ đóng BHXH 30 năm và nam đóng đủ 35 BHXH thì được về hưu, hưởng 75% lương. Bạn đọc Trần Lâm Thảo bình luận: "Theo tôi, mỗi lao động làm và đóng BHXH 35 năm thì tuổi của họ đã không còn trẻ nữa, hãy để cho họ tự quyết định tuổi nghỉ hưu của mình! Vả lại tiền BHXH là của người lao động đóng vào, cớ sao cơ quan BHXH có quyền quyết định người ta nghỉ khi nào? Có phi lý không?
Bình luận (0)