Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm gần 750.000 lao động hưởng BHXH một lần. Khoảng 10% lao động rút một lần có thời gian đóng BHXH từ đủ 10 năm trở lên.
Trong Dự thảo BHXH sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quy định giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu.
Góp ý nội dung này, nhiều cán bộ Công đoàn cho rằng nếu nhất thiết phải giảm số năm đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí xuống còn 15 năm như dự thảo thì cần xem xét giảm tuổi nghỉ hưu của người lao động như trước đây, tức nữ 55 tuổi và nam 60 tuổi.
Một bạn đọc tên Bình bày tỏ: "Người Lao động không cần giảm số năm đóng BHXH, mà họ cần giảm tuổi nghỉ hưu, đóng nhiều hưởng nhiều đóng ít hưởng ít, khi đã đủ 35 năm với nam thì được quyền lựa chọn nghỉ hưu hay tiếp tục. Chính sách đề xuất giảm xuống 15 năm chỉ là đối phó không giải quyết được vấn đề, người lao động cứ 14 năm 9 tháng rút 1 lần khỏi cần hưu.....
Bạn đọc Đoàn Hải đặt câu hỏi: "Người lao động đã đóng 20 năm BHXH, mới 45 tuổi mà mất việc làm thì uống nước lã chờ đến 60 tuổi để lĩnh lương hưu à, ban soạn thảo luật cho ý kiến đi?". Theo bạn đọc Nguyễn Văn Hiền, người làm việc chân tay thì nam 55 tuổi cho nghỉ hưu và nữ là 52 tuổi nghỉ hưu là hợp lý. Chứ đóng đủ số năm bảo hiểm là 25 năm mà bây giờ 55 tuổi đợi đến khi 62 tuổi mới cho nghỉ hưu thì biết làm gì để sống. Nhiều tuổi rồi đi xin việc ai nhận nữa".
Bạn đọc Phan Hạnh góp ý: "Luật BHXH sao bất cập quá. Người lao động 40 - 45 tuổi doanh nghiệp muốn cho nghỉ, rồi vậy mà BHXH lại tạo điều kiện cho người 45 - 47 tuổi tham gia BHXH muộn, tuổi nay ai nhận vào làm nữa đâu mà tham gia BHXH?". Bạn đọc Ngô Thị Lan nêu thực tế: "Chúng tôi là giáo viên mầm non mới có 40 tuổi mà sức khỏe đã sa sút, xương khớp đau khắp người, mỗi tháng phải uống bao nhiêu các loại thực phẩm chức năng mới chiến đấu được với các cháu. Do vậy, chỉ mong muốn giảm số năm đóng bảo hiểm và tuổi nghỉ hưu xuống 55, chứ đợi 60 thì sợ lúc ý đi gặp các cụ rồi chứ chưa kịp lĩnh đồng lương hưu nào. Mong xem xét lại số năm đóng bảo hiểm và tuổi nghỉ hưu".
Theo bạn đọc Vũ Hồng Tuyến, các hiệp hội ngành nghề thuộc diện lao động sản xuất trực tiếp lên có tiếng nói để bảo vệ người lao động thuộc ngành nghề của mình. Xin hỏi có bao nhiêu ông thợ xây tuổi 55, 60 mà còn trèo cao 5,6 giàn giáo đổ bê tông giữ trời nắng lúc 11, 12h hay công nhân may theo dây chuyền đứng ngồi suốt 8 tiếng. Hay ông thợ điện 55t sức đâu mà leo cột kéo dây. "Tầm tuổi 55 thì mắt mờ chân chậm những người lao động sản xuất trực tiếp được quyền nghỉ hưu, nếu còn một vài trường hợp có thể làm tiếp thì khuyến khích như lúc đó phải chi trả 100% lương thì mới tận dụng tối đa nguồn lực xã hội được" - bạn đọc Vũ Hồng Tuyến góp ý.
Theo bạn đọc Nguyễn Văn Tuyên, nên giảm số năm đóng BHXH, ai đóng ít thì hưởng ít, ai đóng nhiều thì hưởng nhiều. Với bạn đọc Đỗ Văn Chữ, tuổi nghỉ hưu tốt nhất nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi xã hội sẽ phát triển mạnh. Bạn đọc tên Danh quả quyết: "Dứt khoát đưa tuổi hưu về lại 55 tuổi với nam 52 tuổi với nữ cho người lao động chân tay. Người nào đã đóng đủ 30 năm BHXH mặc định hưởng lương hưu không kèm điều kiện gì. Nếu không thì sửa cái gì cũng vô ích".
Bình luận (0)