Cá lóc vợ tôi mua về định đãi khách là cá nuôi chứ không phải cá đồng, thèm thì ăn chớ không ngon lắm. Chính vì vậy mà cả nhà tôi chẳng ai đoái hoài tới mấy chú cá lóc cứ quảy ầm ầm trong lu. Vợ tôi ngày nào cũng thay nước vì sợ cá ngộp. Đâu được chừng 10 hôm thì nhà lại có khách đột xuất. Không chuẩn bị kịp nên vợ tôi đành đãi khách bằng món cá lóc nướng trui cuốn bánh tráng.
Mấy con cá lóc bị bỏ đói cả chục ngày nên cái bụng tóp rọp, thân hình cũng "thon gọn" hơn. Vợ tôi nhét vô bụng chúng mấy cọng sả đập dập trước khi nướng. Cũng vì đột xuất nên không có rơm, tôi đành đốt đống củi chà để nướng cá. Củi chà là loại củi lấy từ nhánh nhỏ hoặc ngọn của cây nhãn, chôm chôm và các loại cây ăn trái khác trong vườn nhà. Chúng cháy rất dữ, không thua gì rơm nhưng nóng bền hơn và khi tàn lửa thì vẫn còn lại một lớp than đủ để làm cá chín đều, nhất là ruột cá. Khi lửa tàn, lớp vảy cá cũng bung ra. Tôi vót miếng vỏ tre cạo vẩy cá rồi hơ lại trên than. Mỡ cá cháy xèo xèo, mùi cá nướng thơm lừng khiến những người ngồi quanh đống lửa phải hít hà.
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu sau đó lên bàn ăn khách cứ trầm trồ khen "cá lóc đồng" thịt dai, ngọt, thơm ngon quá thể. Tôi nhìn vợ tủm tỉm cười rồi bảo khách: "Nói thiệt với anh cá này là cá nuôi chớ không phải cá đồng. Bà xã tui rộng cả chục ngày rồi nên thịt nó săn lại". Bạn tôi vỗ đùi đắc ý: "Hay quá, kinh nghiệm quý. Tôi sẽ nói bà xã áp dụng để đỡ thèm cá đồng".
Tôi không ngờ cái con cá lóc nuôi thịt bở rệt, ruột toàn mỡ mà chỉ sau 10 ngày "nhịn ăn" đã có sự thay đổi đáng kể về chất lượng như vậy. Tết này tôi sẽ nói bà xã mua một mớ cá lóc, cá rô, cá sặc… dự trữ, phòng khi đã ngán thịt mỡ, dưa hành…
Bình luận (0)