Gần 4 giờ chiều, nhưng cả khu trọ 40 phòng ở Thôn Bầu, Kim Chung, Hà Nội, yên tĩnh, vắng vẻ. Cư dân khu trọ chủ yếu từ những tỉnh xa đến, làm việc trong KCN Bắc Thăng Long, đa số công nhân (CN) ở nhà, chỉ một số ít còn đi làm. Chị Hoàng Thu Trang, quê ở Thanh Hóa hiện đang làm cho công ty TNHH Hoya, cho biết làm việc tại công ty 2 năm, với mức lương hơn 6 triệu/tháng, mỗi tháng phải trả 600.000 đồng tiền nhà trọ, tiền sinh hoạt mỗi tháng cũng đến 3 triệu, với giá thịt lợn tăng cao hiện nay, bữa ăn đạm bạc cũng phải từ 20.000-30.000 đồng. Ngoài ra chị cũng chẳng dám sắm quần áo cho bản thân mình.
Những ngày cuối năm người lao động tất bật với việc làm thêm để kiếm thêm thu nhập. (Ảnh minh họa, KT)
Với mức lương CN trung bình khoảng từ 5-7 triệu đồng/tháng thì khó có thể bảo đảm cuộc sống đầy đủ. Đối với CN nữ, chưa có gia đình như chị Trang đã khó khăn, còn đối với CN nam còn khó khăn hơn nhiều.Chị Trang tâm sự: "Lương tháng đi làm 7-8 triệu, tiền trọ hết gần 1 triệu, ăn uống sinh hoạt cũng 3 triệu là tiết kiệm. Nhiều khi đi làm việc mệt thì chỉ mua gì đó ăn tạm hoặc có khi là gói mỳ tôm".
Anh Trần Trung Dũng, CN Công ty Toto Việt Nam chia sẻ bản thân anh và nhiều người lao động nếu không làm thêm ở công ty thì sau giờ làm việc cũng kiếm thêm việc làm khác để tăng thu nhập như: buôn bán hoa quả, quần áo, chạy xe ôm grab. "Tôi có gia đình rồi nên thời gian rảnh tôi chạy xe ôm grap để có thêm thu nhập. Hôm nào đi làm về mệt thì nghỉ. Trung bình một tháng cũng có thêm 1,5-2 triệu đồng để chi tiêu", anh Dũng cho biết thêm.
Cả năm làm việc vất vả, các CN đều mong có được tiền thưởng tháng lương thứ 13 để sắm sửa ăn Tết, nhưng mức thưởng Tết đối với CN các KCN cũng chẳng thấm vào đâu.
Anh Nguyễn Huy Tưởng, CN Công ty CP Sowa Việt Nam cho biết: "Thưởng thì phụ thuộc vào tình hình sản xuất của công ty, theo quy định lương thưởng chỉ được khoảng 2 tháng lương cơ bản thôi, nhưng công ty chuyển lương thưởng trước nghỉ Tết khoảng 4-5 ngày. Cứ bảo đi làm lương cao nhưng không phải cao, mọi thứ đều lên giá cả. Vợ chồng làm công ty mà thêm 2 đứa con là không đủ sống, được đồng nào tiêu hết đồng đó luôn".
Có thể thấy, nỗi lo cơm áo gạo tiền hằng ngày dường như đang chiếm hết tâm trạng đón Tết hằng năm của CN. Với hàng triệu CN - lao động nghèo, xa quê, thì sự quan tâm chia sẻ từ doanh nghiệp, ngành chức năng và cả cộng đồng, đặc biệt là vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc lại càng có ý nghĩa hơn. Vì thế, những món quà, thưởng cùng sự chăm lo về mặt tinh thần sẽ tạo điều kiện cho họ có thể đón một mùa xuân vui tươi, đầm ấm hơn.
Bình luận (0)