Tại khoản 7, điều 42 Quyết định số 595/QĐ-BHXH quy định đối với người lao động bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không thì người lao động và đơn vị được tạm dừng đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp nhưng vẫn phải đóng BHYT hằng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng mà người lao động được hưởng theo quy định của pháp luật.
Căn cứ quy định này thì người lao động sẽ không đóng BHXH nhưng vẫn đóng BHYT trong thời gian bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra.
Người tham gia khám BHYT tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Mai Chi
Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 85 Luật BHXH lại quy định người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Hai quy định trên khiến nhiều doanh nghiệp và người lao động lúng túng trong việc xác định phải đóng hay không đóng BHYT trong thời gian NLĐ bị tạm đình chỉ công việc.
Giải đáp vướng mắc trên, BHXH TP HCM cho biết căn cứ khoản 7 Điều 42 Văn bản hợp nhất số 2525/VBHN-BHXH ngày 15-8-2023 của BHXH Việt Nam thì người lao động mà bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì người lao động và đơn vị được tạm dừng đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp nhưng vẫn phải đóng BHYT hằng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng mà người lao động được hưởng theo quy định của pháp luật.
Người lao động không hưởng lương thì không tham gia BHYT. Ảnh: Mai Chi
Sau thời gian tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác nếu được cơ quan có thẩm quyền xác định bị oan, sai, không vi phạm pháp luật thì thực hiện việc đóng bù BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp trên tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc và truy đóng BHYT trên số tiền lương được truy lĩnh, không tính lãi đối với số tiền truy đóng,
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định người lao động là có tội thì không thực hiện việc đóng bù BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và không phải truy đóng BHYT cho thời gian bị tạm giam. Trường hợp không hưởng lương thì không phải đóng BHYT.
Như vậy, nếu trong thời gian bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật mà người lao động vẫn được trả lương thì phải tham gia BHYT hằng tháng (bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng mà người lao động được hưởng); trường hợp không hưởng lương thì không đóng BHYT.
Bình luận (0)