Tại ngày hội việc làm tổ chức mới đây ở TP HCM, Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Life (quận 11, TP HCM) cần tuyển đến 70 vị trí nhưng số hồ sơ nhận vào rất ít, số người đến phỏng vấn và nhận việc lại càng ít hơn. Không chỉ Công ty Dai-ichi Life mà rất nhiều doanh nghiệp hiện nay gặp khó khăn khi tuyển dụng nhân sự.
Tìm không ra người
Công ty Dai-ichi Life rao tuyển nhiều vị trí với mức thu nhập hấp dẫn: trưởng phòng kinh doanh có mức thu nhập 30 đến 50 triệu đồng/tháng, trưởng nhóm kinh doanh có thu nhập 15 đến 50 triệu đồng/tháng, chuyên viên tư vấn tài chính có thu nhập từ 10 đến 30 triệu đồng/tháng… Bà Đỗ Xuân Minh, Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty Dai-ichi Life, than: “Nghe báo chí nói cả nước có hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp nhưng không biết họ đi về đâu trong khi doanh nghiệp tuyển lao động rất khó khăn. Khi đã tuyển rồi, giữ được người lại càng khó. Nhiều người làm việc được vài tháng đã xin nghỉ. Lao động trẻ ngày nay có tâm lý thích “Việc nhẹ lương cao”; chỉ muốn công việc an toàn, ít áp lực; gặp khó khăn thì nản chí, xin nghỉ ngay chứ không tìm cách vượt qua”.
Không chỉ khó tuyển lao động trình độ cao mà ngay cả công nhân kỹ thuật, doanh nghiệp cũng “tìm đỏ con mắt”. Công ty TNHH Metkraft (KCX Tân Thuận, TP HCM) cần tuyển 30 lao động kỹ thuật có trình độ trung cấp, cao đẳng hoặc công nhân có kinh nghiệm trong ngành kỹ thuật nhưng cuối cùng cũng chỉ được vài ứng viên. “Do tâm lý chuộng bằng cấp nên mọi người thích học đại học, không ai muốn vào cao đẳng, trung cấp nghề nên lao động phân khúc này đã thiếu càng thêm thiếu. Riêng vị trí trưởng phòng quản lý chất lượng, công ty rao tuyển và có vài người đến nộp hồ sơ nhưng đều không đạt. Vị trí này hiện đã bỏ trống 6 tháng nay mà cũng chưa tìm được người” - bà Phạm Diễm Phương, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty Metkraft, bày tỏ.
Doanh nghiệp chật vật xoay xở
Khó khăn khi tuyển lao động, tuyển rồi có làm việc được hay không lại là vấn đề khác. Ông Ngô Văn Miên, Tổ trưởng tổ cơ điện Công ty CP Máy An Phát (KCN Tân Đức, Long An), cho biết dù có nhiều chính sách đãi ngộ về lương, thưởng và chế độ phúc lợi nhưng công ty gặp rất nhiều khó khăn khi tuyển dụng và giữ lao động. Nhiều em đã tốt nghiệp cử nhân ngành điện nhưng vào làm chỉ thay được bóng đèn, không biết sửa điện. Không biết ở trường các em học gì? Doanh nghiệp phải đào tạo lại từ đầu với những kiến thức cơ bản nhất.
Để tìm đủ số lượng nhân sự, Công ty Dai-ichi Life phải tham gia rất nhiều ngày hội việc làm của các trung tâm dịch vụ việc làm, trường đại học, đăng tuyển trên các báo, các trang mạng xã hội… “Bên cạnh đó, công ty còn phối hợp với các trường đại học tổ chức dạy các chương trình kỹ năng mềm: làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo, nói chuyện trước đám đông… cho sinh viên và tuyển dụng các em khá về kỹ năng” - bà Xuân Minh thông tin. Còn Công ty TNHH Metkraft cũng tự tìm nguồn lao động bằng cách liên kết với các trường cao đẳng, trung cấp nghề để nhận sinh viên thực tập. Trong quá trình thực tập, sinh viên được trả lương, hỗ trợ cơm trưa, xăng xe… Bà Diễm Phương cho biết: “Khi thực tập, các em sẽ được thực hành trực tiếp trên máy và trải qua rất nhiều máy móc để có kinh nghiệm thực tế. Sau khóa thực tập, thường công ty tuyển dụng ngay những em đạt kết quả tốt”.
Bà Sherry Boger, Tổng Giám đốc Intel Việt Nam:
Đưa lao động ra nước ngoài đào tạo
Công ty đang phối hợp với các trường ở nước ngoài để đưa lao động ra nước ngoài đào tạo. Chương trình đào tạo có nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng tập trung vào khoa học, công nghệ. Trong quá trình đào tạo, công ty cấp học bổng cho các em. Việc hợp tác này hai bên đều có lợi, công ty có những lao động trình độ cao, còn trường cũng nhận được sự đóng góp về mặt tài chính của công ty. Bên cạnh đó, Intel còn kết hợp các chương trình đào tạo bên trong và bên ngoài để tạo ra nguồn lao động có chất lượng.
Bình luận (0)