Mặc dù số lượng lao động VN được đưa sang Đài Loan làm việc giảm dần trong 2 năm qua, nhưng đây vẫn là thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) chủ lực của VN. Ông Hoàng Như Lý, Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế Văn hóa VN tại Đài Loan, cho rằng việc đẩy mạnh công tác giáo dục định hướng, nâng cao nhận thức, coi trọng đào tạo nâng cao chất lượng lao động, cùng với việc quản lý tốt lao động... sẽ là những yếu tố giúp VN mở rộng thị trường này.
Chịu khó, có cách làm giàu
Năm 1996, anh Nguyễn Đoàn Hoàng Nhân, sinh năm 1972, quê ở huyện Long Hồ, Vĩnh Long sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình tu nghiệp sinh. Hoàn thành hợp đồng trở về, năm 2001, anh Nhân tiếp tục sang Đài Loan làm việc cho Công ty Thanh Viễn ở Đào Viên. Thu nhập bình quân của anh Nhân hiện nay tuy không còn cao như trước, nhưng bình quân đạt hơn 30.000 Đài tệ (khoảng 1.000 USD)/tháng. Từ một lao động bình thường, nhờ chịu khó học hỏi tay nghề, anh Nhân hiện nay là thợ vận hành máy CNC bậc cao, được chủ giao việc quản lý, hướng dẫn lao động làm việc.
Ở Công ty Thanh Viễn, hiện có 40 trong số 60 lao động nước ngoài là người VN. Nguyễn Đình Long, quê TP Vinh, Nghệ An nói: “Đã sang đây là phải chịu khó làm, cố dè sẻn chi tiêu để có nhiều tiền gửi về gia đình”. Đặng Minh Chí, 23 tuổi, quê ở Đồng Tháp, cho biết sang Đài Loan làm việc cho Công ty Nec. Đến nay, Chí đã gửi về gia đình 56 triệu đồng và cố gắng gửi đủ tiền trả nợ vay trong năm đầu. Trương Văn Nam, quê Quảng Bình, sang 10 tháng, trừ chi tiêu, anh gửi về nhà 50 triệu đồng. Nam tâm sự: “Công việc cực mấy cũng phải cố gắng, vừa để kiếm tiền phụ gia đình vừa có chút ít vốn liếng tay nghề để sau này về nước tìm được chỗ làm”.
Chi phí cao: Tiềm ẩn rủi ro
Vấn đề đặt ra là để tăng số lượng sang thị trường này thì ngoài nâng cao nhận thức, sự hiểu biết cho NLĐ, phải nhanh chóng khắc phục những tồn tại, bất hợp lý ở thị trường này. Một trong những tồn tại là lao động VN tại Đài Loan đang gánh chịu chi phí quá cao.
Theo quy định, lương tối thiểu của lao động nước ngoài tại Đài Loan là 15.840 Đài tệ (khoảng gần 8 triệu đồng/tháng). Nhưng thu nhập thực tế sau khi trừ các chi phí của nhiều người thấp hơn mức lương này. Qua tìm hiểu của chúng tôi, chi phí lao động Thái Lan, Philippines, Indonesia thấp hơn so với lao động VN. Công ty phái cử lao động ở những quốc gia này chỉ thu phí dịch vụ 1 tháng lương căn bản cho cả 3 năm làm việc, trong khi VN là 3 tháng lương.
Khoản phí môi giới cho công ty Đài Loan, theo quy định không có, nhưng để giữ hợp đồng, các DN phải “lót tay” với mức cao hơn các nước. Phí này được chuyển tên là phí an gia, phí phục vụ, thu theo mức 1.800 Đài tệ/tháng đối với năm đầu, 1.700 Đài tệ/tháng đối với năm thứ hai và 1.500 Đài tệ/tháng đối với năm cuối. Nhưng thực tế có nhiều nơi đội mức phí này lên cao, với mức thu trọn gói 80.000 - 90.000 Đài tệ/người, thập chí 120.000 Đài tệ.... Những khoản chi phí này cộng với tiền ăn ở hằng tháng bị trừ trực tiếp vào lương, khiến thu nhập thực tế của nhiều lao động còn lại, nhất là trong năm đầu thấp hơn lương tối thiểu. Do gánh nặng chi phí , cảm thấy làm nhiều hưởng ít, một số lao động chọn con đường bỏ trốn...
Vấn đề đáng lưu ý là, quyền lợi của công ty phái cử lao động trong nước luôn gắn liền với lợi ích công ty môi giới. Do đó, trong rất nhiều vụ tranh chấp, một số công ty XKLĐ không can thiệp và đứng ra bảo vệ quyền lợi cho lao động mình. Anh Nguyễn Đoàn Hoàng Nhân cho biết, nhiều lao động ở Đài Loan bị xử ép quyền lợi. Nhưng nơi đầu tiên họ cầu cứu, nhờ can thiệp là các tổ chức từ thiện, phi chính phủ chứ không phải công ty XKLĐ hay công ty môi giới...
Ba năm, có thể tích lũy 300 triệu đồng Theo Ban Quản lý lao động VN tại Đài Loan, hơn 80% lao động VN làm việc tại Đài Loan có công ăn việc làm ổn định. Sau 3 năm, mỗi người có thể tích lũy được hơn 200 triệu đồng. Trong tổng số 695 công ty môi giới ở Đài Loan, Công ty tạo nguồn nhân lực Forward được Ủy ban Lao động Đài Loan đánh giá là một trong những công ty tốt nhất về khai thác thị trường. Thông qua đào tạo nghề và ngoại ngữ của công ty này ở VN, đã có 6.000 lao động sang Đài Loan làm việc. Bà Mã Bạch Phụng, Phó Tổng Giám đốc Forward, cho rằng nếu chí thú làm ăn, biết dành dụm, mỗi tháng, người lao động (NLĐ) có thể tích lũy gửi về gia đình từ 10 triệu đồng trở lên. |
Ông Nguyễn Bá Hải, Trưởng Ban Quản lý lao động VN tại Đài Loan: Khuyến khích tuyển dụng trực tiếp, giảm chi phí cho NLĐ Ủy ban Lao động Đài Loan (ILA) đang khuyến khích các chủ doanh nghiệp (DN) Đài Loan tuyển dụng trực tiếp lao động nước ngoài. Hiện tại, một số công ty XKLĐ của VN như Traenco, Viettracimex đã ký được hợp đồng trực tiếp đưa hơn 700 lao động sang làm việc cho Công ty Nam Á thuộc tập đoàn điện tử Formosa. Thu nhập bình quân của mỗi lao động đạt 800 - 1.000 Đài tệ/ngày. Nhưng cái khó là phần lớn công ty XKLĐ trong nước chưa có năng lực, quan hệ để ký hợp đồng trực tiếp. Sắp tới, ban sẽ lựa chọn một số công ty XKLĐ mạnh của VN giới thiệu cho các chủ DN Đài Loan, vận động họ ký hợp đồng tuyển trực tiếp. Thông tin mới nhất mà chúng tôi nhận được, trong năm 2006 Đài Loan sẽ tiếp nhận 20.000 lao động nước ngoài từ các quốc gia khu vực Đông Nam Á, làm việc ở lĩnh vực “3 D” với các ngành công nghệ kim loại, sửa chữa cơ khí, chế tạo khuôn mẫu, sản xuất vật liệu chịu nhiệt, mộc, điện lạnh, sản xuất gốm sứ... |
Bình luận (0)