xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người miền Tây ở thành phố

HƯƠNG TRẦM

Một cách hiển nhiên, người miền Tây đổ lên TP HCM làm nghề lao động chân tay theo đà tăng của tác động biến đổi khí hậu.

Chị Hai - người phụ giúp việc nhà cho gia đình tôi - thở dài: "Giờ ở quê biết làm gì, lúa thì lép, dừa thì treo!".

Ở quê, giờ đất lở, mặn xâm nhập, nhà nông dù rất đỗi cần cù, chịu khó trồng trọt, chăn nuôi cũng trần ai. Vậy là từ miền Tây, già trẻ lũ lượt kéo nhau lên TP HCM, đa phần làm nghề giúp việc nhà, kiếm mỗi tháng 4-5 triệu đồng ngon ơ, chẳng phải bán mặt cho đất bán lưng cho trời.

Chị Hai chí thú với công việc nhà. Chị hồn nhiên nói: "So với chuyện đi cấy, cắt cỏ nặng nhọc, mấy chuyện dọn dẹp nhà cửa, cho quần áo vô máy giặt, nấu cơm nước nhẹ re". Tuy nói vậy, tôi biết chị nhớ quê lắm. Chị mang theo hồn cốt quê nhà, vườn ruộng, nắng gió miền Tây lên thành phố. Nếp ăn ở người miền Tây không lẫn vào đâu được. Đó là tính hào phóng, thân thiện, cởi mở.

Tôi còn nhớ khi mới lên TP HCM, chị Hai nhanh chóng làm quen khắp các hộ trong khu chung cư. Nhà ai có con ốm đau hay hoàn cảnh neo đơn, chị đều biết. Thời sự trong khu chung cư, chị nắm rất rõ. Mỗi khi có bão lụt, thiên tai, chị hăng hái thay chủ nhà mang gạo, quần áo cũ, tiền bạc quyên góp cho bà con. Mỗi khi nấu nướng món ngon, làm bánh xèo, bánh bò…, chị mang tặng khắp hàng xóm. Vì quý mến chị, hàng xóm cũng rất thân thiện với chủ nhà. Sống giữa yêu thương trong một cộng đồng, còn gì hạnh phúc hơn.

Người miền Tây ở thành phố - Ảnh 1.

Cư dân sống trong các khu chung cư rất dễ gần gũi, thân thiện với nhau Ảnh: TẤN THẠNH

Ở với tôi một thời gian, chị Hai phải về quê chăm sóc mẹ già. Không có chị, hàng xóm cũng lơ là, lỏng lẻo đi nhiều, do tôi đầu tắt mặt tối, chẳng có thời gian kết giao. Sự đời là vậy, để chăm sóc, phát triển tình cảm cũng cần phải có thời gian.

Khi tôi dọn về ở một quận nội thành TP HCM, nhà mới, hàng xóm cũng mới. Hàng xóm mới tỏ vẻ ngó lơ, không chào hỏi. Sau nhiều lần chào mà không được đáp, tôi cũng chọn thái độ dửng dưng. Sống ở thành phố, "đèn nhà ai nấy tỏ" cũng là chuyện thường tình. Không làm phiền nhau cũng là quá tốt rồi.

Nhưng "cuộc chiến tranh lạnh" giữa nhà tôi và hàng xóm nhanh chóng được phá vỡ, khi chị Hai xuất hiện. Lo hậu sự cho mẹ già xong, chị buồn, lên thăm gia đình tôi cho khuây khỏa, tiện thể ở lại giúp việc nhà mấy tháng.

Mới lên có mấy ngày, chị Hai đã ngồi trước cửa trò chuyện với bà già có gương mặt khó đăm đăm cạnh nhà tôi. Thường khi, bà hàng xóm chào tôi bằng gương mặt lạnh băng khi phải đụng mặt; nay bà tỏ ra vui vẻ, đon đả hơn.

Hóa ra, sự ấm nồng hàng xóm được hóa giải chỉ nhờ vào mấy cái bánh bò chị Hai mang sang, tô canh bồ ngót chị nấu "tiện thể múc cho thằng nhỏ nhà bên cạnh". Cậu nhỏ nếm mùi canh bồ ngót chị nấu, tấm tắc khen vị ngon ngọt bùi với bà nội nó.

Chị Hai chia sẻ bí quyết nấu canh ngon: "Mình lặt lá xong, vò cho nát, khi bỏ vô nồi canh nó mới mềm, mới thơm được". Bà hàng xóm ớ người ra: "Vậy hả? Hèn gì hồi nào tới giờ tôi nấu canh bồ ngót chỉ ăn nước, bỏ lá vì nó dai quá!".

Cũng chỉ mấy ngày, chị Hai đã nắm được hoàn cảnh những nhà xung quanh. Chị nói vanh vách: "Nhà A ít người nên cho mướn, nhà B vợ chồng già không con, cu Tèo nhà C chuẩn bị vô lớp 1, nhà D có con sắp lấy chồng, nhà F cô chủ mới sinh con bị chồng bỏ, nợ nần tứ tung…". Có điều lạ là chị hồn nhiên kể hoàn cảnh từng nhà không phải với thái độ tò mò miệt thị mà đồng cảm, chia sẻ. Có lẽ nhờ sự chia sẻ này mà chị nắm được thông tin rất sâu và nhanh nhạy. Tôi thầm nghĩ, nếu được học hành tử tế ngành báo chí, chị sẽ rất thành công khi là phóng viên viết phóng sự điều tra!

Tôi đi làm suốt ngày, ít có dịp tham gia các hoạt động ở khu phố. Mặc nhiên, chị Hai là cộng tác viên đắc lực của tổ trưởng dân phố, từ việc điều tra dân số đến quyên góp bão lụt, thiên tai…

Sống ở thành phố, ăn món gì ngon chị Hai cũng xuýt xoa, thương người miền quê. Chị hay thở dài: "Lên trên này tui mới biết an toàn thực phẩm là sao. Chứ ở dưới quê, lâu lâu có xe chở hàng về bán rẻ, bà con mua ùn ùn mà đâu biết chúng đã quá đát".

Ở thành phố tuy giúp việc nhà nhưng được ăn ngon, mặc đẹp, lại sống với bà chủ thường xuyên vắng mặt, chị Hai lấy làm vui vẻ, thoải mái. Chị hay cười, nói vui với tôi: "Không có gì sướng bằng ở nhà đàn bà độc thân, không phải hầu hạ mấy thằng cha đàn ông". Tuy vậy, đôi lúc tôi bắt gặp chị ngồi buồn trên sa-lông, mắt ngân ngấn nước. Ấy là những lúc chị nhớ quê. Sống ở thành phố ấm thân mình nhưng chị cứ thao thức: "Năm nay mặn sớm, lúa lép dừa treo, không biết bà con mình sống sao đây…".

***

Tôi chuyển về khu nhà mới được hai năm thì phía đối diện mọc lên một căn nhà ba tầng. Hàng xóm mới của tôi gốc gác người miền Tây. Thấy tôi ngoài ban công, chủ nhà chủ động chào trước, xởi lởi: "Ủa, chị mua mấy cái cây ở đâu đẹp vậy. Trời, thấy bông nở mắc ham!". Tôi chỉ cho chị hàng xóm chỗ bán, tiện thể giải thích loài cây này tuy không thơm nhưng nở hoa quanh năm.

Tôi thấy vui vì cái đẹp kéo người ta xích lại gần nhau. Chị xin số điện thoại của tôi. Thấy tôi e dè, chị giải thích: "Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Biết số điện thoại để khi có chuyện gì, mình gọi nhau". Ôi, một lý do thật nhân văn, vậy mà… Tôi tự trách mình quá cảnh giác, rồi xin số của chị. Mối liên lạc này thật hữu hiệu, nhằm báo cho nhau một vòi nước quên đóng, một chậu cây bị đổ…

Tôi nhớ lúc người hàng xóm mới dọn về mấy ngày, nhà chị có tang. Dẫu trước đó chưa từng biết ông cụ nhưng thầm nghĩ "bán anh em xa mua láng giềng gần", đây là dịp để đến với nhau, tôi tới viếng. Chị hàng xóm rất xúc động. Chị tự kể về hoàn cảnh gia đình, như một nhu cầu để chia sẻ.

Từ hôm ấy, chị hàng xóm càng tỏ ra gắn kết, thân thiện với gia đình tôi hơn. Thật ấm áp mỗi khi đi về, hàng xóm gặp nhau chào hỏi vui vẻ. Tết, lễ tặng nhau chút quà quê. Vài trái dừa, quả dưa cũng đủ làm ấm nồng tình hàng xóm.

Một hôm, tôi có khách xa đến thăm. Mừng quá, tôi mở cửa đón khách, đưa lên tầng lửng - nơi đặt phòng khách của gia đình. Một lúc sau, tôi nghe có tiếng chuông điện thoại reo. Bên kia là giọng thảng thốt của chị hàng xóm: "Trời đất, sao nhà không đóng cửa, xe cộ để tùm lum, nguy hiểm quá!". Thì ra, đứng trên ban-công, vô tình chị thấy nhà tôi bỏ rộng cửa, liền gọi điện báo tin. Chừng ấy, mọi người trong nhà mới ớ ra, hú hồn là chưa bị trộm viếng.

Dường như tính cách ấy chỉ có ở những người miền Tây. Tôi thầm nghĩ, sống trong khu phố người miền Tây chân chất, thật thà, thân thiện thì thật là hồng phúc.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo