Bước vào nhà hàng chay Bông Súng (đường Nguyễn Du, quận 1, TP HCM), thực khách như rũ bỏ những bon chen, phiền muộn của cuộc sống để tận hưởng một không gian trầm lặng, ấm cúng. Người tạo nên không gian ấy để thực khách một khi đã đến đây đều muốn quay trở lại chính là chị Diệp Thanh Tuyền, chủ quán.
Chăm chút từng món ăn
Trước đây, chị Tuyền làm kế toán cho một công ty điện lạnh nổi tiếng tại TP HCM. Từ khi chồng mở công ty riêng, chị nghỉ việc ở nhà giúp chồng. Chính những ngày làm việc ở nhà, chị nhận ra mình có một niềm đam mê khác đó là nấu các món ăn chay. Năm 2015, được sự hỗ trợ của hai người bạn thân, một người là chủ nhà hàng chay nổi tiếng tại TP HCM và một người có trang trại rau ở Đà Lạt, chị Tuyền quyết định mở nhà hàng chay. Chị Tuyền cho biết: "Ban đầu, tôi định đặt tên là Bông Sen nhưng đã có nhiều nhà hàng, quán ăn đặt tên này rồi. Tôi chợt nghĩ đến Bông Súng bởi đây là một loại hoa dân dã, có sức sống mãnh liệt, thích nghi với mọi hoàn cảnh và hoa cũng rất đẹp".
Với tiêu chí ăn không chỉ để no mà phải hội đủ các yếu tố sạch, xanh, tươi và đủ chất, chị Tuyền đã chọn lọc thật kỹ từng nguyên liệu đầu vào. Tất cả rau củ quả của Bông Súng như cải, tần ô, bí đỏ, bí xanh, cà rốt, khoai tây, đậu… đều được lấy từ trang trại sạch của người bạn ở Đà Lạt. Nấm được chị mua từ các siêu thị. Riêng đậu hũ, chị chỉ mua của đôi vợ chồng già người Hoa và sản phẩm của họ chỉ bán mỗi ngày cho quán, không bán ra thị trường. Để nhà hàng có không gian đẹp, mỗi ngày, chị đều trang trí bằng hoa tươi như thủy tiên, sen, cúc… "Tôi quan niệm món ăn không chỉ ngon mà còn phải đẹp mắt do đó phần trình bày vô cùng quan trọng. Tôi chăm chút từng cánh hoa tỉa bằng cà rốt, cà chua trên đĩa thức ăn đến từng sợi dây thừng, bông hoa lan buộc ở ly nước. Bởi tôi nghĩ hôm nào, đầu bếp lỡ nêm nếm không ngon, nhìn vào các món ăn đẹp, thức uống mát lành, thực khách cũng sẵn lòng bỏ qua" - chị Tuyền bộc bạch.
Chị Diệp Thanh Tuyền luôn chăm chút từng món ăn cho thực khách
Hướng đến những giá trị tốt đẹp
Những ngày đầu khởi nghiệp, tháng nào chị Tuyền cùng 2 người bạn cũng bù lỗ 200 triệu đồng vì chi phí thuê mặt bằng khá cao, giá nguyên liệu sạch lại đắt đỏ. Suốt mấy tháng liền bù lỗ, chị cũng có ý định đóng cửa nhà hàng. Lúc ấy, có một khách người Nhật ngày nào cũng đến ăn và hỏi chị có muốn sang quán lại không. "Khi ấy tôi giật mình, khách hàng thấy tiềm năng của quán, tại sao mình không thấy? Tôi phải thay đổi, cải tiến thôi" - chị Tuyền kể. Từ những món ăn quen thuộc, chị nghĩ thêm nhiều món mới, làm set cơm trưa… Từ quan niệm "hữu xạ tự nhiên hương", chị tăng cường tiếp thị qua Facebook, internet, phát tờ rơi ở các văn phòng và giao tận nơi cho những người bận rộn. Hiện nhà hàng Bông Súng có trên 200 món ăn để khách chọn lựa mỗi ngày, trong đó có nhiều món đặc trưng như lẩu chao, lẩu Thái, cơm trộn gạo lứt, cà-ri, súp bí đỏ… Mỗi tháng, chị còn nhờ một người bạn là giảng viên Trường Nghiệp vụ Du lịch và Khách sạn Saigontourist đến ăn và góp ý về chất lượng bữa ăn, cung cách phục vụ của nhân viên, cách bài trí món ăn của quán.
Đến nay, Bông Súng đã làm nhiều khách hàng "vương vấn" bởi món ăn của mình. Như một đôi vợ chồng người Pháp thường đến nhà hàng ăn và rất thích món cà-ri. Khi về nước, người vợ mang thai lại thèm món cà-ri ở quán. Anh chồng vội viết thư sang, nhờ chị chủ nhà hàng chỉ cách nấu món ăn. Chị Tuyền đã liệt kê nguyên liệu và công thức để anh tự tìm mua và nấu cho vợ mình. Hai vợ chồng người Pháp rất mừng vì được thưởng thức món cà-ri do chính tay họ nấu trên quê hương mình.
Không chỉ chủ trương ngon và đẹp, nhà hàng Bông Súng còn góp phần bảo vệ môi trường. Ống hút của quán làm từ thân cây bàng (dùng để đan đệm) hoàn toàn thiên nhiên. Ngoài ra, quán còn có chính sách giảm 10% cho khách mang theo thố thủy tinh đến mua thức ăn để giảm sử dụng túi, hộp ni-lông. Chị Lê Thị Kim Trinh, sống ở Canada, nhận xét: "Tôi về Việt Nam 15 ngày nhưng đã đến quán ăn 8 lần. Thức ăn quá ngon, phong cách trang trí nhẹ nhàng, ấn tượng".
Không chỉ mang đến sự lành mạnh, Bông Súng còn tạo điều kiện cho sinh viên cơ hội làm thêm, kiếm thêm thu nhập. Không cần phải làm đủ ca, bạn nào đến giờ đi học, chị Tuyền đều cho về sớm. Những nhân viên không có tiền đóng học phí hoặc mua xe máy đều được chị chủ cho mượn tiền mua rồi trả dần hằng tháng từ lương. Trong 4 năm, đã có 3 sinh viên làm tại quán tốt nghiệp đại học.
Tôi từng thất bại và muốn bỏ cuộc nhưng nghĩ mình chưa dám đi hết đam mê, chưa thật sự hết lòng với nghề. Ngã chỗ nào, phải đứng lên từ chỗ đó, tôi đã làm lại và thành công. Đến nay, Bông Súng chỉ đủ trang trải các chi phí nhưng đã có tiếng trong làng ẩm thực chay TP HCM và để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng thực khách” - chị Tuyền bày tỏ.
Bình luận (0)