Thời đại công nghệ phát triển, sở hữu một chiếc điện thoại thông minh để cập nhật tin tức và giải trí là điều không quá khó khăn với công nhân. Tuy nhiên, sử dụng điện thoại thông minh không khác gì dùng "con dao hai lưỡi" bởi công nhân vừa cập nhật tin tức, giải trí nhưng cũng có thể bị các đối tượng xấu lừa đảo qua những thông tin đăng trên mạng xã hội như Zalo, Facebook bằng hình thức trúng thưởng hoặc kết bạn hẹn hò tình cảm...
Lừa đảo qua mạng xã hội
Nhớ lại một cú lừa đau vừa phải hứng chịu, anh N. V. T., công nhân đang làm việc tại KCN Phú Nghĩa chia sẻ: "Cách đây chưa đầy 2 tháng, tôi mua một chiếc điện thoại Samsung J8 trả góp, trong quá trình sử dụng tôi có cài đặt Zalo và tìm kiếm bạn bè xung quanh, khi thấy hình nền của một nickname tên Thùy Linh là một thiếu nữ xinh đẹp, hấp dẫn tôi đã kết bạn làm quen. Sau một thời gian trò chuyện, chia sẻ qua Zalo, chúng tôi hẹn gặp nhau tại một địa điểm khá vắng vẻ. Do nhẹ dạ cả tin cùng với suy nghĩ mình đã chinh phục được đối tượng nên tôi tự tin đến chỗ hẹn.Nào ngờ, vừa đến nơi tôi đã bị cô gái và một đối tượng nữa chuốc thuốc mê, bị lấy mất chiếc điện thoại và gần 1 triệu trong túi. Sau cú lừa đau đó, tôi đã báo công an địa phương, đồng thời tìm hiểu trên mạng Internet thì được biết những chiêu trò lừa đảo như đối với tôi đã được các đối tượng xấu áp dụng với nhiều người nhẹ dạ cả tin khác. Tôi chỉ biết trách mình vì không tìm hiểu về những chiêu trò lừa đảo của các đối tượng xấu để cảnh giác và tự bảo vệ bản thân. Tôi đã có được một bài học đau và chắc chắn sẽ không bao giờ để bị lừa một lần nữa."
Công nhân cần cảnh giác trước mọi hình thức lừa đảo
Trên mạng xã hội Facebook cũng đã có nhiều người bị lừa bằng tin nhắn trúng thưởng. Chị N.T.D., công nhân đang làm viêc tại KCN Phú Nghĩa chia sẻ: "Cách đây không lâu tôi nhận được tin nhắn trên Facebook thông báo mình đã trúng thưởng chiếc xe SH, phiếu tặng quà trị giá cả trăm triệu đồng và thẻ sử dụng xăng miễn phí trong vòng 1 năm. Nghĩ số mình may mắn thật nên tôi đã liên hệ để nhận giải thưởng.
Tôi bị yêu cầu nộp 2 triệu để làm hồ sơ bằng hình thức nạp thẻ cào điện thoại qua trang web, sau đó tôi tiếp tục bị yêu cầu phải nộp 10% tổng giá trị giải thưởng mới được nhận quà. Thấy số tiền quá lớn, tôi nảy sinh nghi ngờ nên đã hỏi bạn bè và biết đây là chiêu lừa đảo. Vậy là tôi đã bị mất 2 triệu trong nỗi ấm ức, từ đó tôi luôn tự nhắc nhở mình và người thân cảnh giác trước những chiêu lừa đảo của các đối tượng xấu."
Với việc lừa đảo bằng hình thức thông báo may mắn nhận giải thưởng, các đối tượng chủ yếu đánh vào sự nhẹ dạ cả tin của người dùng với những món hời lớn. Khi truy cập và hoàn tất các thủ tục, các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu người dùng nộp lệ phí bằng nhiều hình thức như chuyển khoản, nạp thẻ cào...
Tùy vào giải thưởng và mức độ lừa đảo mà các đối tượng xấu đưa ra "lệ phí" cao hay thấp.Tinh vi hơn, có nhiều website còn được lập ra để người dùng hoàn tất hồ sơ với việc đăng nhập tài khoản Facebook trên website lừa đảo. Từ đó, chúng sẽ chiếm quyền điều khiển tài khoản và phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo mượn tiền, mua thẻ điện thoại hộ đến những tài khoản bạn bè trong danh sách của người dùng.
Lừa công nhân mua những đồ dùng cao cấp với giá rẻ
Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của công nhân, đặc biệt là những công nhân làm việc xa nhà, chưa nắm bắt rõ tình hình xã hội nơi mình cư ngụ, các đối tượng xấu đã tiếp cận, lừa công nhân mua những đồ dùng cao cấp với giá rẻ bất ngờ.
Vì ham rẻ nên công nhân sẽ dễ dàng dính bẫy. Chị V.D.H., công nhân đang làm việc tại KCN Nội Bài chia sẻ: "Khi mới xuống Hà Nội làm việc, trên đường đi làm về, có một người đi xe máy theo tôi và đề cập việc bán một chiếc Iphone 6 với giá rẻ, họ nói đó là điện thoại nhặt được, không có nhu cầu dùng nên bán rẻ. Vì ham rẻ, lại đang muốn có điện thoại thông minh để dùng nên tôi đã quyết định mua với giá 2 triệu, ai ngờ mua xong, dùng được ba bữa thì điện thoại tắt ngỏm, lúc đó tôi mới biết mình đã bị lừa."
Chị N.T.T, công nhân đang làm việc tại KCN Nội Bài cũng chia sẻ chị từng bị lừa đảo qua hình thức bán hàng trả góp tận nhà. Chị T. kể, cách đây mấy tháng chị có mua một bộ xoong nồi và bát đĩa thủy tinh, nồi cơm điện"hàng hiệu" với giá 800.000 đồng từ một nhóm bán hàng lưu động. Được quảng cáo chất lượng tốt lại được khuyến mại và cho trả góp nên chị đã quyết định mua luôn và trả trước 400.000 đồng.
Tháng đầu tiên, nhân viên đến thu tiền góp là 200 nghìn đồng thì chiếc nồi cơm điện vẫn hoạt động tốt. Tuy nhiên, đến tháng tiếp theo thì chiếc nồi"hàng hiệu" bị hỏng, không sử dụng được, nhân viên thu tiền cũng không xuất hiện nữa. Bỏ công đi tìm hiểu, chị T. mới phát hiện toàn bộ đồ dùng chị mua chỉ đáng giá 300.000 đồng. Từ đó, chị T. luôn tự nhắc mình không ham đồ rẻ để rồi bị các đối tượng xấu lừa đảo.
Nắm bắt được nhu cầu của công nhân khi gặp khó khăn về kinh tế, các tổ chức "tín dụng đen" đã tiếp cận công nhân bằng những tờ rơi quảng cáo với nội dung cho vay tiền, thủ tục nhanh gọn, lãi suất ưu đãi, không thế chấp tài sản… Nhưng thực tế, khi công nhân liên hệ để vay tiền, các đối tượng cho vay đã yêu cầu người vay phải thế chấp một số loại giấy tờ như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, sổ lương, đăng ký xe... và thu mức lãi suất cao ngất ngưởng.
Anh N.V.C, đang làm việc tại KCN Nội Bài chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện buồn của anh khi dại dột sa bẫy "tín dụng đen". Anh nói, do muốn mua một chiếc xe máy để đi lại cho tiện nhưng tài chính hạn hẹp nên đã tìm đến tổ chức "tín dụng đen"để vay 20 triệu với lãi suất 20%/tháng. Sau một thời gian ngắn, mặc dù hàng tháng anh đều trả tiền lãi đều đặn nhưng số tiền nợ gốc ban đầu đã nhân lên gần gấp đôi.
Anh C. liên tục bị "khủng bố" về mặt tinh thần khiến cho tâm lý luôn trong tình trạng bất an, sức khỏe suy sụp. Anh đã phải nhờ vào sự giúp đỡ của người thân, gia đình để trả dứt điểm số nợ với mong muốn được yên thân. Giờ đây, mỗi lần nghĩ lại, anh C. lại cảm thấy rùng mình và cũng tự trách mình vì thiếu hiểu biết về "tín dụng đen" nên đã dễ dàng sa bẫy những kẻ xấu.
Chia sẻ tại chương trình truyền hình trực tuyến "Bảo vệ công nhân và phòng, chống tội phạm ở các khu công nghiệp", Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Văn Thuật cho biết, trong những năm qua, Công đoàn sát cánh cùng các lực lượng chức năng, đặc biệt là Bộ Công an đã có hoạt động tích cực đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Tổng LĐLĐ Việt Nam có quy chế phối hợp với Bộ Công an gồm 3 chương 8 điều, nêu rõ các nội dung phối hợp. Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng yêu cầu Công đoàn các địa phương cùng thực hiện quy chế phối hợp chung.Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, để bảo vệ công nhân và phòng, chống tội phạm ở các khu công nghiệp, nhiệm vụ cụ thể đặt ra hiện nay là phải phòng tránh thế nào khi bị tội phạm tấn công, làm sao để công nhân tránh xa các tệ nạn ma túy, mại dâm, tụ tập đông người, gây rối, đình công.
Bình luận (0)