Sáng 1-1, trong dòng người đến viếng, tiễn đưa người cán bộ Công đoàn (CĐ) kỳ cựu Nguyễn Văn Tư; ngoài bạn bè, đồng chí một thời của ông, chúng tôi còn gặp rất nhiều bạn trẻ thế hệ 7X, 8X. Đây là thế hệ ra đời trong thời kỳ CĐ chuyển mình đổi mới, họ chỉ biết về vị thủ lĩnh của công nhân, CĐ Việt Nam qua lời kể của người đi trước nhưng đã dành cho ông sự quý mến đặc biệt.
Chứng nhân của đổi mới
Có thể nói, trong suốt 2 nhiệm kỳ với thời gian 10 năm ông giữ vai trò Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam (1988-1998), tổ chức và hoạt động CĐ đã trải qua những cuộc "lột xác" mang tính bước ngoặt để từ đó CĐ mang diện mạo mới; tự tin, bản lĩnh "ra khơi" trong cơ chế thị trường.
Ông làm Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam từ Đại hội VI CĐ Việt Nam. Đại hội họp vào cuối tháng 10-1988 tại Hà Nội đã xác định "Việc làm, đời sống, dân chủ và công bằng xã hội" là mục tiêu hoạt động của CĐ các cấp, quyết định đổi tên Tổng CĐ Việt Nam thành Tổng LĐLĐ Việt Nam, thay chức danh thư ký CĐ các cấp bằng chức danh chủ tịch CĐ. Đại hội VI CĐ Việt Nam (nhiệm kỳ 1988-1993) được ghi nhận là Đại hội đổi mới của phong trào công nhân và tổ chức CĐ Việt Nam.
Cán bộ Công đoàn và CNVC-LĐ đến viếng ông Nguyễn Văn Tư
Trong nhiệm kỳ này đã có nhiều sự kiện tác động mạnh mẽ đến tổ chức, hoạt động CĐ. Đó là việc ngày 30-6-1990, kỳ họp thứ VII Quốc hội khóa VIII đã thông qua Luật CĐ, thay thế Luật CĐ năm 1957. Đây chính là cơ sở pháp lý để phát huy vai trò của CĐ trong thời kỳ mới, bảo đảm quyền dân chủ và lợi ích của người lao động trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vị trí, vai trò của tổ chức CĐ được xác định rõ hơn trong hệ thống chính trị của đất nước. Tiếp theo đó, Hiến pháp 1992 đã dành hẳn điều 10 quy định về vị trí, vai trò của tổ chức CĐ Việt Nam. Đây là các cơ sở pháp lý vững chắc bảo đảm cho CĐ thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.
Trong nhiệm kỳ thứ hai ông làm Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam (1993-1998), vấn đề lao động trong cơ chế thị trường đã được đặt đúng tầm của nó và cụ thể hóa trong Bộ Luật Lao động. Tháng 6-1994, kỳ họp thứ V Quốc hội khóa IX đã thông qua Bộ Luật Lao động, thể chế hóa đường lối đổi mới của Đảng và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 1992 về lao động và quản lý lao động. Bộ Luật Lao động xác định nhiệm vụ của CĐ là "Tham gia cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế - xã hội, chăm lo và bảo vệ quyền lợi của người lao động, tham gia kiểm tra, giám sát việc thi hành các quy định của pháp luật lao động". Ngoài các quy định về quyền và trách nhiệm của CĐ trong việc thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi CNVC-LĐ, Bộ Luật Lao động đã dành toàn bộ chương XIII để nói về CĐ. Năm ngoái, khi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi và đưa ra lấy ý kiến, chúng tôi hỏi ông về những thay đổi gây bất lợi cho người lao động như tăng thời giờ làm thêm, cắt giảm một số quyền lợi của lao động nữ thai sản…, ông nhắn nhủ: "Để bảo vệ được quyền lợi người lao động, để người lao động tin cậy CĐ thì ngoài ý kiến của đại biểu Quốc hội là cán bộ CĐ thì cả hệ thống CĐ, đặc biệt là các cơ quan báo chí của CĐ phải vào cuộc, lấy ý kiến từ thực tế để thuyết phục được Quốc hội".
Mềm mỏng nhưng kiên quyết
Những năm 1996-1997, quan hệ lao động trong các doanh nghiệp tại TP HCM và các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam "nóng hầm hập" vì các vụ đình công của công nhân trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là doanh nghiệp Hàn Quốc. Nguyên nhân dẫn đến đình công phần nhiều do sự đối xử hà khắc của chuyên gia kỹ thuật nước ngoài. Trong đó sự kiện "đình đám", giọt nước tràn ly là vụ nữ chuyên gia Hàn Quốc của Công ty Sam Yang (huyện Củ Chi, TP HCM) bắt các nữ công nhân phơi nắng và dùng đế giày đánh vào mặt họ.
Từ Hà Nội, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Văn Tư và Bộ trưởng Bộ Lao Động - Thương binh và Xã hội Trần Đình Hoan đã vào ngay TP HCM để họp với Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam và Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại TP HCM. Tôi còn nhớ cuộc họp tổ chức tại phòng họp của LĐLĐ TP HCM. Ông Nguyễn Văn Tư đã nói với Đại sứ Hàn Quốc: "Chúng tôi hoan nghênh các ngài đến Việt Nam đầu tư và sẵn sàng hợp tác, tạo mọi điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên chúng tôi không chấp nhận việc chuyên gia Hàn Quốc hành xử thô bạo, xúc phạm nhân phẩm công nhân Việt Nam". Đại sứ Hàn Quốc khi ấy đã xin lỗi, cam kết sẽ phối hợp với cơ quan chức năng Việt Nam xử lý vụ việc triệt để theo đúng pháp luật. Kết quả là nữ chuyên gia kỹ thuật ấy đã bị phạt tù và trục xuất về nước.
Bà Hoàng Thị Khánh, nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, viếng và ghi sổ tang
Nhớ lại chuyện này, bà Hoàng Thị Khánh - nguyên Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - nói: "Tôi học được ở đồng chí Nguyễn Văn Tư sự mềm mỏng nhưng kiên quyết khi xử lý các vấn đề liên quan đến quyền lợi người lao động có yếu tố nước ngoài. Ông mất đi, giai cấp công nhân và tổ chức CĐ mất một người anh cả suốt đời tận tụy, cống hiến cho giai cấp và tổ chức".
Trong trái tim các thế hệ cán bộ CĐ, ông vẫn còn mãi với hình ảnh một người thủ lĩnh mạnh mẽ, quyết đoán nhưng tràn đầy tình yêu thương và trách nhiệm. Tôi còn nhớ tại Đại hội lần thứ VIII CĐ Việt Nam diễn ra vào tháng 11-1998, khi phát biểu trao lại trọng trách cho Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch khóa mới, ông Nguyễn Văn Tư đã nhắn nhủ: "Trong bước ngoặt đầy thử thách vừa qua, giai cấp công nhân đã tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, vượt qua mọi khó khăn trong bước đầu chuyển sang cơ chế thị trường, hăng hái đi đầu trong công cuộc đổi mới, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng và an ninh của đất nước, giữ vững ổn định về chính trị. Trong thời gian tới, CĐ phải tích cực đổi mới tổ chức và hoạt động, tập trung chăm lo và bảo vệ lợi ích của công nhân lao động". Lời nhắn nhủ ấy đã biến thành mục tiêu và khẩu hiệu hành động của Đại hội VIII CĐ Việt Nam và xuyên suốt hoạt động CĐ cho đến nay.
Tóm tắt tiểu sử ông Nguyễn Văn Tư
Ông Nguyễn Văn Tư (tức Nguyễn Văn Huấn) sinh ngày 14-3-1936 tại phường 3, quận Gò Vấp, TP HCM, nguyên ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI; ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII và VIII; nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải); nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa VI và VII; nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng nhà nước; đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X.
Ông đã được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhất, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Ông mất ngày 31-12-2017.
Hết lòng, hết sức vì giai cấp công nhân
Sáng 1-1, đoàn đại biểu Thành ủy TP HCM do ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy - làm trưởng đoàn đã đến viếng và chia buồn cùng gia đình. Đại diện CĐ Việt Nam, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, ghi vào sổ tang: "Giai cấp công nhân và người lao động vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Văn Tư; người luôn gần gũi, gắn bó với người lao động; suốt đời hy sinh vì sự nghiệp cách mạng và giai cấp công nhân". Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cũng viết: "Đội ngũ cán bộ CĐ, CNVC-LĐ TP mang tên Bác Hồ luôn nhớ đến vị lãnh đạo, người thủ lĩnh luôn hết lòng, hết sức vì giai cấp công nhân, vì sự phát triển của tổ chức CĐ".
Hai ngày qua, đông đảo cán bộ CĐ, CNVC-LĐ tại TP HCM và các tỉnh, thành cũng đã đến viếng ông tại Nhà Tang lễ TP HCM.
Bình luận (0)