Trong một nền kinh tế phát triển với những biến động khôn lường, ngày nay các doanh nghiệp (DN) ngày càng đòi hỏi cao hơn từ những đóng góp của nhân viên. Nhiều DN đang nỗ lực chuyển đổi số để phù hợp với tiến trình phát triển và kỳ vọng sự thay đổi này sẽ giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí để có được sức mạnh cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, tất cả mong muốn đều chỉ có thể thực hiện được khi DN của họ có những ứng viên xuất sắc.
Ứng viên phải đa năng
Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của năm Tân Sửu, Lê Ngọc Phúc (27 tuổi; ngụ huyện Hóc Môn, TP HCM) đã có buổi phỏng vấn vào vị trí kỹ thuật điện công nghiệp cho một công ty ở Bình Dương. Do tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên công ty đã tạo điều kiện cho Phúc được phỏng vấn trực tuyến qua ứng dụng Zoom. Trải qua hơn 1 giờ phỏng vấn, điều Phúc cảm thấy thú vị nhất là nhà tuyển dụng này không quá xoáy sâu vào chuyên môn, mà chủ yếu đưa ra những tình huống khá bất ngờ nhằm hiểu rõ về kỹ năng mềm của anh. "Họ đưa ra nhiều tình huống khá hay như bị thiên tai, dịch bệnh, sự cố ngoài ý muốn... để xem tôi có khả năng làm việc từ xa tại nhà hay không. Họ cũng tìm hiểu kỹ khả năng sử dụng internet và các ứng dụng làm việc trực tuyến khi phải làm việc từ xa của tôi... Nhờ lường trước được các tình huống này nên tôi đã vượt qua buổi phỏng vấn. Mức lương khá hấp dẫn nên tôi rất hào hứng với công việc mới" - anh Phúc cho biết.
Theo bà Phạm Thị Bảo Nguyên, người sáng lập và điều hành ứng dụng Easy Job, những tình huống mà Phúc kể lại chỉ là một trong những đòi hỏi ngày càng cao của nhà tuyển dụng trong thời kỳ mới. DN nào cũng muốn có được những nhân sự có thể đáp ứng yêu cầu công việc trong mọi tình huống mà trong đó tình huống buộc phải làm việc ở nhà do dịch bệnh đã được thêm vào danh mục cần thiết trong quy trình tuyển dụng. Việc nhà tuyển dụng đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn không có gì lạ trong kỷ nguyên số, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại hầu hết DN. Họ đòi hỏi một nhân sự phải đa năng hơn, cho năng suất cao hơn và sự đóng góp phải lớn hơn cho kỳ vọng phát triển của DN. "Chúng ta biết rằng đòi hỏi ngày càng cao của nhà tuyển dụng nhằm nâng cao chất lượng ứng viên, qua đó nâng cao năng suất lao động cũng như hiệu quả làm việc của nhân viên tương lai. Thời điểm này là thích hợp để các nhà tuyển dụng cải tiến quy trình tuyển dụng, lựa chọn những ứng viên xuất sắc nhất. Song song với những đòi hỏi là mức thu nhập hấp dẫn đang chờ những người xuất sắc" - bà Nguyên nói.
Vị trí công việc ngày càng cạnh tranh khiến ứng viên phải nỗ lực nâng cao kỹ năng để có việc làm
Có chí tiến thủ
Đa số ứng viên nghĩ rằng họ được tuyển dụng là vì có trình độ và kinh nghiệm. Tuy nhiên, thực tế lại chứng minh các nhà tuyển dụng có thiên hướng chọn những ứng viên có thái độ làm việc tốt mà không cần kinh nghiệm nhiều hơn là những ứng viên có kinh nghiệm nhưng thiếu tác phong và thái độ làm việc. Bởi thái độ chính là yếu tố đầu tiên để quyết định một người có thành công hay không ở môi trường DN. Thậm chí, nhiều chuyên gia tuyển dụng đã nói rằng có nhiều thứ thuộc kỹ năng mềm của ứng viên cần hơn cả trình độ.
Ông Huỳnh Quốc Thắng, CEO trường học thông minh 789.vn, cho rằng chúng ta không thể sống mãi với mức thu nhập thấp để rồi đổ thừa lương thấp nên năng suất thấp. Sẵn sàng trả lương cao để tìm ứng viên xuất sắc đang là xu hướng của các nhà tuyển dụng trong kỷ nguyên mới. Bất cứ DN nào cũng kỳ vọng nhân viên của mình có thái độ sống và làm việc tốt, tích cực và có chí tiến thủ. Thái độ của nhân viên ảnh hưởng đến các mối quan hệ với đồng nghiệp và người quản lý, tác động đến cách nhân viên cảm nhận về những nhiệm vụ được yêu cầu hoàn thành và mức độ hài lòng của họ với công việc đó. Cho dù đóng góp của nhân viên đó không phải quá lớn lao nhưng họ vẫn luôn nỗ lực hết mình, tài năng của họ có thể không lớn nhưng vẫn luôn hỗ trợ những người xung quanh. Đó chính là thái độ tích cực trong công việc, điều mà chắc chắn các nhà tuyển dụng đều trân trọng. "Ngoài thái độ tích cực, công ty tôi luôn chào đón những ứng viên ham học hỏi. Nếu ham học hỏi, họ sẽ vươn lên hằng ngày. Đặc biệt, trong DN công nghệ như chúng tôi, nếu không sẵn sàng học hỏi, không cập nhật những công nghệ mới thì khó hoàn thành công việc" - ông Thắng nói.
Những kiểu email xin việc nên hạn chế
Thứ nhất, người tìm việc sa vào kể lể hoàn cảnh. Ở giai đoạn nhà tuyển dụng chưa biết bạn là ai hoặc chưa có đủ thời gian để tương tác với bạn thì tất nhiên họ cũng không có nhu cầu biết về những vấn đề cá nhân của bạn. Thứ hai, gửi quá 3 email với cùng một nội dung vào hòm email của nhà tuyển dụng. Thứ ba, không phải lúc nào im lặng cũng là vàng. Khi nhận được email từ chối nhận vào làm việc, cảm giác đầu tiên là sự thất vọng nhưng dù gì chăng nữa thì cũng hãy lịch sự trả lời email đó, một lời cảm ơn và lời chúc chân thành. Nhờ email đó, nhà tuyển dụng sẽ trao cho bạn cơ hội vào lần sau. Nhưng nếu bạn im lặng, cơ hội đó bằng 0. Thứ tư, ứng xử bất cẩn trên mạng xã hội. Nếu bạn từ chối, đừng vội trút sự bực dọc, ta thán thậm chí là xỉa xói nhà tuyển dụng hay người phỏng vấn lên mạng xã hội. Đừng nghĩ mạng xã hội là bao la đến mức họ không thể tình cờ đọc được những gì bạn viết.
Bình luận (0)