Không ít người lao động đã chọn phương án nhận BHXH một lần để "bảo toàn" số tiền trước thông tin họ cho rằng, quỹ bảo hiểm có nguy cơ... "vỡ trận".
Từ bài học nhãn tiền đối với những người đã trót nhận BHXH 1 lần sẽ là những bài học bổ ích cho những ai đang đứng trước sự lựa chọn nhận BHXH 1 lần hay tích lũy thời gian đóng để nhận lương hưu.
Trước vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ông Điều Bá Được, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH Việt Nam.
Điều Bá Được, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH Việt Nam
Phóng viên: Thưa ông, trước xu hướng người dân lấy BHXH một lần thì bài toán kinh tế mà phía BHXH đặt ra ở đây là gì?
Ông Điều Bá Được: Trước hết, tôi khẳng định thông tin đề cập việc vỡ quỹ BHXH là không có cơ sở. Bởi vì, luật BHXH đã quy định, quỹ BHXH là một quỹ tài chính do các bên tham gia đóng góp bằng tiền, được Nhà nước bảo hộ, Nhà nước có chính sách để bảo toàn và tăng trưởng quỹ BHXH bảo đảm khả năng cân đối một cách bền vững để chi trả các chế độ BHXH.
Gần đây BHXH Việt Nam đã có nhiều cuộc nói chuyện với các chuyên gia, những người làm chính sách, những người ban hành chính sách, các nhà nghiên cứu để bàn về giải pháp đảm bảo việc cân đối quỹ BHXH trong dài hạn.
Ở đây có bài toán kinh tế rất rõ, nhãn tiền của những năm trước, những người khi về nghỉ chế độ theo Quyết định 176/HĐBT ngày 9-10-1989 vào đầu những năm 90, nhận BHXH tính ra hơn số tiền lương hưu nhưng chỉ ngay sau đó, đồng tiền mất giá và người lao động rất thiệt thòi, họ không nghĩ tới những rủi ro xảy ra.
Có nhiều người lao động (NLĐ) sau khi nhận BHXH một lần lại mong muốn hoàn trả lại quỹ BHXH phần họ đã nhận để tiếp tục thời gian làm việc và đóng BHXH, nhưng pháp luật không cho phép. Từ bài học nhãn tiền đối với những người đã trót nhận BHXH một lần (nhận một cục) và gần đây với những thông tin đề cập việc gửi tiền tiết kiệm trị giá hai chỉ vàng sau 34 năm về số 0 hay gửi 12 sổ tiết kiệm trị giá căn nhà sau 20 năm chỉ còn 3 bát phở... sẽ là những bài học bổ ích cho những ai đang đứng trước sự lựa chọn nhận BHXH một lần hay tích lũy thời gian đóng để nhận lương hưu khi về già.
Câu chuyện ở đây, Đảng và Nhà nước luôn muốn đảm bảo chính sách an sinh xã hội cho người lao động để khi về già con cháu, xã hội không phải lo lắng. Đó là điều cần thiết.
Theo ông, nguyên nhân nào dẫn tới việc người lao động có xu hướng nhận BHXH một lần? Và xu hướng đó có ảnh hưởng như thế nào tới trực tiếp NLĐ cũng như vấn đề an sinh xã hội?
Ở nước ta, trong khoảng 5 năm trở lại đây, mỗi năm bình quân có khoảng trên 600.000 người nhận BHXH một lần; trong đó có khoảng 100.000 người là quân nhân, công an nhân dân. Tính trong năm 2016 đã có 665.306 NLĐ hưởng BHXH 1 lần, đồng nghĩa với việc số NLĐ này đã ra khỏi lưới an sinh xã hội có nguy cơ không bảo đảm được cuộc sống khi về già. Đây là vấn đề không chỉ ảnh hưởng đến bản thân người lao động mà còn là gánh nặng đối với gia đình, xã hội.
Thực tế qua theo dõi, những lao động trẻ, lao động chưa qua đào tạo nghề tập trung ở những vùng sử dụng nhiều lao động, dễ dàng di chuyển lao động, tìm kiếm việc làm thì NLĐ có xu hướng xin hưởng BHXH 1 lần nhiều hơn. Bên cạnh đó, đời sống của NLĐ hiện nay trong các khu công nghiệp còn khó khăn, tiền lương thực tế còn thấp nên NLĐ muốn lấy BHXH 1 lần để có tiền trang trải cuộc sống trước mắt mà họ chưa nghĩ đến cuộc sống sau này khi về già. Nhiều NLĐ từ khu vực nông thôn vào làm việc cho các doanh nghiệp (DN) nhưng không có ý định gắn bó lâu dài, họ làm việc một thời gian để tích lũy tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội để làm vốn về quê làm ăn.
Có nhiều người lo sợ sẽ có nhiều rủi ro, trượt giá, rồi sẽ mất hết quyền lợi nên chỉ muốn cầm tiền trước trong tay cho chắc. Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền, giải thích chính sách chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời nên NLĐ chưa hiểu cặn kẽ được ý nghĩa, mục đích của các quy định mới của luật BHXH năm 2014, đặc biệt là quy định về giải quyết BHXH một lần. Điều này đương nhiên DN sẽ gặp khó khăn vì không ai muốn tuyển lao động mới vào lại mất thời gian đào tạo. Còn NLĐ vì nhận thức không đầy đủ về quyền lợi sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế xã hội nói chung. Và tôi nhấn mạnh, điều quan trọng để NLĐ tham gia BHXH bình thường là việc làm, tiền lương, các chính sách đối với NLĐ được đảm bảo thì người lao động sẽ gắn bó với DN, với BHXH.
Theo ông, việc NLĐ chưa nhận thức đầy đủ quyền lợi của mình đối với việc đóng và nhận BHXH, một phần có phải do họ đang có khoảng cách với các nhân viên BHXH nên không được tư vấn một cách đúng mức?
Nếu NLĐ được tiếp cận với BHXH, tôi tin rằng sự lựa chọn của họ sẽ khác. Đa số họ sẽ chọn phương án tự khắc phục khó khăn mà không nhận ngay BHXH một lần. Những người hưởng ngay thường không được tiếp cận với cơ quan BHXH mà tự gửi hồ sơ qua bưu điện hoặc người khác chuyển hồ sơ đến cơ quan BHXH nên không có cơ hội được tư vấn một cách đầy đủ.
Với NLĐ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bất khả kháng không thể tự khắc phục được thì mới đề nghị nhận BHXH một lần, trước khi nhận cũng nên trực tiếp gặp cơ quan BHXH để được tư vấn. Đối với các trường hợp khác nên nhận thức thời gian đã đóng BHXH là của để dành, càng tích góp nhiều thì sau này về già sẽ có lương hưu để tự lo cho bản thân mình mà không phải cậy nhờ con cháu, xã hội. Khoản đóng BHXH không những được bảo lưu mà còn được điều chỉnh theo các quy định của Chính phủ, vì vậy không nên nhận ngay nếu như không thật sự cần thiết, nên bảo lưu để nhận sau thì có lợi hơn.
Ví dụ: NLĐ đóng BHXH theo hệ số thang bảng lương do Nhà nước quy định, đủ điều kiện hưởng BHXH một lần theo quy định nếu nhận ngay BHXH một lần trong tháng 6 này thì mức hưởng sẽ thấp hơn nhưng nếu để đến tháng 7 năm nay nhận BHXH một lần thì mức hưởng sẽ cao hơn vì từ 1/7/2017, tiền lương cơ sở đã được điều chỉnh tăng từ 1.210.000 đồng lên 1.300.000 đồng, dẫn đến mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính BHXH một lần cao hơn nên mức hưởng cao hơn.
Bình luận (0)