xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhân viên bảo vệ không được bảo vệ!

Bài và ảnh: Bạch Đằng

Nhiều doanh nghiệp ép nhân viên bảo vệ ký các thỏa thuận trái luật. Mang danh là nhân viên bảo vệ nhưng họ không thể tự bảo vệ quyền lợi của mình

Thời gian gần đây, Báo Người Lao Động liên tục nhận được khiếu nại của nhiều người lao động (NLĐ) làm việc tại các công ty dịch vụ bảo vệ. Các tranh chấp xoay quanh việc NLĐ chỉ được ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) mùa vụ, không được hưởng các chế độ bảo hiểm, bị trừ tiền vì rất nhiều lý do, bị điều chuyển nơi làm việc và thay đổi thời gian làm việc liên tục… Tuy nhiên, khi xem lại các giao kết giữa hai bên thì hầu hết NLĐ đều “tự nguyện” làm việc với những thỏa thuận bất lợi.

Thỏa thuận một đằng, thực hiện một nẻo

Chị L.H.Q - ngụ quận Bình Tân, TP HCM - cho biết trước khi làm công nhân may cho một công ty tại KCN Vĩnh Lộc, chị từng làm bảo vệ cho một công ty khác trong cùng KCN. Lương thấp, làm việc theo ca nhưng bảo vệ thường xuyên phải va chạm với một số công nhân hay “bỏ túi” mang về những vật liệu sản xuất vặt của công ty. Nhiều khi khó xử, làm ngơ cho qua thì bảo vệ bị công ty quy trách nhiệm nhưng nếu làm căng thì bị chửi rủa, hăm dọa.


Một nhân viên bảo vệ khiếu nại quyền lợi bị xâm phạm

Một nhân viên bảo vệ khiếu nại quyền lợi bị xâm phạm

“Đứng trong cổng công ty thì mình là bảo vệ chứ hết giờ về nhà thì mình cũng bình thường như người ta thôi, cũng cùng ở trọ loanh quanh trong khu vực, ra vô gặp mặt nhau nên rất khó sống. Trách nhiệm nặng nề như vậy nhưng tiền lương rất thấp và không có thêm khoản hỗ trợ nào, bảo hiểm cũng không có, lại cứ bị hăm dọa hoài nên làm một thời gian, tôi nghỉ việc. Khi nghỉ việc, công ty nói tôi vi phạm thỏa thuận nên không giải quyết bất cứ quyền lợi gì” - chị Q. ấm ức.

Trong khi đó, ông Trần Thanh Hoàng - Công ty Bảo vệ G.B tại quận Tân Bình, TP HCM - cho biết theo thỏa thuận ban đầu, ông chỉ làm việc cho bộ phận nghiệp vụ với giờ hành chính, 8 giờ/ngày. Tuy nhiên, khi công ty thiếu nhân sự thì điều động ông làm luôn các công việc trực tiếp khác, có khi 12 đến 16 giờ mỗi ngày. Công việc không đúng thỏa thuận, ông đành xin chuyển sang làm bảo vệ trực tiếp.

Tuy nhiên, ông Hoàng cũng không được yên với công việc mới vì khi thiếu người, ông lại bị điều động tăng cường tiếp. Sau một ca trực 24 giờ liên tục, ông lại phải tham gia một ca trực tăng cường 9 giờ rồi hôm sau lại vào ca trực chính. “Thấy bất hợp lý về thời gian và lương bổng, tôi khiếu nại với cấp trên thì được trả lời là nhân viên phải tuân thủ tuyệt đối, còn không thì cứ nghỉ việc rồi đi thưa” - ông bức xúc.

Những cam kết “trời ơi”

Ông Đặng Thành làm việc cho Công ty Bảo vệ N.C.T tại quận 1, TP HCM. Để làm việc cho công ty, ông phải ký HĐLĐ với thời hạn mùa vụ “89 ngày”. Địa điểm làm việc là tùy theo sự phân công các “mục tiêu” bảo vệ của công ty. Đến khi bị điều động sang làm việc ở nơi khác quá xa chỗ ở thì ông xin nghỉ. Bị trừ hàng loạt khoản tiền, ông Thành hỏi thì công ty trả lời “theo quy định” nhưng quy định nào thì ông không hề biết.

Đáng nói là bên cạnh HĐLĐ, ông Thành còn phải ký hàng loạt bản cam kết “tự nguyện” khác: Tháng đầu ký hợp đồng học việc, tháng sau ký “hợp đồng hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ”, tháng tiếp nữa là hợp đồng thời vụ. Trong đó, dù là hợp đồng thời vụ nhưng ông Thành phải cam kết làm việc 2 năm, nếu nghỉ trước thì bị trừ tiền bồi thường cho hợp đồng “hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ”.

Ông Thành bức xúc: “Trong nội dung huấn luyện phòng cháy chữa cháy, để tham gia khóa học, NLĐ phải cam kết tự nguyện bỏ tiền túi. Vậy mà giờ công ty bắt bồi thường, thật không hiểu nổi!”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở Công ty Bảo vệ N.C.T, hằng tháng, NLĐ phải đóng tiền “tín chấp” 100.000 đồng và thêm khoản “quỹ hỗ trợ khó khăn của công ty”. Đồng phục được phát nhưng nếu nghỉ trước hạn cam kết thì không được trả lại mà bị trừ tiền. Chưa hết, công ty còn buộc NLĐ cam kết “làm thêm giờ khi được điều động và hưởng mức lương bằng thời gian làm việc chính thức đã thỏa thuận”.

Trong khi đó, Công ty Bảo vệ L.H.V ở quận Tân Bình, TP HCM cũng buộc NLĐ phải cam kết rất nhiều điều vô lý. Chẳng hạn, NLĐ phải thế chân đồng phục lên đến 600.000 đồng, khoản tiền này sẽ không được trả lại nếu nghỉ việc khi chưa làm đủ 18 tháng. Công ty còn bắt NLĐ phải cam kết “tuyệt đối không được chống lệnh”, bất kể lệnh đó như thế nào!

HĐLĐ là văn bản có giá trị cao nhất

Theo ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật LĐLĐ TP HCM, hiện nay, nhiều công ty dịch vụ bảo vệ thường ký các HĐLĐ sơ sài, mơ hồ nhưng lại buộc NLĐ ký hàng loạt cam kết khác ngoài hợp đồng. Trong đó, nhiều điều khoản trong các cam kết này là sai luật.

Ông Triều khuyến cáo: “Các cam kết phải đóng tiền thế chân, tín chấp… rõ ràng là sai. Ngay cả “hợp đồng hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ” như một số doanh nghiệp đã làm cũng không có giá trị vì pháp luật lao động không quy định về loại hợp đồng này mà chỉ có hợp đồng học, tập nghề mà thôi. HĐLĐ là văn bản có giá trị cao nhất, NLĐ phải hiểu rõ điều này để bảo vệ quyền lợi của mình”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo