"Các quy định về an toàn, vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) ngày càng được hoàn thiện, ý thức thực hiện các biện pháp bảo hộ lao động của người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, môi trường làm việc luôn tồn tại các yếu tố nguy hiểm và có hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của NLĐ. Do đó, Công đoàn (CĐ) phải nâng cao vai trò của mình và tích cực trong việc phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc". Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhấn mạnh như vậy tại hội thảo "Trách nhiệm của CĐ trong việc phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp" được tổ chức mới đây ở TP HCM.
Chủ động phòng ngừa tai nạn lao động
Theo ông Mai Đức Chính, dù công tác AT-VSLĐ ngày càng được chú trọng nhưng số vụ tai nạn lao động vẫn gia tăng, số người chết vẫn còn cao. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong năm 2017, cả nước xảy ra 8.956 vụ tai nạn lao động làm 9.173 người bị nạn, trong đó 898 vụ có chết người với 928 người…
Công ty Year 2000 diễn tập phòng cháy chữa cháy và sơ tán, cứu nạn cho người lao động Ảnh: BẠCH ĐẰNG
Ông Lê Anh Tuấn, Phó Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TP HCM, cho biết phân tích các ngành, lĩnh vực cho thấy số vụ tai nạn lao động làm chết người phần lớn xảy ra trong lĩnh vực thi công, xây dựng. Chỉ tính năm 2017, trên địa bàn TP HCM đã có 71 vụ tai nạn lao động thuộc lĩnh vực này trong tổng số 102 vụ tai nạn lao động chết người, số người chết lên đến 66 và bị thương nặng 5 người.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn lao động, ông Tuấn cho biết lỗi chủ yếu thuộc về NSDLĐ vì chưa đánh giá đúng các yếu tố rủi ro, nguy hiểm, chưa xây dựng quy trình làm việc an toàn cũng như không cung cấp đầy đủ thiết bị bảo vệ cá nhân hoặc thiết bị không tốt. Mặt khác, số lượng NLĐ thời vụ làm việc trong lĩnh vực này còn cao. Họ không được tham gia BHXH cũng như trang bị đầy đủ kiến thức về AT-VSLĐ nên chưa coi trọng vấn đề này.
Để hạn chế tai nạn lao động, ông Tuấn cho rằng vai trò của CĐ cơ sở rất quan trọng. "Trước hết, CĐ cơ sở cần chủ động tham gia xây dựng các nội quy, quy chế làm việc an toàn; thương lượng để đưa vào thỏa ước lao động tập thể các điều khoản về cải thiện môi trường làm việc, cung cấp trang thiết bị bảo hộ và vấn đề chăm sóc sức khỏe cho NLĐ; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về AT-VSLĐ của doanh nghiệp. Mặt khác, là đại diện của NLĐ, CĐ cần phối hợp tốt với doanh nghiệp và cán bộ làm công tác AT-VSLĐ, tuyên truyền, vận động NLĐ nâng cao ý thức trong công tác bảo hộ lao động" - ông Tuấn nhìn nhận.
Chia sẻ kinh nghiệm, đại diện CĐ Công ty TNHH MTV Jea-Must Việt Nam (tỉnh Tiền Giang) cho biết đã đề xuất doanh nghiệp nhiều biện pháp thực hiện AT-VSLĐ, như: thành lập hội đồng bảo hộ lao động gồm 6 thành viên, trong đó có chủ tịch CĐ cơ sở và giám đốc doanh nghiệp. Định kỳ hằng năm, công ty xây dựng quy định về làm việc an toàn, phòng chống cháy nổ. Theo vị đại diện này, công ty sẽ kiểm tra an toàn 2 tháng/lần và ký hợp đồng bảo trì hệ thống cháy nổ định kỳ 3 tháng/lần. Ngoài ra, công ty còn trồng nhiều cây xanh và trang bị hệ thống làm mát để bảo đảm sức khỏe cho NLĐ.
Bệnh nghề nghiệp chưa được quan tâm
Bên cạnh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của NLĐ. Tại buổi hội thảo, nói về thực trạng công tác quản lý sức khỏe, bệnh nghề nghiệp của NLĐ và quan trắc môi trường lao động tại nơi làm việc, ông Trần Anh Thành, đại diện Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế, cho rằng việc gia tăng sử dụng hóa chất trong sản xuất và trong nông nghiệp cũng làm tăng số lượng NLĐ tiếp xúc yếu tố tác hại nghề nghiệp và gây nguy hiểm đối với sức khỏe.
Ngoài ra, NSDLĐ chưa quan tâm đến việc đầu tư công tác chăm sóc sức khỏe NLĐ. Có trên 80% cơ sở lao động chưa thực hiện quan trắc môi trường lao động và chưa tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho NLĐ.
Theo báo cáo của Cục Quản lý môi trường y tế, chỉ tính riêng tại số cơ sở lao động được quản lý, hiện có gần 1,2 triệu NLĐ tiếp xúc trực tiếp với các yếu tố có hại, nguy hiểm, trong đó lao động nữ là hơn 626.000 người. Trong số 933.186 mẫu quan trắc môi trường lao động, các yếu tố tác hại như bụi, tiếng ồn, ánh sáng, hơi khí độc, độ rung, phóng xạ, từ trường… đều vượt tiêu chuẩn cho phép 3%-18%. Trong các bệnh nghề nghiệp mà NLĐ hay mắc phải, điếc do tiếng ồn là nhiều nhất, sau đó là sạm da… "Bệnh nghề nghiệp có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cần được đánh giá, quan tâm đúng mức để bảo đảm sức khỏe cho NLĐ" - ông Thành đề nghị.
Ông Mai Đức Chính nhận định thực tế hiện nay, quy định về AT-VSLĐ rất nhiều nhưng việc thanh - kiểm tra còn giới hạn. Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà quan trọng nhất chính là sức khỏe, tính mạng của NLĐ. Nó có tác hại ghê gớm, đặc biệt là với những người đóng vai trò trụ cột gia đình, họ mất đi hoặc mất hoàn toàn sức lao động, mang đến hệ lụy rất lớn. Vì vậy, CĐ phải nâng cao vai trò, nhất là trong việc đào tạo đội ngũ quản lý cán bộ an toàn vệ sinh viên và trang bị kiến thức phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho NLĐ.
"Việc trang bị cho chủ doanh nghiệp và NLĐ các kiến thức, kỹ năng phân tích, đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp là hết sức quan trọng. Điều đó sẽ chủ động giúp họ phòng ngừa, hạn chế được các sự cố về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp xảy ra" - ông Chính nhấn mạnh.
Bình luận (0)