Năm 2018, trước thiệt thòi của nhiều công nhân (CN) khi chủ doanh nghiệp (DN) bỗng nhiên biến mất, Công đoàn (CĐ) TP HCM đã đứng ra nhận ủy quyền đại diện người lao động (NLĐ) khởi kiện DN đòi lương và các khoản bảo hiểm. Tuy nhiên, phải mất một năm theo đuổi, các vụ kiện mới hoàn tất với rất nhiều thủ tục phải thực hiện theo quy trình.
Nan giải trách nhiệm chứng minh
Tham gia nhận ủy quyền của nhiều CN, ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, cho biết khó khăn nhất là việc tìm kiếm chứng cứ khi chủ DN biến mất trong khi NLĐ lại không có giấy tờ gì trong tay cho các yêu cầu khởi kiện của mình. Thậm chí, NLĐ không có bảng lương hoặc bảng lương không có giá trị, hợp đồng lao động cũng không. "Các vụ kiện còn phải qua nhiều quy trình, thủ tục bắt buộc, lên xuống nhiều lần khiến mất rất nhiều thời gian mới hoàn tất. Hệ thống CĐ đã vào cuộc và đã mất rất nhiều công sức để tham gia các vụ kiện. Nếu CN phải vừa đi làm vừa trực tiếp đi kiện thì làm sao có thể tham gia nổi nếu không nói là bỏ cuộc. Nên chăng cần phải có các khuôn mẫu chung, giảm bớt các thủ tục quy trình trong những tình huống cụ thể cho phù hợp với thực tế" - ông Triều cho biết.
Người lao động khởi kiện đòi quyền lợi khi chủ công ty bỏ trốn
Bên cạnh đó, trong những tình huống chủ bỗng nhiên biến mất, không có quy định đặc thù cho việc xác định như thế nào, trong thời gian bao lâu thì gọi là bỏ trốn để có thể xúc tiến, đẩy nhanh vụ việc, giải quyết quyền lợi cho NLĐ. Theo ông Mai Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân, TP HCM: "Việc này dẫn đến tình huống khó khăn trong việc xử lý khối tài sản còn lại khi chủ DN bỏ trốn. Trong khi đó, sau nhiều tháng đi kiện, thực hiện đầy đủ các trình tự thủ tục, giá trị tài sản xuống cấp rất nhanh, bán không bao nhiêu tiền để chi trả, như vậy có thắng kiện thì NLĐ cũng thiệt thòi" - ông Thuần chia sẻ.
Cố tình o ép người lao động
Nhiều trường hợp khác, NLĐ cũng rất khó khăn khi chủ DN cố tình bắt bí về chứng cứ. Trường hợp ông Hồ Hoàng Nam, làm việc cho Công ty Y.S. tại quận 1, TP HCM từ chỗ tuân thủ đúng quy định trở thành nghỉ việc trái luật. Theo quy định, NLĐ muốn đơn phương chấm dứt HĐLĐ thì phải báo trước đúng thời hạn 30 hoặc 45 ngày tương ứng với loại HĐLĐ xác định hoặc không xác định thời hạn. Tuy nhiên, công ty không muốn cho nghỉ việc nên cố tình lờ đi đơn xin nghỉ việc thì sự việc trở nên nan giải. "Khi đến hạn nghỉ việc theo đơn, tôi mới yêu cầu giải quyết chế độ nghỉ việc thì công ty lại cho rằng tôi nghỉ không báo trước, tự ý bỏ việc và phủ nhận chuyện đã nhận đơn nghỉ việc của tôi. Công ty yêu cầu phải có bằng chứng là tôi đã thông báo trước đúng hạn thì lấy đâu ra? Đơn gửi rồi thôi đâu ai nghĩ đến chuyện phải lưu lại bằng chứng cho việc này. Một số lao động khác sau tôi cũng rơi vào tình huống tương tự, có người phải lôi kéo anh em bạn bè vô làm chứng, thậm chí lập vi bằng để chứng minh là mình đã có gửi đơn nghỉ việc, rất phiền phức" - ông Nam bày tỏ.
Bà Trần Mỹ Lý, ngụ quận Tân Phú, làm việc cho Công ty T.T.C (quận Tân Bình) cũng rơi vào tình huống tương tự. Khi xảy ra mâu thuẫn với người quản lý, bà Lý bị người quản lý cho nghỉ việc bằng miệng. Không đồng ý, bà Lý vẫn tiếp tục đến công ty mỗi ngày. Tuy nhiên, được vài ngày thì bảo vệ không cho bà vào công ty nữa. "Tôi đã đến công ty rất nhiều lần nhưng không được vào cổng. Bảo vệ cũng không có trách nhiệm gì phải chứng nhận là tôi có đến công ty. Quá phiền phức, tôi ở nhà và viết đơn khiếu nại. Tuy nhiên, sau đó công ty lại ra quyết định cho tôi nghỉ việc với lý do tôi liên tục nghỉ việc không lý do. Tình thế của tôi thì phải làm sao mới có được chứng cứ chứng minh mình có đến công ty nhưng không được vào cổng?" - bà Lý bức xúc.
Nhiều người lao động chấp nhận thiệt thòi
Theo ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, dù hệ thống pháp luật có đầy đủ các quy định bảo vệ NLĐ với tư cách là bên yếu thế trong quan hệ lao động, tuy nhiên thực tế rất nhiêu khê cho NLĐ để đòi quyền lợi chính đáng của mình khi nhiều quy định không thể áp dụng được khi xảy ra tranh chấp. Điển hình như các trường hợp thiếu chứng cứ sẽ rất khó khăn khi đòi quyền lợi. Theo quy định thì tòa án có thể yêu cầu DN cung cấp nhưng khi chủ DN không cung cấp thì cũng chẳng làm gì được. Bên cạnh đó các quy trình thủ tục cũng phức tạp khiến NLĐ khó theo nổi nên chấp nhận thiệt thòi.
Bình luận (0)