xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhọc nhằn sinh viên làm thêm

MÂY TRINH - HUỲNH NHƯ

Lựa chọn công việc làm thêm đúng ngành đào tạo tại các địa chỉ tin cậy giúp nhiều sinh viên tận dụng tối đa cơ hội, còn ngược lại sẽ bị thiệt thòi

Tranh thủ thời gian rảnh, nhiều sinh viên (SV) tìm việc làm thêm để kiếm thu nhập, trang trải cuộc sống và trau dồi kiến thức. Tuy nhiên, do không am hiểu nhiều về pháp luật lao động, cùng với những quy định khắt khe, cứng nhắc của chủ sử dụng lao động nên SV làm thêm gặp nhiều vất vả, thiệt thòi.

Nhiều quy định khắt khe

Chúng tôi gặp Trần T.T.K (SV năm 3 Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM) khi tình cờ bước vào một cửa hàng bán thú nhồi bông ở quận 9, TP HCM. Dù đã 18 giờ nhưng bên trong cửa hàng vẫn nóng hầm hập. Đứng trong không gian kín mít, trưng bày rất nhiều thú nhồi bông nên chưa tới 10 phút, mồ hôi của chúng tôi đã ướt đẫm lưng áo.

K. cho biết tranh thủ dịp hè xin vào đây bán hàng với mức lương 20.000 đồng/giờ (trong khi Nghị định số 38/2022 của Chính phủ quy định vùng I lương tối thiểu vùng là 22.500 đồng/giờ). Thời gian qua, để tiết kiệm điện, chủ cửa hàng quy định không được bật máy điều hòa nhiệt độ. Thiết bị duy nhất giúp hạ nhiệt là chiếc quạt điện đang chạy hết công suất nhưng do không khí nóng khó thoát được ra ngoài nên K. than rằng càng quạt càng thấy nóng. "Thi thoảng có khách hàng phàn nàn thì tôi mới lén mở máy điều hòa, còn không sẽ cố gắng chịu đựng. Nếu như chủ biết thì bị phạt 1 triệu đồng đến nửa tháng lương" - K. kể.

Nhọc nhằn sinh viên làm thêm - Ảnh 1.

Nhiều sinh viên tại một sự kiện tuyển dụng để tìm kiếm việc làm thêm Ảnh: HUỲNH NHƯ

Còn Phạm Khánh An (SV năm 2 Trường ĐH Ngân hàng TP HCM) là nhân viên phục vụ của cửa hàng bán trà sữa gần trường, với mức thu nhập 17.000 đồng/giờ cho một ca làm việc từ 4-5 giờ. Cửa hàng đưa ra nhiều quy định như: không giữ vệ sinh sạch sẽ phạt 100.000 đồng, sử dụng điện thoại phạt 30.000 đồng/lần, nghỉ việc trước 6 tháng trả tiền đồng phục hơn 400.000 đồng. Giai đoạn mới vào, chưa thuộc hết nội quy nên An nói rằng thời điểm đó "đi làm chỉ để bị trừ lương".

Lê Văn Hiếu (SV năm 2 Trường CĐ Thực hành FPT) cũng là nhân viên bán thời gian cho một nhà hàng trên đường Lê Văn Sỹ, quận 3, TP HCM. Công việc của Hiếu là phục vụ bàn, ca làm việc từ 18 giờ đến 0 giờ 30 phút, lương 6-7 triệu đồng/tháng. Nhưng có những ngày khách đông, phải chạy bàn tới 2 giờ. Khoảng thời gian làm quá giờ này không được trả thêm tiền, tuy nhiên, nếu nhân viên vi phạm nội quy của quán sẽ bị phạt. "Mỗi khi làm về trễ như vậy, tôi cũng chỉ im lặng, vì nếu kêu ca sẽ bị cho nghỉ việc. Dù vất vả nhưng công việc mang lại thu nhập giúp tôi tự lo được chi phí ở TP HCM, nhẹ gánh cho gia đình" - Hiếu tâm sự.

Lợi bất cập hại

Để sắp xếp cân bằng thời gian học và làm thêm, Đặng Hồng Ân (quê Bình Thuận, SV năm 3 Khoa Luật - Trường ĐH Luật TP HCM) chỉ đi làm thêm 2 ngày cuối tuần. Với công việc dán tem sản phẩm, mỗi ngày Ân được trả công từ 300.000 - 500.000 đồng, tùy lượng công việc nhiều hay ít. Nguồn thu nhập này giúp cô vừa đủ chi trả phí sinh hoạt hằng tháng.

Ân cho biết công việc đòi hỏi phải ngồi trong thời gian dài, có khi tới 10-12 giờ/ngày. Do đó, không ít lần Ân lên lớp trong trạng thái vật vờ hoặc ngủ gật. "Đi làm giúp tôi hiểu được giá trị của đồng tiền và sự vất vả của ba mẹ, song công việc này chỉ có thể giải quyết vấn đề nhất thời chứ khó hỗ trợ được cho nghề nghiệp tương lai. Sắp tới tôi sẽ tìm công việc khác có liên quan đến chuyên ngành đang theo học để được cọ xát thực tế và chuẩn bị cho kỳ thực tập" - Ân nói.

Trong khi Hồ Vĩnh T. (22 tuổi, quê Khánh Hòa) đang cảm thấy tiếc nuối khi bỏ dở đại học, một phần vì quá mê đi làm thêm. Trong thời gian là SV năm 3 Trường ĐH Kiến trúc TP HCM, T. ứng tuyển vào làm pha chế tại một quán cà phê ở TP Thủ Đức, TP HCM. Được thử sức ở lĩnh vực thú vị, chưa kể đây là công việc kiếm ra tiền, nên T. dần xao lãng việc học. Đỉnh điểm là trước kỳ thi học kỳ, do đi làm về khuya nên T. ngủ quên, bỏ thi khiến bị rớt môn.

Kết quả học tập sa sút càng làm T. thiếu tự tin và chán nản nên đã quyết định bỏ học giữa chừng về quê mở quán cà phê. Song do công việc kinh doanh không thuận lợi, T. mất sạch vốn liếng đã tích lũy. Hiện T. đã đóng cửa quán và lên kế hoạch làm lại từ đầu, thi vào một trường đại học khác ở Đà Nẵng. "Đó có lẽ là bài học đắt giá nhất tôi từng trải. Nếu trúng tuyển đại học lần nữa, tôi sẽ tiếp tục tìm việc làm thêm nhưng sẽ chọn cách cân đối thời gian, để bảo đảm việc học" - T. cho hay.

Thiếu hiểu biết pháp luật

Bà Nguyễn Thị Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh - SV (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho biết nhiều SV đi làm thêm nhưng kinh nghiệm hạn chế, thiếu hiểu biết pháp luật dẫn tới tình trạng không ký kết hợp đồng lao động, nhận thù lao trực tiếp nên gặp khó khăn trong hỗ trợ các em khi xảy ra vấn đề. Để hỗ trợ SV, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các bộ, ngành liên quan sẽ nghiên cứu quy định cụ thể quy trình thủ tục, cách thức để quản lý tốt việc làm thêm, tuyển dụng và bảo vệ quyền lợi cho SV.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo