Những kỹ năng mềm này gồm tinh thần của một người có khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp; phải là người có khát khao làm giàu kiến thức, kỹ năng cho bản thân; xác định tâm thế ra nước ngoài để học hỏi, trau dồi nhằm mang về kiến thức, tiền bạc làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội - hành trang mà người lao động (NLĐ) cần trang bị trước khi đến một nước khác làm việc.
Chuẩn bị kỹ
Khi đến một vùng đất mới, nơi NLĐ phải sử dụng ngôn ngữ mới, nét văn hóa mới, cách thức sinh hoạt, ăn uống cũng nhiều thay đổi chắc chắn sẽ là một thách thức với bất kỳ ai. NLĐ sẽ phải đối diện nhiều thử thách trong những ngày đầu đặt chân đến. Vì vậy, việc đào tạo, trang bị kiến thức cho NLĐ trước khi xuất cảnh được quy định cụ thể trong Luật NLĐ Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng.
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho rằng mỗi NLĐ Việt Nam ra nước ngoài làm việc cũng là một "đại sứ" người Việt tại nơi họ đến. Việc thích nghi, hòa đồng với môi trường sống mới sẽ giúp người dân bản địa, bạn bè đến từ các quốc gia khác thấy được văn hóa Việt qua lối sống của NLĐ. Luôn tôn trọng pháp luật của nước bản địa, tôn trọng văn hóa, hăng say làm việc một cách chuyên nghiệp cũng là cách NLĐ lan tỏa tinh thần lao động của người Việt đến cộng đồng quốc tế. Để được như thế, việc đào tạo ngoại ngữ, đào tạo nghề và trang bị kỹ năng mềm cho NLĐ là yêu cầu bắt buộc. "Những năm gần đây, việc luật hóa công tác đào tạo trước khi phái cử lao động đã dần hình thành một lực lượng lao động chuẩn mực tại nhiều thị trường tiếp nhận lao động Việt. Hình ảnh NLĐ Việt Nam được nâng cao đáng kể trong mắt chính quyền và người dân sở tại. Đó là thành quả từ những nỗ lực của ngành lao động - thương binh và xã hội cùng với các doanh nghiệp dịch vụ" - ông Liêm nói.
Hai kỹ sư Hoàng Ngọc Hoan (trái) và Trần Quang Minh xuất cảnh sang Nhật Bản làm việc
Ông Đinh Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu lao động Mai Linh (quận 7, TP HCM), cho biết ngoài việc tuyển chọn kỹ đầu vào, quá trình đào tạo NLĐ để đủ tiêu chuẩn trước khi xuất cảnh đang được các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc. Hiện các đối tác doanh nghiệp, nghiệp đoàn tại các nước tiếp nhận lao động cũng yêu cầu rất cao từ NLĐ trước khi trao hợp đồng tuyển dụng. "Ngoại ngữ không chỉ học để thi lấy chứng chỉ mà học để sử dụng được. Các bài tập làm quen với môi trường công việc, sinh hoạt hằng ngày cũng được tập dượt trước để NLĐ không bỡ ngỡ. Nói chung, càng chuẩn bị kỹ thì NLĐ càng thích nghi nhanh, từ đó dễ dàng bắt nhịp với công việc nhanh hơn" - ông Bình nhấn mạnh.
An tâm ngày đi, khấm khá trở về
Trung tuần tháng 3 vừa qua, 2 kỹ sư trẻ Trần Quang Minh và Hoàng Ngọc Hoan chính thức xuất cảnh sang Nhật Bản sau thời gian học tập, rèn luyện tại Công ty TNHH Esuhai. Quang Minh vui mừng cho biết cuối cùng mình cũng chạm vào giấc mơ làm việc tại đất nước mặt trời mọc. "Dịch bệnh khiến kế hoạch xuất cảnh của chúng tôi bị trì hoãn nhưng các thầy cô ở Công ty TNHH Esuhai đã luôn khích lệ chúng tôi. Chúng tôi được nhà trường kết nối, thực hiện những cuộc phỏng vấn, hoàn thiện các thủ tục cần thiết nên khi Nhật Bản nới lỏng nhập cảnh thì chúng tôi nhanh chóng được bay. Bây giờ trước mắt chúng tôi là hành trình mới tại một vùng đất mới" - Minh nói.
Ra sân bay tiễn học viên mình xuất cảnh, ông Lê Long Sơn, Tổng Giám đốc Esuhai Group, cho biết phương châm tại Esuhai là "An tâm ngày đi, vững bước ngày về" nên các bạn thực tập sinh, kỹ sư trẻ được trang bị nhiều hành trang trước khi đến nước bạn làm việc. Đó là ngôn ngữ, văn hóa bản địa, kỹ năng thích ứng với môi trường sống, môi trường làm việc mới. "Đặc biệt hơn, các bạn được lãnh đạo nhà trường, các anh chị đi trước, các anh chị trở về thành công chia sẻ những kinh nghiệm sống quý giá, những động lực để vươn lên trong cuộc sống; những kinh nghiệm, bí quyết để nâng cao năng lực bản thân trước 30 tuổi. Từ đó giúp các bạn biết cách lên những mục tiêu dài hạn cho cuộc đời mình và kế hoạch làm thế nào để hiện thực hóa những mục tiêu ấy" - ông Sơn nói thêm.
Ông Sơn cũng cho biết các thực tập sinh, kỹ sư xuất phát từ Esuhai sang Nhật Bản làm việc khi trở về đều có xu hướng tự khởi nghiệp thông qua các con đường như cùng công ty đã làm việc tại Nhật mở chi nhánh tại Việt Nam, cùng bạn bè thành lập công ty, phát triển nhà máy, xưởng của gia đình... Đó là tín hiệu đáng mừng cho mục tiêu "đi để trở về khởi nghiệp".
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và người đồng cấp của chính phủ Malaysia vừa ký kết Bản ghi nhớ về tuyển dụng, việc làm và hồi hương lao động. Bản ghi nhớ này là sự tiếp nối của bản ghi nhớ lần đầu tiên về tuyển dụng lao động Việt Nam được chính phủ 2 nước ký vào tháng 12-2003 và được ký tiếp lần thứ 2 vào tháng 8-2015. Từ đó đến nay, có khoảng hơn 100.000 lượt NLĐ Việt Nam đã sang làm việc tại Malaysia.
NLĐ Việt Nam được đánh giá tốt về tay nghề và tính chuyên cần, kỷ luật trong công việc, đáp ứng sự thiếu hụt về nhân lực trong một số ngành nghề của nước bạn.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-3
Kỳ tới: Vững bước ngày về
Bình luận (0)