Những ngày cuối tuần, khu nhà trọ của bà Huỳnh Thị Em (số 120/4 Cống Lở, phường 15, quận Tân Bình, TP HCM) rộn vang tiếng cười. Vừa thấy bóng bà Em và chúng tôi, gần chục đứa trẻ ở các phòng trọ mừng rỡ ào ra, miệng tíu tít: “Con chào bà Hai, con chào cô!”. Xoa đầu từng trẻ, bà chủ nhà trọ nở nụ cười hiền từ, ân cần dặn dò: “Mấy đứa giỏi lắm, lát bà Hai cho kẹo nhé”. Tại quận Tân Bình, bà Em được đánh giá là một chủ nhà trọ chăm sóc công nhân (CN) hết mực bằng cả tấm lòng.
Có khó khăn gì, cứ ới một tiếng
Bà Em năm nay 66 tuổi nhưng vẫn còn rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Từ mảnh đất hương hỏa do cha mẹ để lại, sau khi cất nhà, bà xây thêm 16 phòng trọ cho CN thuê để kiếm thêm đồng vô đồng ra.
“CN ở đây phần lớn là dân ngoại tỉnh, gia cảnh rất khó khăn nên tôi coi tụi nó như con cháu trong nhà. Đứa nào có khó khăn gì cứ ới một tiếng, tôi luôn sẵn lòng” - bà Em bộc bạch.
Cũng vì thông cảm với cuộc sống cơ cực của CN nên bà Em có thể kể vanh vách tên tuổi, gia cảnh từng người ở trọ. Với tấm lòng bao dung, 15 năm nay, bà dành nhiều tâm huyết để chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần cho họ.
Bà Huỳnh Thị Em (thứ ba từ trái sang) nhận quà do bà Trần Kim Yến, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, trao tặng.
Khi giá cả leo thang, trong lúc các nhà trọ khác tăng giá thì khu trọ của bà Em vẫn giữ nguyên giá thuê (1 triệu đồng/phòng). Bà cũng chủ động liên hệ với điện lực để mua điện sinh hoạt đúng giá cho CN (2.800 đồng/KWh). Riêng nước giếng, bà bơm cho CN xài miễn phí.
Chỉ tay vào những cuốn sách văn học, nghệ thuật, nữ công gia chánh, lịch sử…, bà Em cho biết tủ sách này do LĐLĐ quận Tân Bình trao tặng cách đây 4 năm rồi. Ngoài những đầu sách do LĐLĐ quận gửi tặng, bà còn bỏ tiền túi mua thêm để CN có thêm nhiều lựa chọn. Không chỉ vậy, truyện tranh, truyện thiếu nhi của cháu nội cũng được bà để vào tủ cho con CN mượn đọc.
Cách đây nửa tháng, khi được LĐLĐ TP HCM gửi tặng chiếc tivi, bà Em rất vui vì CN nhà trọ có thêm điều kiện giải trí. “Món quà của LĐLĐ TP rất ý nghĩa. Tôi sẽ làm kệ treo tivi lên để tụi nhỏ xem tin tức, giải trí” - bà nói.
Những ngày giáp Tết, khu nhà trọ của bà Em rôm rả hẳn với không khí gói bánh chưng, bánh tét. Mấy năm liền, các con của bà và CN ở trọ cùng nhau tổ chức nấu bánh chưng, bánh tét, quây quần bên bữa tiệc cuối năm.
“Mọi người ở khu nhà trọ sống rất chan hòa, sẵn lòng giúp đỡ lẫn nhau khi tối lửa tắt đèn. Cô Em luôn hiểu chúng tôi cần gì và giúp đỡ tận tình nên ít ai có ý định dọn đi nơi nào khác” - anh Đoàn Thanh Dũng, CN cơ sở Long Bình (quận Tân Bình), thổ lộ.
Người mẹ thứ hai
Ghé thăm khu nhà trọ, chúng tôi còn được nghe những câu chuyện hết sức cảm động về bà Huỳnh Thị Em. Với nhiều nữ CN, bà chính là người mẹ thứ hai bởi những khi ốm đau, bệnh tật, sinh đẻ..., họ đều được bà chăm sóc chu đáo, đầy trách nhiệm.
Mới đây, một nữ CN gần đến ngày sinh, bụng đau quằn quại còn anh chồng như gà mắc tóc chẳng biết làm gì. Thấy chồng của nữ CN này lúng túng, bà Em động viên: “Thôi, con ở nhà, mọi việc để cô lo, nếu không thì hỏng chuyện”. Vừa dứt lời, bà đón xe ôm đưa nữ CN vào bệnh viện, vài chục phút sau thì chị sinh con. Nghe tin mẹ tròn con vuông, người chồng mừng khôn xiết. Từ đó về sau, bà chủ nhà trọ “thầu” luôn phần đưa CN trong khu trọ đi sinh. CN nào ốm đau, bệnh tật, bà đều hỏi thăm, khi thì ký thịt, lúc vài con cá để họ bồi bổ, lấy lại sức. Ngày lễ, Tết, Quốc tế thiếu nhi, trung thu, bà đều tặng quà cho CN trong khu trọ và con họ.
Lúc chúng tôi và bà Em trò chuyện, một bé trai khoảng 4-5 tuổi, tròn trịa, mập mạp, cứ quanh quẩn bên cạnh, không chịu rời đi. Tìm hiểu hoàn cảnh của bé, chúng tôi càng quý trọng tấm lòng của bà Em dành cho các gia đình CN ở trọ. Bé vừa sinh ra được vài ngày thì mẹ bỏ đi, sau đó đến lượt cha. Không nơi nương tựa, bé phải ở với ông bà nội ở cùng khu trọ. Hoàn cảnh ông bà nội bé quá khó khăn nên bà Em đã bỏ tiền túi ra giúp, khi thì hộp sữa, thuốc bổ, kể cả viện phí khi ốm đau. Cháu bé lớn lên trong sự đùm bọc, yêu thương của bà Em và cả những CN ở trọ.
Cách đây không lâu, một nữ CN ở trọ cũng lâm cảnh khó khăn khi cha mất đột ngột. Hằng tháng, ngoài chi tiêu sinh hoạt, chị còn phải gửi tiền lo thuốc thang cho mẹ già đang bị bệnh ở quê. Hiểu và thông cảm với hoàn cảnh của nữ CN này, bà Em đã động viên và giảm giá thuê phòng. Lời động viên, đặc biệt là nghĩa cử của bà, khiến nữ CN ấm lòng.
“Ở khu trọ này, không ai quên được cái tình, cái nghĩa của cô Em. Tất cả chúng tôi đều xem cô như mẹ ruột, nhất là bọn trẻ” - chị Nguyễn Thị Tuyết Hồng, CN Công ty Huê Phong, bày tỏ.
“Ổn định giá thuê phòng, đăng ký mua điện sinh hoạt đúng giá, đặc biệt là quan tâm, chăm lo cho công nhân hết mực, tất thảy điều ấy đã nói lên tấm lòng của dì Em” - bà Tô Thị Hương Diễm, Chủ tịch LĐLĐ quận Tân Bình, nhìn nhận.
Bình luận (0)