Dù còn trẻ tuổi nhưng nhiều năm qua, chị Phạm Thị Lan, công nhân (CN) khai thác mủ tại Nông trường la Pếch, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh (tỉnh Gia Lai), luôn nằm trong tốp những CN có năng suất cao của công ty và là gương điển hình trong phong trào phát triển kinh tế gia đình. Chị là 1 trong số 233 CN vừa được Công đoàn Cao su Việt Nam trao tặng danh hiệu CN ưu tú năm 2022.
Yêu nghề, nghề không phụ
Chị Lan trở thành CN cao su khi chưa tròn 19 tuổi và sớm thành thạo công việc, được công ty tin tưởng giao nhiệm vụ chăm sóc và thu hoạch mủ cao su. Từ đó chị không ngừng học hỏi kinh nghiệm những đồng nghiệp đi trước để hiểu về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cao su, đặc biệt là kỹ thuật cạo mủ sao cho đạt sản lượng cao nhất.
Qua đó, lượng mủ thu hoạch của chị luôn đạt và vượt trên 40% so với sản lượng giao khoán. Đặc biệt, trong 2 năm (2020-2021), chị vượt chỉ tiêu nông trường giao đến 80%, đứng đầu cả tổ về sản lượng. Điều đáng quý là chị Lan luôn sẵn sàng truyền nghề, hướng dẫn cho những CN trẻ, nhất là những CN người dân tộc thiểu số, giúp họ nâng cao tay nghề và cải thiện thu nhập. Ngoài giỏi nghề, chị Lan còn là điển hình trong phát triển kinh tế gia đình khi trồng, chăm sóc 12 ha vườn cà phê và 2 ha vườn điều đã cho thu hoạch. Mỗi năm, từ kinh tế phụ, chị đã tạo thêm thu nhập cho gia đình hàng trăm triệu đồng.
Ông Phan Mạnh Hùng, Chủ tịch Công đoàn Cao su Việt Nam, tặng biểu trưng và hoa chúc mừng các cá nhân đạt danh hiệu “Công nhân cao su Việt Nam ưu tú”
Chị Nguyễn Thị Thu, CN khai thác mủ thuộc Nông trường K’Dang, Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang (tỉnh Gia Lai), cũng là gương mặt trẻ có năng suất cao. Nhờ thường xuyên học hỏi, tích cực tham gia các hội thi tay nghề để rèn luyện, từ đó chăm sóc tốt và khai thác đúng quy trình kỹ thuật vườn cây được giao khoán. Nhờ vậy, năm nào chị cũng vượt sản lượng từ 10%-30%.
Năm 2021, chị khai thác được 7,2 tấn mủ, vượt hơn 30% so với chỉ tiêu nông trường giao. Mới 34 tuổi, chị Thu đã có 15 năm trong nghề và là nữ CN dày dạn kinh nghiệm. Chị nói: "Lúc đầu, tôi làm CN khai thác mủ vì muốn kiếm tiền mưu sinh nhưng không biết từ lúc nào, tôi đã yêu nghề, yêu những đường cạo và xem vườn cao su như chính vườn cây của mình mà chăm sóc. Vì vậy, tôi chưa từng nghĩ sẽ tìm một công việc mới".
Giúp công nhân bớt vất vả
Tại Tổng Công ty Cao su Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai), anh Phạm Ánh Phương, Tổ trưởng Tổ Cơ giới, được đồng nghiệp gọi bằng cái tên thân mật "Phương cơ giới", bởi những đóng góp đặc biệt của anh vào quá trình cơ giới hóa công đoạn tái canh.
Gắn bó với ngành cao su hơn 20 năm cùng với niềm đam mê máy móc, anh Phương đã có nhiều ý tưởng cải tiến, chế tạo thiết bị nông nghiệp được ứng dụng vào thực tiễn. Trong đó có ý tưởng chế tạo thiết bị liên hợp 4 trong 1 bằng các vật tư có sẵn trong nước. Anh cho biết trước đây, việc trồng tái canh được thực hiện qua 9 công đoạn, trong đó có 6 công đoạn hoàn toàn dựa vào sức người nên tốn rất nhiều thời gian.
Điểm đặc biệt là thiết bị này có thể thao tác cùng lúc 4 công đoạn gồm phá thành hố khoan, đảo trộn phân, lấp hố và lên luống hàng trồng cây cao su. Với công suất 15 ha/ngày, thiết bị này đã thay thế cho 30 lao động thủ công và tiết kiệm cho doanh nghiệp trên 1,3 tỉ đồng. Anh Phương cho hay: "Xu hướng phát triển nông nghiệp bền vững buộc phải cơ giới hóa. Vì vậy tôi luôn mong muốn sẽ có thêm nhiều ý tưởng hữu ích để góp phần cơ giới hóa, hỗ trợ các anh chị em bớt đi phần nào vất vả".
Với anh Nguyễn Ngọc Tuấn, Phòng Quản lý chất lượng, cũng là một "cây sáng kiến" tại Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê (tỉnh Gia Lai). Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề cao su, anh quyết định gắn bó với công việc này ngay sau khi tốt nghiệp THPT. Thấy anh sáng dạ và có ý chí, công ty đã tạo điều kiện cho anh theo học kỹ thuật tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su Bình Phước. Kết hợp những kiến thức và kinh nghiệm làm việc, anh đã có nhiều sáng kiến hữu ích, có giá trị lớn.
Tiêu biểu là sáng kiến "Nâng cao chất lượng mủ thành phẩm được chế biến từ mủ nước latex của Nông trường La Lâu". Do vị trí nông trường cách xa công ty, vận chuyển khó khăn, mặt khác giống cây có mủ nước dễ bị đen do ôxy hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng mủ khi đánh đông. Sau nhiều ngày trăn trở, anh Tuấn đã cải tiến quy trình chế biến mủ latex thành công khi sản phẩm đạt chất lượng ổn định và làm lợi gần 1 tỉ đồng/năm. Hiện sáng kiến này đang được áp dụng trên tất cả vườn cây có chất lượng mủ nước như Nông trường La Lâu.
Bình luận (0)