Trong khu xưởng mẫu chỉ vài chục mét vuông ở quận Bình Thạnh, TP HCM, chị Nguyễn Thị Thúy Hà cùng hơn chục chị em thuộc tổ sản phẩm mẫu Hợp tác xã (HTX) Mây tre lá Ba Nhất ngồi giữa những bó lục bình, lá buông khô, tay thoăn thoắt đan. Những sợi lục bình đơn điệu qua đôi bàn tay khéo léo của các chị được thổi hồn thành những chiếc giỏ xinh xắn.
Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng đòi hỏi đam mê và sự sáng tạo của chị Hà lại là một trong các khâu quan trọng nhất của HTX. Chính từ căn phòng nhỏ bé này, những sản phẩm mẫu độc đáo đón đầu thị hiếu liên tục ra đời, tạo lợi thế cạnh tranh cho HTX.
Thổi hồn cho sản phẩm
Sinh ra và lớn lên ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình - nơi có nghề đan cói mỹ nghệ truyền thống, mẹ lại là nghệ nhân có tiếng ở địa phương nên chị Hà rất mê cái nghề truyền thống của quê hương, gia đình mình. Ngay từ nhỏ, chị đã biết phụ gia đình dệt chiếu và xác định sẽ theo nghiệp của cha mẹ.
Chưa bao giờ nghĩ mình sẽ rời quê cho đến năm 2001, khi HTX Mây tre lá Ba Nhất ra Ninh Bình thu mua nguyên liệu, biết được trong Nam cũng có nghề truyền thống này nhưng với nguyên liệu đa dạng hơn quê hương mình, trong lòng chị Hà mới nhen nhóm ý nghĩ vào Nam học tập. Để thử thách bản thân, chị khăn gói vào Nam và xin vào làm việc tại HTX Mây tre lá Ba Nhất.
Ngay từ ngày đầu tiên, khi chứng kiến đôi tay thoăn thoắt đan giỏ của cô thợ mới, ban giám đốc HTX đã quyết định nhận chị vào làm với mức lương chính thức mà không cần thử việc. Làm việc tại HTX, chị nhanh chóng nhận ra đây là môi trường thích hợp để chị thỏa sức sáng tạo với đam mê của mình chứ không đơn thuần là người làm công.
Vậy là chị quyết định gắn bó cho đến tận bay giờ, cũng đã gần 20 năm, từ một cô công nhân làm hàng mẫu, nay chị đã là tổ trưởng tổ sản phẩm mẫu. Suốt 20 năm ấy, bằng sự tinh tế và khéo léo chị đã tạo ra rất nhiều sản phẩm mới làm hài lòng khách hàng, giúp HTX có được những đơn hàng lớn.
Điển hình là sáng kiến về mẫu bồ đựng trái cây đan dây lục bình và bồ đựng trái cây đan dây cói của chị đã được các khách hàng nước ngoài đánh giá cao. Đây là 2 nguyên liệu đặc trưng ở Việt Nam, vốn ít nên giá thành sản phẩm vừa phải lại dễ sản xuất đại trà, đặc biệt là thân thiện với môi trường, có thể gây thiện cảm với khách hàng nước ngoài. Đúng như mong đợi, từ sản phẩm mẫu của chị, HTX đã sản xuất được lô hàng trên 150.000 chiếc, mang về lợi nhuận khoảng nửa tỉ đồng và được HTX đánh giá cao.
Hai sáng kiến này cũng đã giúp chị vinh dự đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2019. Chị tâm sự: "Dường như tôi sinh ra là để làm công việc này dù nó cần rất nhiều sự kiên nhẫn và tỉ mỉ. Có khi phải ngồi đan liên tục trong nhiều giờ liền mà sản phẩm không phải lúc nào cũng được như mong đợi, nhưng được sống với niềm đam mê đã là một hạnh phúc lớn lao".
Chị cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, do tác động của dịch bệnh, đơn hàng mới của HTX giảm sút so với trước, do vậy để đồng hành với ban giám đốc, tổ sản phẩm mẫu liên tục tìm tòi, tạo ra những mẫu mã mới, những kiểu đan mới với sự kết hợp sáng tạo giữa các nguyên vật liệu, trong đó một số sản phẩm đang nhận được phản hồi tốt từ HTX cũng như phía khách hàng.
Anh Trần Quốc Toản (bên phải) là một kỹ sư yêu nghề, hết lòng vì thợ trẻ
Cỗ máy "sáng tạo"
Tại Nhà máy Bê-tông đúc sẵn Hùng Vương - Vĩnh Cửu 1 (Công ty TNHH Xây dựng Công trình Hùng Vương; quận 10), chàng kỹ sư trẻ sinh năm 1986 Trần Quốc Toản luôn được xem là cỗ máy sáng tạo. Dấu ấn trong 10 năm làm việc của anh là gần 30 sáng kiến cá nhân và tập thể, giúp tiết kiệm hàng tỉ đồng cho doanh nghiệp. Từ vị trí nhân viên kỹ thuật, anh vươn lên trở thành quản đốc xưởng cơ khí chỉ sau 4 năm làm việc.
Sáng kiến anh Toản tâm đắc nhất là Thiết kế, chế tạo "dây chuyền rung gối cống bê-tông tự động bằng công nghệ rung bàn", bởi nó giúp anh em công nhân (CN) đỡ vất vả hơn. Chia sẻ về ý tưởng sáng tạo này, anh Toản cho biết sản phẩm của nhà máy bê-tông đúc sẵn Hùng Vương phần lớn là những ống cống bê-tông có đường kính lớn, nên CN phải làm việc rất vất vả mà năng suất vẫn thấp.
Trước đây gối cống (bộ phận được dùng để làm nơi đặt 2 đầu ống tiếp giáp nhau) được sản xuất thủ công nên chất lượng không ổn định. Chưa hết, sản phẩm làm bằng khuôn thủ công nên dùng sức người là chính, khi cần hàng gấp là anh em CN làm việc vô cùng cực nhọc.
Trăn trở về điều này nên anh Toản đã có ý tưởng chế tạo dây chuyền rung gối đỡ cống bê-tông tự động bằng công nghệ rung bàn. Dây chuyền mới này hoạt động theo nguyên lý bê-tông được trộn tự động từ trạm trộn rồi xả xuống xe trung chuyển, sau đó đưa tới phễu chứa của xe nạp liệu gối. Hệ băng tải của xe nạp đưa bê-tông vào khuôn gối được lắp trên bàn máy rung bằng kẹp hơi. Bàn rung tạo thành lực lèn chặt bê-tông.
Sản phẩm rung xong được mở kẹp và được đưa ra ngoài để tiếp tục sản phẩm kế tiếp. Phải mất đến 6 tháng và sau nhiều lần thử nghiệm thất bại, Toản và các cộng sự mới hoàn thiện quy trình. Vất vả là vậy nhưng khi thấy đứa con tinh thần của mình vận hành trơn tru, Toản và đồng nghiệp rất vui.
Dây chuyền này có năng suất cao gấp 6 lần, giảm 50% chi phí làm khuôn, đặc biệt giảm 60% công lao động. Ngoài tinh thần đam mê sáng tạo, anh Toản luôn sẵn lòng hỗ trợ đồng nghiệp và kèm cặp thợ trẻ. Nhiều người dưới sự hướng dẫn của anh đã trở thành thợ giỏi. "Toản luôn được đồng nghiệp, cấp dưới quý mến do sự nhiệt tình trong công việc, đặc biệt các sáng kiến của cậu không chỉ mang lại giá trị về kinh tế cho công ty mà còn giúp cho CN thoải mái, an toàn trong lao động, sản xuất" - ông Nguyễn Văn Thịnh, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH xây dựng Công trình Hùng Vương, nhận xét.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 9-7
Kỳ tới: Xung kích, đi đầu
Bình luận (0)