Ai đã từng đến huyện Cần Giờ, TP HCM, ngay khi qua phà Bình Khánh sẽ dễ có được cảm giác bình yên, tươi mới đến từ rừng cây xanh ngút ngàn, kéo dài hàng chục km dọc hai bên con đường mang tên Rừng Sác. Đó chính là Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Để có được mảng xanh rộng lớn trải dài trên 34.000 ha đó, có sự đóng góp công sức của hàng chục cán bộ, nhân viên của Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ.
Quản lý rừng bằng công nghệ
Đến đây, bạn sẽ gặp thạc sĩ lâm nghiệp Bùi Nguyễn Thế Kiệt, Phó Phòng Quản lý tài nguyên - môi trường, người sẽ kể những câu chuyện về thảm thực vật ngập mặn đặc biệt này cũng như những loài côn trùng, động vật đang có mặt trong hệ sinh thái xanh mượt phía Đông TP.
Gặp Kiệt tại văn phòng làm việc của anh nằm bên đường Rừng Sác, giữa bạt ngàn rừng đước, chúng tôi nghe anh say sưa kể về các loài động - thực vật rừng và cả những khó khăn, vất vả của những người đang ngày đêm bảo tồn, bảo vệ rừng ngập mặn Cần Giờ. "Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ là một quần thể gồm các loài động - thực vật rừng trên cạn và thủy sinh, được hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của các cửa sông Đồng Nai, Sài Gòn và Vàm Cỏ" - anh Kiệt nói.
Thạc sĩ Bùi Nguyễn Thế Kiệt trong vườn ươm của Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ
Năm 2006, khi vừa tốt nghiệp đại học chuyên ngành lâm nghiệp, anh Kiệt về làm việc tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ từ đó đến nay. Gần 15 năm gắn bó với rừng, anh cho rằng đây là công việc mà bản thân đã đam mê từ nhỏ. Màu xanh của cây lá, của những chồi non, lộc biếc và cả tiếng muỗi vo ve đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của anh.
Ngay khi về rừng nhận việc, Kiệt đã nhận thấy việc quản lý, giám sát cả một diện tích rừng bao la như vậy mà chỉ bằng cách đo đạc thủ công thì khó chính xác cũng như sẽ tốn rất nhiều thời gian, công sức. Thực tế đó khiến Kiệt nảy sinh ý tưởng và cho ra đời sáng kiến "Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS (Geographic Information System) vào công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Việc dùng máy GIS đã giúp cung cấp chính xác diện tích các lô rừng, phát hiện sai lệch trong cập nhật dữ liệu, tiết kiệm chi phí nhân công, thời gian thực hiện điều tra, theo dõi diễn biến rừng... Sáng kiến này đã giúp Kiệt vững tin hơn khi được lãnh đạo, đồng nghiệp khích lệ.
Chưa dừng lại ở đó, xuất phát từ thực tế việc đánh giá, xác định chiều cao, cân nặng, đường kính các loại cây trong rừng gặp nhiều khó khăn, Kiệt đã đề xuất và được chấp thuận nhanh chóng để nghiên cứu, thực nghiệm và đưa ra quy trình "Xây dựng bảng tra nhanh các chỉ tiêu điều tra thực vật trong rừng ngập mặn Cần Giờ".
"Việc nghiên cứu thực vật trong rừng gặp nhiều khó khăn bởi đặc thù là rừng ngập mặn, trong một diện tích rộng lớn nên cần phải có các công cụ khoa học để công việc nghiên cứu được thuận lợi hơn. Tôi đã nỗ lực hết mình bởi việc này mất rất nhiều thời gian và công sức. Nhưng quan trọng là để lại cho thế hệ sau, đặc biệt là học sinh, sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học có cái để làm nhanh hơn, chính xác hơn, góp phần bảo tồn, bảo vệ lá phổi xanh của TP" - Kiệt chia sẻ.
Nâng chất để nâng giá trị rừng
Ngoài 2 công trình nói trên, Kiệt còn có nhiều sáng kiến giá trị khác như "Xây dựng bảng tra nhanh sinh khối, trữ lượng carbon và hấp thụ CO2 của quần thụ đước đôi", "Định lượng đa dạng sinh học và trữ lượng carbon" cũng là để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học, giúp bảo vệ rừng và hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ được tốt hơn.
Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ không chỉ là lá phổi xanh của TP mà còn là một thư viện sống, là của để dành vô giá cho các thế hệ sau. Phát triển bền vững cho khu dự trữ sinh quyển này không chỉ là công việc của Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ mà phải là cả mười mấy triệu dân TP và cả các tỉnh giáp ranh.
Theo Kiệt, nếu các thế hệ trẻ, các em học sinh, sinh viên được đến tận đây, hiểu được giá trị của rừng, thấy được tiềm năng to lớn của rừng thì các em sẽ là thế hệ tiếp theo bảo vệ tốt nhất rừng ngập mặn Cần Giờ.
Bản thân là một thạc sĩ, có chuyên môn được đồng nghiệp đánh giá cao nhưng anh Kiệt chưa hài lòng với những gì mình đang có. Kiệt cho rằng việc bảo vệ về cơ bản đã ổn định và giờ là lúc phát huy giá trị của rừng cho sinh kế của người dân và cả những lợi ích kinh tế khác. Tất cả điều đó không chỉ có chuyên môn thuần túy mà làm được.
"Phải học tập, nâng cao chuyên môn, ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác quản lý để tìm ra những giá trị từ rừng mang lại. Nhiều kiến thức phải học tập từ nước ngoài. Do đó bản thân tôi thấy trình độ tiếng Anh phải cao, phải đọc, dịch, hiểu các tài liệu chuyên ngành bằng tiếng Anh thì mới có thể giúp rừng ngập mặn Cần Giờ phát huy mọi tiềm năng" - anh Kiệt tâm sự.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 9-7
Kỳ tới: Những đôi tay vàng
Bình luận (0)