Ngoài nội dung về chế độ hợp đồng với viên chức (VC), Luật Cán bộ, công chức và Luật VC sửa đổi số 52/2019/QH14 còn có nhiều quy định mới về việc giải quyết VC đang bị kỷ luật.
Viên chức vẫn được nghỉ hưu khi đang bị kỷ luật
Theo điều 4 Nghị định 27 năm 2012, VC sẽ bị xử lý kỷ luật khi có các hành vi: Vi phạm nghĩa vụ của VC và những việc VC không được làm: Hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân; Có thái độ bất lịch sự, không tôn trọng nhân dân; Không đảm bảo yêu cầu về thời gian và chất lượng khi thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ…; Vi phạm các nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng làm việc đã ký kết với đơn vị sự nghiệp công lập; Vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật; Vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội… nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, điều 56 Luật VC hiện hành cũng nêu rõ, VC khi bị kỷ luật thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi được nâng lương: Nếu bị khiển trách thì kéo dài thời hạn nâng lương lên 3 tháng; Nếu bị cảnh cáo thì bị kéo dài thời hạn nâng lương lên 6 tháng; Nếu bị cách chức thì thời hạn nâng lương bị kéo dài 12 tháng, đồng thời đơn vị sự nghiệp công lập bố trí vị trí việc làm khác phù hợp.
Viên chức khi bị kỷ luật thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi được nâng lương (ảnh chỉ mang tính minh họa)
Đồng thời, khi VC trong thời gian bị xử lý kỷ luật thì không được bổ nhiệm, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, giải quyết nghỉ hưu hoặc thôi việc. Tuy nhiên, quy định này sẽ bị sửa đổi khi Luật Cán bộ, công chức và Luật VC sửa đổi năm 2019 chính thức có hiệu lực. Cụ thể, Luật sửa đổi quy định: VC đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được bổ nhiệm, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng hoặc thôi việc.
Như vậy, căn cứ quy định trên, từ 1-7-2020, khi VC đang trong thời hạn xử lý kỷ luật thì chỉ không được thôi việc mà vẫn được xem xét, giải quyết cho nghỉ hưu. Tuy nhiên, dù được giải quyết cho nghỉ hưu nhưng điều 60 của Luật này cũng nêu rõ, VC nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì Chính phủ sẽ quy định việc xử lý kỷ luật. Ngoài ra, việc xử lý VC đã nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước ngày 1-7-2020 sẽ được thực hiện theo quy định của Luật này.
Như vậy, mặc dù vẫn được xem xét giải quyết nghỉ hưu nhưng nếu bị phát hiện có hành vi vi phạm, tùy mức độ, tính chất, VC vẫn có thể bị xem xét xử lý kỷ luật.
Kéo dài thời hạn kỷ luật đến 5 năm
Về vấn đề xử lý kỷ luật VC, Luật sửa đổi năm 2019 còn có một nội dung đáng chú ý khác là sẽ kéo dài thời hạn kỷ luật VC.
Nếu theo quy định hiện nay, thời hạn kỷ luật VC được nêu cụ thể tại điều 53 là không quá 2 tháng. Khi vụ việc có những tình tiết phức tạp cần có thời gian kiểm tra, thanh tra để làm rõ hơn thì có thể kéo dài nhưng không quá 4 tháng.
Tuy nhiên, bắt đầu từ 1-7-2020, thời hạn xử lý kỷ luật đã được kéo dài đến không quá 90 ngày. Nếu trường hợp phức tạp thì kéo dài không quá 150 ngày.
Như vậy, khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm của VC cho đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền từ 1-7-2020 có thể đến 150 ngày.
Bình luận (0)