xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những mảnh đời trôi dạt

NHÓM PV CÔNG ĐOÀN

Nhiều con hẻm ở TPHCM được đặt tên như hẻm vé số, hẻm ve chai, hẻm hàng rong… Đó là nơi tập trung của những người lao động tự do cùng nghề từ khắp mọi miền đất nước

3 giờ sáng, con hẻm nhỏ trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh - TPHCM trở mình bởi tiếng người í ới gọi nhau đi lấy hàng, tiếng xoong nồi va vào nhau lẻng xẻng. Không hẹn mà gặp, những phụ nữ ở đây cùng tất bật chuẩn bị hàng cho ngày mới. “Hôm nay bán ở đâu chị Hạnh?”, “Bán hết mới được về nha mọi người”… Tiếng người hỏi thăm nhau, tiếng nói cười của những người đồng cảnh ngộ làm vỡ òa bóng đêm. Gần 5 giờ sáng, con hẻm trở lại tĩnh mịch khi những người phụ nữ rời phòng trọ, nặng gánh mưu sinh.

Cùng quê, cùng cảnh

Con hẻm ấy là nơi sinh sống của gần 20 phụ nữ quê Quảng Ngãi, được mọi người quen gọi là hẻm hàng rong hoặc xóm hàng rong. Gọi là xóm nhưng khuôn viên chỉ rộng tầm 20 m2, xập xệ, tối tăm và ngổn ngang đồ đạc. Gian nhà bên dưới được chia làm 2 phòng nhỏ dùng chứa “đồ nghề” và làm chỗ ngủ của vài người; tầng trên là chỗ ngủ, để quần áo. Những người ở đây đều có thâm niên bán hàng rong từ 10 năm trở lên với đủ các mặt hàng như trái cây, bánh tráng trộn, chè, xúp… “Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng đều nặng gánh gia đình” - bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh tâm sự. Gương mặt sạm nắng, da nứt nẻ làm bà Hạnh già hơn tuổi 49 của mình.
 
img
 

img

Cư dân ở hẻm hàng rong trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh - TPHCM bận rộn chuẩn bị hàng trước khi đi bán 
Ảnh: HỒNG NHUNG

Gần sông Sài Gòn, đoạn phường 27, quận Bình Thạnh - TPHCM có con hẻm số 17 được mọi người quen gọi là xóm chuối, xóm dừa. Con đường dẫn vào xóm lúc nào cũng đầy sình đất do triều cường và mưa. Xóm có 13 hộ gia đình sống trong những túp lều lụp xụp, không cửa nẻo, chung quanh cây cối mọc um tùm. Những túp lều được dựng tạm bợ bằng bạt, neo vào những gốc cây tràm, bạch đàn trên khoảnh đất được thuê ở bờ sông. Xung quanh dừa, chuối chất ngổn ngang. “Mọi người đi bán từ lúc tờ mờ sáng. Ai bán gần thì cũng trưa, còn bán xa thì tầm 22 giờ mới về. Cùng cảnh nghèo khó phải bỏ quê lên đây nên mọi người sống rất hòa thuận” - anh Nguyễn Văn Vũ, một cư dân của xóm, cho biết. 

Xóm dừa, xóm chuối ra đời cách đây khoảng 7 - 8 năm, do những người đồng hương huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre lập nên. Anh Vũ là một trong những người đến ở đầu tiên. Cùng quê nên họ thuê đất, lập thành khu sống quây quần, nương tựa vào nhau, chẳng hề có chuyện tranh giành.

Cực nhưng còn đỡ hơn ngoài quê!

Cách xóm dừa không xa ở phía bên kia sông là một xóm “đa ngành nghề” nằm trong một con hẻm nhỏ gần ngã tư Bình Triệu, quận Thủ Đức - TPHCM. Hơn 20 giờ, khu trọ râm ran tiếng trò chuyện khi mọi người bắt đầu đi làm về. Ở đây, mỗi phòng trọ có diện tích khoảng 8 m2 là nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt của những gia đình tha hương. Khu sinh hoạt chung thì ngổn ngang đồ đạc, xoong nồi; nhà tắm và nhà vệ sinh rong rêu phủ đầy.
 
Phần lớn người trọ ở đây quê Thanh Hóa. Đàn ông khỏe mạnh thì làm phụ hồ, phụ nữ thì lượm ve chai, còn người già thì bán vé số. Ông Nguyễn Thế Thủy kể gia đình ông vào TPHCM năm 2008, vợ đi lượm ve chai, con trai phục vụ quán cà phê, ông làm phụ hồ. “Mỗi ngày, vợ chồng, con cái cũng chỉ kiếm được 150.000 đồng. Nhưng cũng còn đỡ hơn ở ngoài quê” - ông Thủy thở dài. Xóm này có đặc điểm là ngủ sớm. Cơm tối xong, nhà nào nhà nấy đóng cửa, không có cảnh lê la hàng xóm, trà dư tửu hậu. Ông Thủy bảo tôi: “Ngủ sớm để lấy sức mai còn đi làm kiếm cơm”.

Còn ở đường Dương Quảng Hàm, phường 5, quận Gò Vấp - TPHCM, trong những con hẻm nhỏ và sâu là nơi sinh sống của lao động làm nghề mua bán ve chai. Chị Nguyễn Thị Hồng, quê Quảng Bình, cho hay: “Khu tôi ở có khoảng 10 gia đình, hầu hết ở miền Bắc vào. Không nghề nghiệp, không tiền bạc nên phải chọn việc mua bán ve chai để mưu sinh”. Lâu dần, người ta quen gọi là xóm ve chai”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, những xóm nhập cư như vậy ở quận, huyện nào cũng có. Không chỉ những địa bàn vùng ven như Tân Phú, Tân Bình, Bình Tân, Gò Vấp, Thủ Đức, quận 12… mà ngay ở các quận trung tâm như quận 1, 3, 5… cũng rất đông người lao động ở các tỉnh đổ về. Họ làm đủ thứ ngành nghề, công việc: bán hàng rong, bốc xếp, chạy xe ôm, làm thợ hồ, bán vé số… Một cán bộ Sở LĐ-TB-XH TP nhìn nhận: “Đúng là đất lành chim đậu nhưng rõ ràng vấn đề lao động nhập cư đã và đang đặt ra cho TPHCM rất nhiều thách thức”.

30% sinh sống bằng nghề tự do

Năm 2011, số liệu thống kê chính thức cho thấy dân số TPHCM đã trên 7,5 triệu người, trong đó lao động nhập cư trên 2 triệu người, chiếm hơn 27%. Theo Sở LĐ-TB-XH TPHCM, lao động nhập cư làm việc nhiều nhất trong các ngành nghề không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao như giày da, may mặc, xây dựng, chế biến thực phẩm, thương mại dịch vụ. Đặc biệt, có gần 30% lao động nhập cư sinh sống bằng nghề tự do.
 

Kỳ tới: Vươn lên trong khốn khó

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo