Đến Xí nghiệp May An Phú (Công ty CP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn), chúng tôi nghe nhiều công nhân (CN) khoe tháng này thu nhập lên đến 8-9 triệu đồng/người, có người hơn 10 triệu đồng. Được như thế là nhờ sự cải tiến hợp lý của giám đốc Hoàng Thị Kim Dung - người phụ nữ duy nhất được trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2017.
Đi lên từ công nhân
Bà Dung nói rằng bà không được học hành nhiều nhưng chính thực tế công việc đã dạy bà làm thế nào cho hợp lý, cho công ty làm ăn có lãi, thu nhập của CN được nâng cao. Năm 2015, bà thấy xí nghiệp bố trí chuyền may theo hình chữ I, mỗi chuyền dài 75 m, ngang 3,5 m. Ban điều hành tổ di chuyển rất nhiều trong ngày, vì thế họ không giám sát hết được tình hình hoạt động của chuyền, làm hàng hóa bị ứ và sản phẩm bị lỗi rất nhiều. Để khắc phục tình trạng này, bà đã tìm tòi, cải tiến thử một chuyền theo mô hình chữ U, chiều dài 20 m, ngang 10 m. Sau khi thử nghiệm, bà thấy tổ trưởng năng động hơn, thời gian di chuyển không nhiều như trước nhưng vẫn quan sát được tất cả CN trong tổ và kiểm soát được tiến độ sản xuất.
Từ một chuyền ban đầu, bà mạnh dạn áp dụng cho 15 chuyền còn lại của xí nghiệp. Với cải tiến này, mỗi tháng xí nghiệp được lợi gần 100 triệu đồng. Đặc biệt, việc bố trí chuyền may theo hình chữ U của bà được công ty nhân rộng ra các xí nghiệp khác.
Hình ảnh thân thiết, gần gũi của giám đốc Hoàng Thị Kim Dung (bìa phải)
Từng là một CN kiểm hàng được cất nhắc làm tổ trưởng, quản đốc, trưởng phòng đào tạo rồi giám đốc xí nghiệp, với gần 30 năm trong nghề may, bà đã tích lũy được khá nhiều kiến thức thực tế của nghề. Bà còn có nhiều sáng kiến khác như "bỏ đánh số, tách cây vải theo thẻ bài", "Cải tiến rải chuyền"… mỗi năm tiết kiệm cho xí nghiệp một số tiền rất lớn, đặc biệt thu nhập của CN cũng tăng theo từng năm. Từ bình quân 6,2 triệu đồng/tháng năm 2015 lên 8,5 triệu đồng/tháng hiện nay. "Cạnh tranh lao động đang là bài toán hóc búa của nhiều doanh nghiệp. Do vậy, để giữ lao động giỏi, bên cạnh chế độ đãi ngộ tốt, xí nghiệp phải làm sao để CN tăng ca ít nhưng thu nhập vẫn nuôi sống được gia đình họ. Không còn cách nào khác, mọi người phải liên tục cải tiến, kể cả bản thân giám đốc" - bà tâm sự.
Và trong suốt thời gian làm việc của mình, bà tự hào nhất là việc bồi dưỡng, đào tạo những CN giỏi thành những nhân sự chủ chốt cho xí nghiệp, công ty. Có người do bà phát hiện, kèm cặp từ CN trực tiếp hiện nay đã là chuyền trưởng, trưởng phòng, thậm chí giám đốc xí nghiệp. Nhận xét về bà, chị Võ Thị Kim Xuân, ban cải tiến của xí nghiệp, cho biết: "Có thể nói về giám đốc gói gọn trong hai từ "tuyệt vời". Không chỉ quan tâm đến thu nhập của CN, giám đốc còn quan tâm đến hoàn cảnh từng CN. Ai gặp khó khăn, bức xúc vấn đề gì có thể lên thẳng phòng giám đốc để trình bày, lúc nào bà cũng lắng nghe, cầu thị sửa chữa hay giải quyết kịp thời. Cả xí nghiệp ai cũng yêu thương, quý mến và xem giám đốc như người chị lớn trong gia đình".
Tiết kiệm tiền tỉ cho công ty
"Có thể nói Thảo là một nhân tố nổi bật ở công ty, không chỉ năng động, nhiệt tình còn đam mê sáng kiến, cải tiến. Là một kỹ sư nhưng lúc nào Thảo cũng có mặt ở hiện trường để xử lý kịp thời những trục trặc, cải tiến để tiết kiệm sức lao động cho anh em CN. Qua 9 năm làm việc, Thảo đã có 8 sáng kiến, tiết kiệm cho doanh nghiệp hơn 4 tỉ đồng" - ông Dương Châu Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cảng Bến Nghé, nhận xét về anh Nguyễn Hồng Thảo, nhân viên phòng kỹ thuật của công ty, như vậy.
Kỹ sư Nguyễn Hồng Thảo (bìa trái) làm việc cùng công nhân
Từng học ngành hàng hải, được 2 năm, Hồng Thảo bỏ ngang để chuyển sang học ngành cơ khí tại Trường ĐH Bách khoa TP HCM. Ra trường, năm 2008, anh vào Công ty TNHH MTV Cảng Bến Nghé làm việc cho đến nay. Không ngày nào chàng trai người Bình Thuận này không "đến thăm" các máy móc xem đã ổn chưa, có thể làm tốt hơn nữa không?
Năm 2014, cần cẩu bánh lốp của cảng bị hư hộp số, ban giám đốc yêu cầu phòng kỹ thuật phải sửa chữa nhanh, sớm đưa cần cẩu vào hoạt động. Nếu mua hộp số mới, thời gian vận chuyển nhanh nhất cũng phải mất 24-25 tuần và cảng bị thiệt hại lên đến tiền tỉ. Trước yêu cầu cấp bách ấy, anh Thảo đã thiết kế, chế tạo bộ bánh răng cho hộp số cuốn cáp cần cẩu. Chỉ mất 3 tuần, anh đã thiết kế thành công hộp số mới với chi phí 64 triệu đồng.
Trước đây, trong công tác sửa chữa, để nâng hạ các thiết bị như động cơ, hộp số, cẩu xe…, công ty đã sử dụng xe nâng để hỗ trợ. Tuy nhiên, việc sử dụng xe nâng khi hàng hóa nhiều rất thụ động vì phải chờ đợi lâu. Thấy những bất tiện đó, anh Thảo đã chế tạo cổng trục đẩy bằng tay với ưu điểm chi phí chế tạo thấp, vận chuyển đơn giản, không gây ô nhiễm môi trường. Anh kể: "Máy móc là một thế giới vô tận mà con người có thể khám phá mãi không chán. Khi sáng kiến, cải tiến ra một loại máy nào đó, bản thân tôi rất vui vì không chỉ tiết kiệm, làm lợi cho công ty mà còn vui vì mình đã khám phá ra được một điều mới mẻ".
Cứ thế, chàng kỹ sư 35 tuổi năm nào cũng cho ra đời một sáng kiến. Để nâng cao kiến thức cho bản thân, anh đã học thêm văn bằng hai kỹ sư kinh tế vận tải biển và đang làm đề tài thạc sĩ ngành tổ chức quản lý vận tải tại Trường ĐH Giao thông Vận tải TP HCM.
Bình luận (0)