Mới đây, khi biết tin cô Mai Huỳnh Bích Thơ, giáo viên (GV) Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè (quận 1, TP HCM), đạt giải nhất cuộc thi "Hát mãi ước mơ" do Đài Truyền hình TP HCM tổ chức và dành trọn số tiền thưởng 50 triệu đồng để giúp đỡ con mình, chị Nguyễn Thị Hồng Thúy, mẹ em Nguyễn Tấn Hoàng Nhật, rất xúc động. "Nghĩa cử của cô Thơ rất đáng trân trọng. Nhờ tấm lòng bao dung của cô mà vợ chồng tôi trút được bao nhiêu lo lắng khi có thêm tiền để trang trải học phí, mua nẹp giày cho bé tập đi" - chị Thúy bày tỏ.
Người mẹ của trẻ khuyết tật
Mẹ ruột cô Thơ trước đây cũng là GV nuôi dạy trẻ và có gần 30 năm công tác tại Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè. Theo chân mẹ đến lớp từ khi còn nhỏ, cô bé Thơ có dịp tiếp xúc với nhiều em nhỏ có số phận kém may mắn. Sau những lần gặp gỡ ấy, những nụ cười hồn nhiên, ánh mắt ngây thơ, trong sáng ẩn chứa trong cơ thể khuyết tật của các học sinh nơi đây luôn đọng lại trong Thơ những xúc cảm khó tả, tình cảm yêu thương đối với các em nơi cô ngày càng lớn dần.
Vì lẽ đó, năm 2009 cô quyết định theo học Trung cấp Sư phạm mầm non và chính thức đảm nhận công việc dạy trẻ em khuyết tật tại trung tâm từ năm 2011 với tâm nguyện giúp các em cải thiện tình trạng sức khỏe, có thể tự phục vụ bản thân và giảm gánh nặng cho gia đình. Chăm sóc và dạy dỗ các em hằng ngày, cô biết được nhiều em có bệnh rất nặng nhưng hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, một trong số đó là em Nhật. Nhật 13 tuổi, bị bại não từ nhỏ, không thể phát âm và đi lại, mọi sinh hoạt phải có sự trợ giúp của bố mẹ. Năm Nhật lên 3 tuổi, khi đã chạy chữa nhiều nơi không hiệu quả, cha mẹ đưa em từ Bình Định vào TP HCM với mong mỏi tìm được nơi chữa bệnh cho con. Nhật được gửi vào học tại trung tâm và khoản học phí 1,3 triệu đồng/tháng chính là gánh nặng của ba mẹ em. Để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt và lo cho con, mẹ em phải xin làm phụ việc nhà, còn ba Nhật làm phụ hồ. Cả gia đình Nhật phải ở nhà thuê nên cứ thiếu trước hụt sau. Với suy nghĩ phải làm một điều gì đó thật ý nghĩa để san sẻ khó khăn với gia đình Nhật, sẵn có khiếu ca hát, cô Thơ quyết định tham gia chương trình "Hát mãi ước mơ". Khi tên mình được ban tổ chức xướng lên, cô Thơ không kìm được xúc động.
Hoàn cảnh gia đình cô Thơ cũng không khá giả, do vậy nghĩa cử của cô đối với học trò nghèo được đồng nghiệp, bạn bè quý trọng. Con gái duy nhất của vợ chồng cô (SN 2006) cũng bị chậm phát triển trí não đang theo học tại trung tâm. "Tổng thu nhập của 2 vợ chồng là 8,4 triệu đồng/tháng nên phải gói ghém chi tiêu mới đủ. Dù vậy, so với gia đình các em học sinh, cuộc sống của chúng tôi vẫn tốt hơn nhiều" - cô Thơ bộc bạch.
Các em học sinh khuyết tật và cô Mai Huỳnh Bích Thơ quây quần trong giờ chơi ở Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè
Hạnh phúc là cho đi
Vừa qua, cô Nguyễn Thị Hồng Hà, GV Trường Mầm non 23-11 (huyện Hóc Môn), đã vinh dự được nhận bằng khen của UBND TP vì đã tham gia hiến máu nhân đạo 21 lần. Chia sẻ về hành động ý nghĩa ấy, cô Hà khiêm tốn: "Được góp chút công sức để người khác có thêm hy vọng sống là niềm vui. Nếu cho đi mà mang lại hạnh phúc cho nhiều người như thế thì chẳng có lý do gì để tôi từ chối cả".
Không chỉ tích cực hiến máu cứu người, 29 năm làm công tác giảng dạy, cô Hà còn thường xuyên quan tâm đến hoàn cảnh sống của từng em học sinh để có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Năm học 2017-2018, lớp cô có em Diệp Bảo Phúc (5 tuổi) bị chậm phát triển trí não. Hoàn cảnh gia đình Phúc khá đơn chiếc, ba bỏ đi khi em còn nhỏ, hai mẹ con phải ở nhờ nhà người thân. Đã vậy, mắt mẹ Phúc bị mờ nên không thể tìm việc làm ổn định, chỉ có thể phụ giúp việc vặt cho những người xung quanh nên cuộc sống rất khốn khó. Gia đình em thuộc hộ nghèo, đã được nhà trường giảm 50% học phí nhưng mẹ Phúc vẫn không thể kham nổi. Cảm thông với hoàn cảnh của gia đình trò nghèo, ngoài đứng ra vận động phụ huynh học sinh trong lớp, cô Hà còn đề xuất Công đoàn huy động GV và phụ huynh toàn trường cùng tham gia đóng góp. Kết quả, sau 3 ngày vận động đã thu được gần 21 triệu đồng hỗ trợ mẹ con bé Phúc. Với số tiền ấy, mẹ Phúc có thêm tiền trị bệnh cho em và có vốn để làm ăn.
Cô Hà còn là tấm gương điển hình trong công tác phòng chống tội phạm, bảo vệ tài sản cho người dân. Trong một lần đi bộ ra cổng trường, cô thấy tên trộm đang bẻ khóa xe máy bên kia đường. Chẳng nghĩ ngợi gì, cô vừa lao sang đường vừa tri hô "cướp, cướp". Bị phát hiện, tên trộm dùng hung khí dọa đâm nhưng cô không nao núng. Bị truy đuổi gắt gao, tên này hoảng sợ bỏ xe chạy thoát thân. "Phụ nữ vốn chân yếu tay mềm nên tôi có chút lo sợ khi bị dọa đâm. Nhưng nghĩ đến hoàn cảnh của người dân khi bị mất tài sản, tôi cố gắng vượt qua nỗi sợ" - cô Hà bày tỏ.
Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Hóc Môn, nhận xét: "Bằng những hành động đầy tính nhân văn, cô Hà không chỉ giúp những mảnh đời bất hạnh vượt qua khó khăn mà còn đóng góp thiết thực cho cộng đồng. Cô là tấm gương sáng, là người truyền cảm hứng về lối sống nhân hậu, trách nhiệm không chỉ cho các em học sinh mà cả cho đội ngũ CNVC-LĐ".
Bình luận (0)