Nhiều ý kiến cho rằng khi chủ tịch CĐ cơ sở là quản lý được DN coi trọng thì đó là một lợi thế, nhất là khi CĐ muốn đề xuất hay thương lượng một vấn đề liên quan đến lợi ích của người lao động (NLĐ). Với tiếng nói của người quản lý, chủ tịch CĐ sẽ tác động được ít nhiều đến chủ DN. Tuy nhiên, nhiều người đặt vấn đề ngược lại, rằng nếu tranh chấp xảy ra, là quản lý, liệu họ có sẵn sàng đứng về phía NLĐ? Còn nếu chủ tịch CĐ xuất thân là công nhân (CN) trực tiếp sản xuất, yếm thế thì họ có mạnh dạn lên tiếng bảo vệ chính mình và tập thể NLĐ, có đủ bản lĩnh để thương lượng khiến chủ DN đồng tình?
Hết lòng vì công nhân nên bà Bùi Thị Xuân Huệ, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP May da xuất khẩu 30-4, luôn được công nhân quý mến Ảnh mang tính minh họa
Mới đây, lời giải của bài toán này đã được làm sáng tỏ một phần tại một hội thảo về quan hệ lao động do CĐ tổ chức. CN tại một DN cho biết chủ tịch CĐ nơi công ty họ cũng là một quản lý cao cấp (phó giám đốc). Ông cũng có hơn 20 năm kinh nghiệm làm chủ tịch CĐ. Không ít lần, lấy lý do tuổi đã cao và quá bận rộn với công việc chuyên môn nên ông xin rút, nhường lại vị trí của mình cho những gương mặt trẻ, có năng lực. Tuy nhiên, năm lần bảy lượt, ông vẫn được tập thể đoàn viên tín nhiệm bầu làm chủ tịch CĐ.
Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều CN cho biết họ bầu ông làm "thủ lĩnh" của mình vì ông là người có tâm và đáng tin cậy. "Những lúc DN gặp khó khăn, anh em CN rất lo tiền lương và chế độ phúc lợi bị cắt giảm. Thế nhưng, ở thế đứng mũi chịu sào, ông vẫn cố gắng thuyết phục DN bảo đảm chế độ tiền lương và các phúc lợi khác, giải tỏa nỗi lo của anh em CN" - nhiều CN cho biết. Mặt khác, bận rộn đến đâu, hằng ngày ông vẫn dành thời gian để trò chuyện, lắng nghe và kịp thời chia sẻ khó khăn với anh em CN. Chính tác phong hòa đồng và cái tâm trong sáng đã giúp ông trở thành chỗ dựa tin cậy của đoàn viên.
Rõ ràng, nếu biết cách tạo dựng niềm tin nơi đoàn viên thì dù là quản lý hay CN, người thủ lĩnh CĐ vẫn sẽ chiếm trọn tình cảm của những người mà mình đại diện.
Bình luận (0)