xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Níu giữ nghề xưa

Bài và ảnh: LÊ PHONG

Giữa TP HCM phồn hoa, nhộn nhịp vẫn còn nhiều người tâm huyết cố níu giữ những nghề truyền thống của cha ông từ hàng trăm năm trước.

1. Làng nghề Lò Gốm xưa kia là một vùng đất rộng lớn bao gồm làng Hòa Lục (quận 8), khu bến Phú Định - Phú Lâm (quận 6) và Phú Giáo (quận 11). Thuở hoàng kim, Lò Gốm có đến 60 cơ sở đua nhau sản xuất, ngày đêm xả khói mù mịt. Rạch Ruột Ngựa lúc nào cũng đông đúc ghe xuồng ra vào chở sản phẩm, nguyên liệu.

Thế nhưng hiện nay, Lò Gốm chỉ còn được nhắc đến với ý nghĩa là tên gọi một con kênh và một cây cầu bắc ngang, nằm ngay trục đường Võ Văn Kiệt. Mất nửa ngày, chúng tôi mới tìm ra được lò gốm Hưng Lợi - di tích lưu giữ những hiện vật cho thấy làng nghề này tồn tại hơn 300 năm. Song, lò gốm Hưng Lợi giờ chỉ là đống đổ nát. Nhìn từ bên ngoài, chúng tôi chỉ thấy cỏ dại um tùm vây kín một ụ đất đường kính khoảng 30 m, cao chừng 6 m, xung quanh có nhiều mảnh gốm vỡ.

Níu giữ nghề xưa - Ảnh 1.

Lò gốm của ông Năm Tiếp tại phường 16, quận 8, TP HCM

Bà Đỗ Thị Bích, ngụ gần di tích Hưng Lợi, cho biết không dễ tìm lại vết tích những lò gốm năm xưa. Gia đình bà từng 5 đời làm gốm nhưng mấy năm trước phải bỏ nghề, bán đất lấy tiền cho con cái làm ăn. Theo bà, hiện nay, cơ sở dưới chân cầu Rạch Cây, quận 8 của nghệ nhân Trần Văn Tiếp (Năm Tiếp) là lò gốm duy nhất còn sót lại.

Đến cơ sở sản xuất bếp than rộng hơn 2.000 m2 của ông Năm Tiếp, chúng tôi gặp 20 người thợ đang làm việc. Không ít người tóc đã bạc, tay chân run rẩy. Xung quanh lò gốm này, hàng loạt nhà cao tầng đã mọc lên.

Ông Năm Tiếp trăn trở: "Đất của gia đình tôi khá nhiều, các doanh nghiệp bất động sản đã năm lần bảy lượt đề nghị mua. Nếu bán đất gửi tiền vào ngân hàng lấy lãi thì chúng tôi có thể sinh sống thoải mái cả đời. Trong khi đó, nghề gốm ngày càng bết bát. Người dân giờ chỉ xài bếp điện, bếp gas, chẳng mấy ai dùng bếp than, nồi đất. Dù khó khăn trăm bề nhưng chúng tôi phải giữ nghề gia truyền".

Ông Năm Tiếp cho biết ở lò gốm của ông, nhiều người thợ đã sống cả đời với nghề này. Cũng như ông, họ cố gắng níu giữ một nghề mà cha ông để lại. "Lúc khó khăn, tôi đã tính chuyện bán mảnh đất này rồi ra ngoại thành mở cơ sở mới, số tiền còn lại gửi ngân hàng. Song, làng gốm 300 năm tuổi không lẽ bị xóa sạch? Phải giữ cho bằng được cái nghề mà cha ông đã trao truyền trên chính làng nghề Lò Gốm năm xưa" - ông quả quyết.

2. Cùng tâm trạng như ông Năm Tiếp, cụ Võ Minh Tiến - ngụ phường 8, quận Gò Vấp - luôn khắc khoải khi Làng hoa Gò Vấp đối mặt cảnh bị bức tử. Cụ Tiến cho biết 20-30 năm trước, đường Cây Trâm vào dịp cận Tết rất sầm uất. Phía sau dãy nhà ba gian, mái ngói âm dương rêu phong là mảnh đất rộng trồng đầy mai, quất, cúc. Nhưng giờ đây, dãy nhà 3-4 tầng mọc lên đã đẩy vườn hoa đi nơi khác.

"Làng hoa Gò Vấp từng là làng hoa lớn bậc nhất ở TP HCM. Nhắc tới Làng hoa Gò Vấp, nhiều người nghĩ đến Công viên Làng hoa nhưng không phải. Lúc trước, làng hoa chạy dọc tới cuối đường Lê Văn Thọ, ít ra là xung quanh giáo xứ Thạch Đà, cứ đến tháng chạp là cả khu vực sực nức hương hoa" - cụ Tiến nhớ lại.

Gia đình cụ Tiến đã 4 đời trồng hoa. Mấy năm trước, thấy người làm hoa lần lượt bán đất đi nơi khác ở, con cháu cụ đã nhiều lần gợi ý thu hẹp khu vườn để xây nhà cho thuê hay mở quán cà phê. Cụ Tiến đành bấm bụng bán đi một nửa mảnh vườn lấy tiền xây dãy nhà trọ.

Dẫn chúng tôi ra sau vườn, cụ Tiến thở dài cho biết những loại hoa Tết truyền thống như cúc, mai, vạn thọ… không trụ nổi khi nhiều giống hoa nhập về ngày càng nhiều. Thay vì lựa chọn gốc mai, chậu cúc… thì nay, nhiều người không ngần ngại mua ngay bình lan Hà Lan, hồng Mỹ, hoa lavender… về chưng Tết. Thương lái vắng bóng dần, nhà vườn cũng ngày càng chật vật khó khăn.

Bốn năm trước, một doanh nghiệp bất động sản đề nghị mua lại mảnh đất của gia đình cụ Tiến với số tiền 300 tỉ đồng kèm theo 2 căn hộ chung cư. "Con cháu thúc giục mãi nhưng nhớ lại làng hoa đã gắn trọn đời với mình, nghề này đã giúp mình nuôi sống gia đình, chăm lo được 6 đứa con nên tôi không thể nào từ bỏ. Tôi nguyện cầu với ông bà, đời này phải giữ cho được nghề hoa. Còn con cháu giờ học hành ra trường có việc làm ổn định, chắc khó níu giữ nghề này ở đời sau" - cụ Tiến ưu tư.

Níu giữ nghề xưa - Ảnh 2.

Các cơ sở ở làng lư đồng An Hội (quận Gò Vấp, TP HCM) nay hoạt động cầm chừng

3. Men theo đường Nguyễn Duy Cung, phường 12, quận Gò Vấp, chúng tôi tìm đến làng lư đồng An Hội. Đây là làng nghề hình thành từ cuối thế kỷ XIX, từng có đến 30 cơ sở hoạt động nhưng nay chỉ còn lại 4 cơ sở.

Ba năm trước, chúng tôi từng đến làng nghề này. Giờ đây, tiếng búa đập không còn ồn ã như trước. Cơ sở lư đồng mà chúng tôi từng chụp ảnh nay là một căn nhà phố cao 4 tầng. Hàng xóm cho biết ông chủ cơ sở lớn tuổi mà không có ai truyền nghề, buộc phải bán nhà bán đất chia tiền cho con cháu.

Chúng tôi thấy ấm lòng khi đến cơ sở của cụ Trần Văn Thắng (Hai Thắng) và chứng kiến cảnh sản xuất nhộn nhịp. Thế nhưng, cầm tờ báo trên tay, chỉ bức ảnh khu căn hộ chung cư cao tầng, cụ không giấu được vẻ trăn trở. "Người ta lên ở chung cư ngày càng nhiều. Căn hộ chung cư vốn nhỏ gọn, bàn thờ ít khi có bộ lư đồng. Còn nhà phố tuy rộng rãi nhưng nếu của người trẻ thì mấy ai lập bàn thờ… Vì vậy, lư đồng bây giờ bán chậm đi rất nhiều" - cụ băn khoăn.

Dù vậy, cụ Thắng vẫn khoe đã truyền được nghề cho hai người con. "Nhiều khả năng, nghề gia truyền này sẽ tiếp tục tồn tại trong gia đình" - cụ tin tưởng.

4. Hiện nay, TP HCM vẫn còn khá nhiều làng nghề truyền thống: Làng bánh tráng Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi), làng lồng đèn Phú Bình (quận 11), làng nem (quận Thủ Đức), làng dệt Bảy Hiền (quận Tân Bình)… Dù cùng chung tâm trạng âu lo không biết làng tồn tại đến lúc nào nhưng những người làm nghề đều quyết níu giữ.

Theo kiến trúc sư - chuyên gia đô thị Trần Vĩnh Nam, nếu TP HCM bảo tồn, phát huy những làng nghề truyền thống và giữ được nét văn hóa đặc sắc thì sẽ thu hút thêm nhiều du khách. "Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản dù phát triển đến mức nào thì họ vẫn giữ lại các làng nghề để phục vụ du lịch. TP HCM có hàng chục làng nghề ở nhiều nơi. Tại sao không biến những làng nghề ấy thành nơi để du khách tham quan và mua sắm sản phẩm?" - ông Nam đặt vấn đề.

Trong khi đó, ông Vũ Minh Ngọc, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Việt An, cho biết công ty ông đã tổ chức tour nội thành TP HCM và nhiều du khách rất thích thú khi tiếp cận các hoạt động văn hóa, ẩm thực, công trình cổ ở Chợ Lớn. Theo ông, nếu thành phố phục hồi các làng nghề thì sẽ góp phần giúp các tour du lịch hấp dẫn hơn.

"Du khách đi tour khám phá miền Tây 1 ngày tại Bến Tre và Tiền Giang thường thì 15 giờ đã có mặt ở TP HCM. Vậy nhưng, thật khó tìm ra điểm du lịch tại cửa ngõ phía Tây TP để họ tham quan. Việc biến Lò Gốm hay các làng nghề ở Gò Vấp, Củ Chi thành nơi tham quan, tìm hiểu văn hóa sẽ rất hấp dẫn đối với du khách" - ông gợi ý.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo