Phóng viên: Với việc thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt của cơ quan chức năng, tình hình nợ BHXH, BHYT và BHTN có giảm hay không?
- Ông Cao Văn Sang:
Trong quý I/2017, tình hình nợ BHXH, BHYT, BHTN tuy có giảm so với cùng kỳ năm 2016 nhưng vẫn còn khá cao. Đến hết quý I/2017, số nợ của 3 khoản bảo hiểm nêu trên tại TP HCM là hơn 2.637 tỉ đồng, giảm 25,72% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy số tiền nợ vẫn còn cao nhưng đã có dấu hiệu tích cực và đáng mừng trước xu thế giảm mức nợ.
Theo ông, đâu là nguyên nhân của sự chuyển biến tích cực này?
- BHXH TP luôn nỗ lực trong công tác thu hồi nợ. Bên cạnh đó còn có sự hỗ trợ của các sở, ngành và UBND quận, huyện trong việc đôn đốc, kiểm tra, xử phạt… Theo tôi, mức phạt chậm nộp theo Luật BHXH và BHYT đã tác động tích cực và hiệu quả đến nhận thức của các chủ doanh nghiệp (DN). Trước đây, nhận thức chung của mọi người, trong đó có chủ DN, là chiếm dụng quỹ BHXH sẽ có lợi cho DN. Tuy nhiên, từ năm 2016 trở đi khi mức phạt lãi chậm nộp cao thì nhận thức đó không còn đúng nữa.
Người lao động làm thủ tục tại cơ quan BHXH TP HCM. ẢNH: TRƯỜNG HOÀNG
Cụ thể mức phạt như thế nào?
- Theo quy định của pháp luật hiện hành, nợ BHXH sẽ bị phạt theo mức lãi gấp đôi lãi suất đầu tư quỹ BHXH của năm trước. Theo thông báo của BHXH Việt Nam, lãi suất đầu tư năm 2016 của Quỹ BHXH là 7,9%. Như vậy, nếu để nợ BHXH sẽ phải chịu mức lãi (trong năm 2017) là 15,8%/năm. Đây là mức lãi rất cao so với lãi vay từ ngân hàng (bình quân khoảng 8%/năm). Có thể khẳng định, chiếm dụng quỹ BHXH sẽ thiệt hại nặng nề về mặt tài chính so với nộp ngay; thậm chí nếu vay ngân hàng để nộp BHXH vẫn có lợi hơn là để bị phạt lãi suất khi chậm nộp. Xin nêu một ví dụ cụ thể: Tập đoàn Mai Linh để nợ 120 tỉ đồng thì năm 2017 sẽ bị lãi phạt chậm nộp tương đương 18,96 tỉ đồng/năm. Số tiền này sẽ cộng vào thành tổng nợ để tiếp tục chịu lãi (cao) sau đó.
Tiếp tục nhắc nợ
Lý giải về còn số nợ BHXH hơn 2.637 tỉ đồng, ông Sang cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do nợ của các năm trước để lại (nhiều DN thực sự gặp khó khăn nên dù biết để nợ không có lợi nhưng vẫn không nộp được) và nhiều chủ DN không biết có sự thay đổi về việc lãi suất chậm nộp tăng cao. “Chúng tôi sẽ tiếp tục thông báo bằng nhiều kênh khác nhau, thậm chí thu thập số điện thoại của chủ DN để gửi tin nhắn trực tiếp. Hy vọng những thông tin này đến được với chủ DN để thực hiện có lợi nhất cho DN và người lao động” - ông Sang nói.
Bình luận (0)