Lướt qua thực đơn bữa ăn giữa ca trên bảng điện tử ở nhà ăn, anh Nguyễn Hồng Nhân, công nhân (CN) Công ty TNHH Quốc tế Unilever (KCN Tây Bắc Củ Chi, huyện Củ Chi, TP HCM) đã chọn 2 món cá hú kho và thịt kho măng. Ngoài 2 món mặn, phần ăn của anh Nhân còn có cải thìa luộc, rau sống, canh mướp nấu cùng rau dền kèm dưa hấu tráng miệng. Bữa ăn giữa ca tại Công ty TNHH Quốc tế Unilever có giá 30.000 đồng, với đầy đủ món mặn, xào, canh, cá, thịt và tráng miệng.
Ăn ngon, an toàn
Ngoài 5 món mặn mỗi ngày, bếp ăn của công ty còn thường xuyên có các món khác như bún riêu, cơm tấm, hủ tiếu, bún bò Huế… Đặc biệt, mỗi món ăn đều có ghi chú lượng Kcal để CN cân nhắc. Anh Mai Chiến Kiển, nhân viên Công ty TNHH Sodexo Việt Nam (cung cấp suất ăn công nghiệp), bếp trưởng Công ty TNHH Quốc tế Unilever, cho biết mỗi tháng nhà bếp sẽ lên thực đơn và gửi công ty.
Các món ăn trong thực đơn không trùng nhau để CN đỡ ngán. "Không chỉ điều chỉnh thực đơn hằng ngày, nhà bếp còn chú trọng cách chế biến, trình bày cho bữa ăn ngon, bắt mắt. Bếp trưởng phải cân đối lượng thịt, cá, rau, trái cây… trong mỗi bữa ăn phù hợp nhất. Nguồn thực phẩm được mua từ các nhà cung cấp có uy tín" - anh Kiển cho hay. Việc được ăn ngon trong phòng ăn thoáng mát, sạch sẽ với nhiều cây xanh khiến CN rất phấn khởi.
Tại Công ty TNHH Điện cơ Solen (KCX Tân Thuận, quận 7), bữa ăn giữa ca của CN có giá 25.000 đồng/suất. Ngoài 4 món mặn cho CN lựa chọn, bữa ăn còn có canh, rau xào và tráng miệng. CN không ăn cơm trưa có thể chọn phần mì và sữa mang về nhà. Bà Vũ Thị Hồng Thắm, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện cơ Solen, cho biết nếu không vừa ý với chất lượng bữa ăn, CN có thể gửi ý kiến đóng góp ngay trên nhóm Zalo, Facebook của Công đoàn cơ sở. Ý kiến sẽ được Công đoàn cơ sở gửi đến nhà bếp để điều chỉnh ngay ngày hôm sau. Định kỳ, mỗi tháng, Công đoàn và nhà ăn đều có 1 buổi họp để đánh giá chất lượng bữa ăn giữa ca và điều chỉnh thực đơn phù hợp.
Anh Nguyễn Thành Trung, CN công ty nhận xét: "Bữa ăn giữa ca ở công ty luôn nóng sốt, ngon và an toàn. Vì thế, tôi và anh chị em rất an tâm". Không chỉ ăn trưa, nhiều năm qua, toàn bộ CN tại công ty còn được hỗ trợ bữa ăn sáng với giá 20.000 đồng/bữa.
Nhân viên bếp Công ty CP Garmex Sài Gòn chuẩn bị bữa ăn trưa cho công nhân. Ảnh: THANH NGA
Sức khỏe công nhân trên hết
Làm sao để CN được thưởng thức bữa ăn ngon trong không gian thoải mái là mục tiêu Công ty CP Garmex Sài Gòn (quận Gò Vấp) hướng đến.
Tại mỗi nhà máy, ban giám đốc đều xây dựng bếp ăn tập thể với đội ngũ nhân viên gồm 16 người. Ngoài khu vực dành cho số đông, công ty còn bố trí chỗ ăn riêng ngay tại tầng trệt cho nữ CN mang thai và lao động khuyết tật để họ không phải đi lại vất vả. Thực đơn hằng tuần được niêm yết công khai từ đầu tuần ngay trước cửa nhà ăn để CN biết và góp ý. Mỗi bữa ăn sẽ bao gồm 2 món mặn để CN lựa chọn, món canh, món xào. Trường hợp có nhu cầu ăn chay chỉ cần đăng ký sẽ được bếp phục vụ.
Bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc, Chủ tịch CĐ công ty, cho biết suất ăn trưa tại công ty có giá 19.000 đồng bao gồm tiền gạo, gas, gia vị và nguyên liệu nấu ăn. Chi phí điện và tiền lương của nhân viên bếp được DN chi trả riêng nên giá trị của suất ăn thực tế trên 20.000 đồng/suất. Vì vậy mà suất ăn luôn bảo đảm cung cấp đủ dinh dưỡng cho CN suốt một ngày làm việc. Hằng tháng, Công đoàn phát phiếu đánh giá chất lượng bữa giữa ăn cho CN để từ đó trao đổi với nhà bếp điều chỉnh.
Để tăng thêm sức đề kháng cho NLĐ trong các đợt nắng nóng, Công đoàn cung cấp thêm trà đường, nước cam, nước sâm hoặc viên sủi… miễn phí cho CN. "Căn cứ vào tình hình giá cả thực phẩm, Công đoàn và ban giám đốc sẽ xem xét nâng cao giá trị suất ăn giữa ca cho NLĐ. Mục tiêu của DN là bữa ăn phải đủ chất để NLĐ có đủ sức khỏe để làm việc và luôn cảm thấy hài lòng về nơi làm việc" - bà Ngọc nhấn mạnh.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào Công ty TNHH Xây dựng công trình Hùng Vương (quận 10, TP HCM) đều xác định vẫn duy trì các phúc lợi cho NLĐ, nhất là bữa ăn giữa ca liên tục được điều chỉnh theo giá cả thị trường để NLĐ có bữa ăn ngon. Hiện mỗi suất ăn tại DN là 30.000 đồng và được chế biến tại bếp ăn tập thể tại mỗi nhà máy. Thực đơn phong phú với món mặn, món canh, xào và tráng miệng, các món ăn không trùng lặp trong tuần để tạo cảm giác ngon miệng cho NLĐ.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết trong những thời điểm khó khăn như giai đoạn dịch bệnh, việc mua thực phẩm bị hạn chế, DN còn bố trí hẳn khu vực nuôi trồng các loại gia cầm và rau củ quả để cung cấp thêm nguyên liệu cho bếp ăn.
Khuyến khích doanh nghiệp cải thiện bữa ăn giữa ca
Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa ban hành kế hoạch về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 7c/NQ-BCH năm 2016 về "Chất lượng bữa ăn giữa ca của NLĐ". Theo đó, các cấp Công đoàn cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động, cán bộ Công đoàn và các đối tác liên quan về tầm quan trọng, vai trò, lợi ích mang lại cho các bên khi thực hiện nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca cho NLĐ; xây dựng và chia sẻ mô hình DN thực hiện tốt bữa ăn giữa ca cho NLĐ. Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn cần đẩy mạnh đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể có nội dung về bữa ăn ca với giá trị thấp nhất 20.000 - 25.000 đồng/suất trở lên (đối với các DN thuộc vùng I, vùng II) và 18.000 - 22.000 đồng/suất trở lên (các DN thuộc vùng III, vùng IV).
Ngoài ra, Công đoàn cần tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm và tổ chức bữa ăn ca theo quy định; tham gia nghiên cứu, đề xuất, ban hành định mức calo bảo đảm dinh dưỡng đối với bữa ăn ca nói chung và một số ngành nghề đông CN (như dệt may, da giày, thủy sản...) để làm căn cứ đối thoại, thương lượng và hỗ trợ bữa ăn ca cho NLĐ.
Bình luận (0)