Nghe tin nhân viên nào có ý định nghỉ việc, chị luôn cố gắng gặp mặt cho bằng được để hỏi thăm và tìm hiểu nguyên nhân. Nếu biết họ tìm được chỗ làm tốt với thu nhập ổn định hơn, chị sẽ chúc mừng; ngược lại sẽ tìm cách động viên họ tiếp tục gắn bó lâu dài với doanh nghiệp (DN). Chị là Hồ Thị Thôn Sương, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Công ty TNHH Thời trang và Xe đạp Martin 107 (quận 3, TP HCM).
Tạo dựng niềm tin
Tốt nghiệp trung cấp sư phạm vào năm 1976, đi dạy tiểu học được vài năm, chị nghỉ và chuyển sang làm nhân viên nhà nước rồi làm ở DN nước ngoài. Năm 2011, chị Hồ Thị Thôn Sương mới về Công ty TNHH Thời trang và Xe đạp Martin 107. “Thời điểm ấy, công ty vẫn chưa có CĐ vì ban giám đốc ngại nhân viên dựa vào CĐ để đòi hỏi quyền lợi. Chưa hết, công tác quản lý vật tư lỏng lẻo, gây thất thoát cho công ty hàng trăm triệu đồng trong khi nội quy lao động xây dựng hết sức hời hợt” - chị Sương nhớ lại.
Việc đầu tiên mà chị làm là hỗ trợ ban giám đốc chấn chỉnh công tác quản lý. Với kinh nghiệm tích lũy được sau nhiều năm làm việc ở DN có vốn nước ngoài, chị Sương mạnh dạn đề xuất ban giám đốc hoàn thiện quy trình quản lý vật tư, nguồn hàng; xây dựng nội quy lao động. Nhờ vậy, công tác điều hành quản lý sản xuất tại DN đi vào nền nếp, ý thức tuân thủ kỷ luật lao động của nhân viên cũng được cải thiện. Tinh thần xốc vác, dám nghĩ dám làm này của chị đã bước đầu gầy dựng niềm tin với ban giám đốc, tạo lợi thế không nhỏ cho việc vận động thành lập CĐ cơ sở.
Khắt khe với bản thân và sống hết mình với DN, không chỉ tạo niềm tin với ban giám đốc, chị Sương còn là chỗ dựa tin cậy của tập thể lao động. Những lần ghé thăm cửa hàng bày bán sản phẩm của công ty trên đường Võ Thị Sáu, chúng tôi cảm nhận rõ tình cảm tập thể nhân viên dành cho chị. Với họ, chị không chỉ là chủ tịch CĐ dễ mến mà còn là một người chị đáng kính. Có một nhân viên nam ban đầu làm việc chăm chỉ nhưng vì ham vui, la cà nhậu nhẹt, đã vay tiền hết người này đến người khác trong công ty. Biết chuyện, chị đã khuyên nhủ nhưng anh này vẫn không thay đổi. Bị điều xuống Bình Dương làm việc, anh này vẫn chứng nào tật đó. Trong một lần quá chén, anh nhân viên bị té xe phải nhập viện. Nghe tin, chị lặn lội hỏi thăm, phân tích thiệt hơn, giúp anh hiểu ra và về sau tích cực làm việc. Không chỉ riêng anh mà nhân viên nào cũng vậy, chị Sương đều đối xử bằng tình thương và sự chân thành. “Khó tính nhưng bao dung và tốt bụng, tính cách ở chị Sương đã thuyết phục anh em nhân viên” - anh Đỗ Hoài Bảo, nhân viên bán hàng, nhận xét:
Không chỉ sát cánh với đoàn viên, nữ chủ tịch CĐ ấy còn thể hiện rõ vai trò đồng hành với DN. Trong đợt tuần hành phản ứng Trung Quốc của CN ở Bình Dương vừa qua, kho hàng hơn 1.000 xe đạp của công ty bị cháy rụi, thiệt hại hơn 5 tỉ đồng. Đồng cảm với khó khăn ấy của DN, chị đã kêu gọi đoàn viên cùng chung tay với DN để vượt qua khó khăn bằng cách tiết giảm tối đa chi phí văn phòng phẩm, điện, nước…
Đột phá, sáng tạo
Làm việc trong ngành du lịch, đa số là nhân viên trẻ nên đòi hỏi hoạt động CĐ cũng phải năng động, sáng tạo, anh Lê Vũ Huy, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Thương mại Du lịch Liên Bang (quận 5, TP HCM), đã làm được điều này.
Ở Công ty Liên Bang, cơ chế đối thoại định kỳ giữa người lao động và ban giám đốc được thực hiện bài bản và người đóng vai trò nổi bật là chủ tịch CĐ cơ sở. Biết cách tập hợp ý kiến nhân viên, từ đó sàng lọc và đề xuất ban giám đốc giải đáp thỏa đáng, nỗ lực ấy của anh Huy không chỉ đã góp công không nhỏ trong việc bình ổn quan hệ lao động mà còn góp phần hỗ trợ DN phát triển ổn định. Thực tế, ở những lần đối thoại, nhiều sáng kiến, giải pháp mới được đoàn viên tích cực hiến kế, giúp DN thu hút khách hàng và tăng doanh thu. Chẳng hạn như tour Đà Nẵng (4 ngày 3 đêm) trước đây có giá 8,2 triệu đồng/người, nhân viên công ty đã vận động đối tác giảm giá còn 5.490.000 đồng/người. Sáng kiến này đã giúp công ty tăng 40% lượng khách hàng. Sâu sát với anh em và với kiến thức vững vàng, cùng ban chấp hành CĐ, anh Huy mạnh dạn đề xuất DN đưa vào thỏa ước nhiều điều khoản có lợi cho người lao động. Nhờ vậy, nữ nhân viên nghỉ thai sản được hỗ trợ thêm 2-3 tháng lương. “Dám nghĩ, dám làm, biết cách gắn kết nhân viên và DN, anh Lê Vũ Huy chính là chỗ dựa tin cậy của đoàn viên” - chị Trần Hoàng Thùy Linh, nhân viên, nhận xét.
“Biết hướng hoạt động vì lợi ích của đoàn viên lẫn DN, sự nhạy bén ấy ở đội ngũ cán bộ CĐ giúp người sử dụng lao động và người lao động hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò của tổ chức CĐ” - ông Lương Văn Hồng, Chủ tịch LĐLĐ quận 3, TP HCM, nhìn nhận.
Bình luận (0)