Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là sự bùng phát tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung vừa yêu cầu các đơn vị có liên quan xây dựng chi tiết các kịch bản ứng phó và gửi về Bộ trong chiều hôm nay, 24-2.
Cụ thể, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với Trung tâm lao động ngoài nước và các cơ quan liên quan xây dựng kịch bản ứng phó chi tiết, nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của người lao động tại các thị trường ngoài nước, đặc biệt là các thị trường có số lượng lớn lao động Việt Nam làm việc như Hàn Quốc, Nhật Bản, trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.
Theo đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước cần rà soát, thống kê cụ thể số lượng lao động đang làm việc tại các thị trường chi tiết tới từng địa phương, khu vực. Đồng thời, nêu các phương án hỗ trợ người lao động tại nước ngoài, hỗ trợ người lao động về nước; cách ly, chữa bệnh khi người lao động về nước (phương án theo quy mô lao động, như dưới 1.000 người, từ 1.000 - 5.000 người, từ 5.000 - 20.000 người…).
Trong từng phương án, cần nêu cụ thể các giải pháp để thực hiện như nguồn kinh phí, nhân lực thực hiện, phương tiện, điều kiện đảm bảo… Các giải pháp về ngoại giao, trao đổi thông tin với cơ quan quản lý nước tiếp nhận lao động. Các giải pháp về tuyên truyền cho người lao động; giải pháp ngăn ngừa các phản ứng tiêu cực của người lao động…
Cùng với đó, các phương án trong trường hợp các thị trường khác ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc. Đặc biệt, triển khai ứng dụng kết nối, hỗ trợ khẩn cấp trên điện thoại cho người lao động Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản và các chương trình mà Trung tâm lao động ngoài nước đang triển khai.
Mọi phương án bảo hộ công dân đang được Bộ LĐ-TB&XH cùng Bộ Ngoại giao tích cực thực hiện
Đối với Cục Việc làm, Bộ trưởng yêu cầu xây dựng kịch bản ứng phó chi tiết nhằm quản lý lao động nước ngoài đến từ vùng dịch hay di chuyển qua các vùng dịch, đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Rà soát tổng thể, nắm tình hình toàn bộ lao động nước ngoài đã và đang làm việc tại Việt Nam (đặc biệt là lao động tại các nước dịch bệnh đang bùng phát mạnh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản). Thống kê cụ thể số lượng lao động, chuyên gia đang làm việc tại từng địa phương, đặc biệt là số lao động, chuyên gia sắp quay trở lại Việt Nam làm việc trong thời gian tới.
Đồng thời, nêu các phương án cách ly, chữa bệnh khi người lao động, chuyên gia vào Việt Nam làm việc (theo quy mô lao động, như dưới 100 người, từ 100 - 1.000 người, trên 2.000 người,…). Trong từng phương án, cần nêu cụ thể các giải pháp để thực hiện như nguồn kinh phí, nhân lực thực hiện, phương tiện, điều kiện đảm bảo…
Các phương án hỗ trợ doanh nghiệp trong trường hợp thiếu hụt lao động, chuyên gia nước ngoài. Các phương án cấp phép, tạm dừng cấp phép… đối với lao động nước ngoài trong các trường hợp dịch bệnh bùng phát ở nhiều cấp độ, nhiều quốc gia.
Cục Quan hệ lao động và tiền lương cần xây dựng các phương án hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương xử lý trong trường hợp người lao động đình công, ngừng việc tập thể liên quan tới dịch bệnh Covid-19. Đề xuất các phương án liên quan tới vấn đề chi trả tiền lương ngừng việc cho người lao động trong thời gian công bố dịch bệnh theo Bộ luật Lao động.
Vụ Bảo hiểm xã hội nghiên cứu, đề xuất các phương án chi trả chế độ ốm đau đối với người lao động bị cách ly...
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết hiện có trên 220.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản, trên 48.000 người lao động Việt Nam làm việc hợp pháp và khoảng 11.000 lao động người Việt làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc, quốc gia đang nâng mức cảnh báo cao nhất cho đại dịch.
Tại thời điểm này, khi 2 quốc gia là Nhật Bản và Hàn Quốc đang bùng phát về dịch bệnh, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã tiếp tục có chỉ đạo Ban quản lý lao động tại 2 nước này giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình lao động Việt Nam để có phương án ứng phó kịp thời.
"Đến thời điểm này, theo báo cáo của Ban quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc và Nhật Bản và các kênh ngoại giao, chúng tôi chưa ghi nhận có trường hợp người lao động Việt Nam nào ở Nhật Bản hay Hàn Quốc bị nhiễm Covid-19" - ông Nguyễn Gia Liêm thông tin.
Ông Liêm cho hay, Cục cũng đã bàn và lường trước những tình huống có thể xảy ra, xây dựng phương án xử lý. Tuy nhiên, các phương án còn cần báo cáo Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Ngoại giao thống nhất khi có tình huống xấu xảy ra.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, hiện Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, Nhật Bản cũng như Ban quản lý lao động Việt Nam tại 2 quốc gia này cũng đã mở đường dây nóng bảo hộ công dân, trực 24/24h, sẵn sàng tiến hành các biện pháp hỗ trợ và bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.
Bình luận (0)