Chia sẻ tại chương trình đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với công nhân tổ chức cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung cho biết cả nước có 55 triệu lao động, trong đó khoảng 20 triệu người có giao kết hợp đồng lao động, nhưng chỉ có 16 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, một tỉ lệ thấp.
Trong quý I và II-2022, có tình trạng một tỉ lệ nhất định người lao động rút BHXH 1 lần. Đây là điều không tốt, gây hệ lụy lâu dài cho người lao động khi nghỉ hưu. Trả lời trăn trở của công nhân về việc sửa đổi Luật BHXH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết Bộ LĐ-TB-XH chủ trì, hiện đã hoàn tất xong hồ sơ thủ tục với 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm và Quốc hội cho phép năm 2023 sẽ trình Quốc hội. Trong các nhóm này sẽ giảm dần thời gian đóng BHXH. "Trước đây, chúng ta quy định 20 năm. Dự thảo rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm, với tinh thần đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ít, trên tinh thần công bằng, chia sẻ - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết.
Xung quanh ý kiến này, nhiều bạn đọc Báo Người Lao Động đã bày tỏ chính kiến, cho rằng thiếu khả thi. Bạn đọc Thái Hòa bày tỏ: "Cái người lao động quan tâm không phải năm đóng bảo hiểm mà là giảm tuổi nghỉ hưu xuống cho hợp lý". Một bạn đọc tên Hân đề nghị: "Cốt lõi là giảm tuổi nghỉ hưu. Cho dù có đủ số năm đóng BHXH nhưng khi bị đuổi việc ở tuổi 50 thì lấy tiền đâu mà sống? Nếu xin việc làm ở tuổi 50 thì có doanh nghiệp nào nhận không? Cần phải phân biệt giữa lao động bên ngoài nhà nước và lao động công chức viên chức để qui định tuổi nghỉ hưu cho hợp lý". Tương tự, một bạn đọc giấu tên viết: "Cái quan trọng là khi người lao động tới tuổi nghỉ hưu, mặt dù đã có tham gia đóng BHXH sau khi nhận tiền hưu mà không rơi vào diện đạt chuẩn hộ nghèo do có thu nhập thấp".
Nhiều bạn đọc khác cho rằng BHXH là tiền công sức lao động của những người lao động thì họ phải có quyền quyết định... Hãy để cho NLĐ tự quyết về việc lãnh lương hưu hay rút BHXH 1 lần. Bạn đọc Nguyễn Thị Lan thẳng thắn: "Nếu giảm xuống 15 năm đóng BHXH thì tôi làm 14 năm rồi nghỉ việc để lãnh BHXH 1 lần còn nếu giảm xuống 10 năm thì tôi đóng 9 năm rồi nghỉ việc để lãnh BHXH 1 lần. Vì tôi không thể đợi đến tuổi nghỉ hưu vì tuổi nghỉ hưu cao quá".
Theo bạn đọc Lê Xuân Tuân bày tỏ: "Giảm tuổi nghỉ hưu thì không giảm. Giảm thời gian đóng bảo hiểm với mục đích đã đóng bảo hiểm đến 15 năm thì không được rút bảo hiểm.... Thế thì người bảo hiểm sẽ rút bảo hiểm lúc 14 năm 11 tháng". Bạn đọc tên Liêm hài hước: "Giảm dần thời gian đóng BHXH nhưng không giảm độ tuổi nghỉ hưu thì nghỉ hưu bằng cách nào nhỉ?". Một bạn đọc giấu tên viết: "Rút ngắn tuổi lĩnh lương hưu mới là quan trọng, còn rút ngắn thời gian đóng không quan trọng lắm, thời gian đóng ngắn nhưng thời gian chờ để được hưởng lương hưu quá dài và trong thời gian chờ đợi đó phải đóng tiếp duy trì còn không đóng cắt ngang thì mỗi năm bị trừ 2% mà người lao động mất việc không có thu nhập ăn còn không có tiền thì tiền đâu mà đóng BHXH. đóng được 10 năm có 45% mà nghỉ trước 20 năm tới tuổi hưu thì còn lĩnh được 5%. Ai chờ".
Bạn đọc Trần Bình góp ý: "Tại sao không nghiên cứu, đưa ra tỉ lệ về số năm hưởng lương hưu phụ thuộc vào số năm đóng bảo hiểm, sau khi hết thời gian này người lao động chỉ hưởng trợ cấp với tỷ lệ thấp hơn, như vậy, mức lương hưu sẽ phụ thuộc vào số năm đóng bảo hiểm đóng lâu thì hưởng cao và thời gian dài hơn". Một bạn đọc Tuấn đề xuất: "Cần điều chỉnh lại tuổi nghỉ hưu. Nếu là nam đóng BHXH bắt buộc liên tục 20 năm mà tuổi đời 55 tuổi có nguyện vọng nghĩ hưu thì được nghỉ hưu! đối với nữ cũng vậy".
Bạn đọc Công Nguyên đề nghị: "Bộ lao động thương binh xã hội nên sửa chính sách lao động tiền lương ,cách tính lương hưu hợp lí ,công bằng sòng phẳng ngay và liền, nếu không NLĐ vẫn tiếp tục rút tiền BHXH một lần, sẽ gây hệ lụy sau này người già sẽ không có thu nhập, an sinh xã hội thêm gánh nặng cho nhà nước".
Bình luận (0)