Xung quanh chủ đề về thực trạng rút BHXH một lần, Báo NLĐO tiếp tục có bài viết "Ồ ạt rút BHXH một lần: Khó sống với lương hưu". Chúng tôi tiếp tục nhận được những phản hồi đa chiều, xác đáng của độc giả xoay quanh những bất cập của Luật BHXH hiện hành. Trong đó, nổi cộm vẫn là độ tuổi nghỉ hưu, thời gian đóng BHXH và cách tính lương hương. Qua đó, nhiều độc giả bày tỏ mong muốn Quốc hội cần sớm nghiên cứu, sửa đổi Luật BHXH để chính sách an sinh đi đúng hướng, tạo sự an tâm cho người thụ hưởng.
Bạn đọc Thanh Hội ngán ngẫm: "Lương hưu giờ chưa đủ mức tối thiểu 1 ngày một cữ cà phê thì sao gọi là an sinh? Còn theo bạn đọc Tư Saigon, cách tính lương hưu hiện hành phân biệt trong và ngoài cơ quan nhà nước là vô lý. "Lương hưu đóng 20 năm chỉ lĩnh 2,6 triệu, không bằng mức lương tối thiểu vùng, có ai nghỉ hưu mà có tiền đi du lịch không? "Con cái muốn được hưởng trừ giảm đóng thuế thu nhập cũng không được vì cha mẹ có lĩnh lương hưu, chán quá nên người lao động rút 1 lần là phải" – bạn đọc Tư Saigon này bày tỏ.
Mức lương hưu của người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu được hưởng còn thấp không đảm bảo mức sống cho họ
Một bạn đọc giấu tên bức xúc: "Đóng 30 năm hưởng 75%, đóng 35 năm hưởng 75%, đóng 36 năm hưởng 75%, đóng 37 năm cũng 75%. Tại sao như vậy? 100% các khoản ngoài lương chưa đủ sống, nghỉ hưu lĩnh cao nhất 75% lương cơ bản. Sống sao được mà không rút 1 lần? Bạn đọc Hoàng Phước Đại đặt câu hỏi: "Lương đi làm không đủ nuôi thân. Bây giờ nghỉ hưu sớm, giả sử chờ đến 56 tuổi đi. Mỗi năm nghỉ sớm trừ 2 %, nghỉ sớm năm trừ 10%. Vậy lương hưu bị trừ quá dữ dội rồi có còn đồng nào không? Bạn đọc Song Nguyễn thì quả quyết: "Đến 45 tuổi nên rút bảo hiểm xã hội một lần để có khoản tiết kiệm hoặc mua vàng chứ đợi thêm 17 năm nữa thì không biết có sống đến đó không nữa". Bạn đọc tên Nhật khẳng định: "Là người lao động ngoài khu vực ngoài quốc doanh, tôi khẳng định luôn là không sống nổi với lương hưu".
Làm rõ hơn vấn đề này, bạn đọc Nguyễn Văn Trực bày tỏ: "Vì sao NLĐ ồ ạt rút BHXH một lần? Vì NLĐ biết sắp tới BHX giảm số năm đóng để được hưởng hưu từ 20 năm xuống 15 năm! Vì sao lại thế? Vì BHXH đã có một chính sách vô lý là người đóng càng nhiều thì hưởng lương càng ít. (theo quy định hiện hành nữ đóng 15 năm, nam đóng 20 năm thì được hưởng 45%. Như vậy trung bình một năm đóng hưởng 3% trong khi những năm tiếp theo chỉ hưởng 2% chưa nói tính bình quân cả thời gian đóng thì rõ ràng người đóng càng nhiều càng thiệt). BHXH cần thiết kế sao cho NLĐ đóng càng nhiều càng có lợi thì không ai dại gì đi rút cả! Cùng góc nhìn, bạn đọc Lâm Xuân Mai viết: "Cần xem xét cách tính lương hưu của người lao động ở doanh nghiệp. Mức lương hưu của người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu được hưởng còn thấp không đảm bảo mức sống cho họ".
Góp ý thêm, bạn độc tên Liêm cho rằng với cách tính bình quân/cào bằng như hiện nay thì thời gian đóng BHXH càng nhiều thì lương hưu được hưởng càng ít. Bạn đọc này mong muốn Quốc hội sửa đổi Luật BHXH càng sớm càng tốt để bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ. Theo bạn đọc Đường Văn Lương, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu, nên áp dụng cho những ngành nghề mang tính văn phòng, hành chính, nghiên cứu khoa học... Người lao động trực tiếp, lao động nặng nhọc...thì giải quyết cho họ nghỉ hưu sớm. Nhà nước phải có chính sách, phúc lợi, trợ cấp xã hội trợ giúp, bù lỗ cho người lao động nặng nhọc, khi nghỉ hưu họ đủ sống
Bạn đọc tên Son đề xuất: "Quốc hội cần sửa Luật BHXH theo hướng không bị trừ 2% khi đã đóng đủ 15 năm (được hưởng chỉ 45%) nếu chưa đủ tuổi hưu. Đây là quy định bất hợp lý nhất từ trước tới nay của BHXH VN. Tương tự, bạn đọc Vũ Đức Bộ góp ý: "Quốc hội cần xem xét và điều chỉnh lại tuổi nghỉ hưu, thời gian đóng BHXH cho phù hợp với thực tế của người lao động. Chính sách có ưu việt thì người lao động họ tự nguyện ở lại thôi và không được trừ 2% nếu họ nghỉ trước tuổi, trừ là phi lý vì đó là quyền lợi của họ, tiền của đóng vào đó chứ ko xin ai cả.
Đồng thuận với cách đặt vấn đề của Báo Người Lao Động, bạn đọc Lương Hồng Tâm cho rằng nên rút ngắn tuổi nghỉ hưu. "Có thể căn cứ số năm đóng BHXH, nếu đủ (nam: 30 năm, nữ 25 năm) là được nghỉ hưu và nhận đủ 100% lương hưu" – bạn đọc này góp ý. Tương tự, theo bạn đọc Trần Văn Tâm, lao động ngoài 40 tuổi các doanh nghiệp đã muốn sa thải rồi kể cả các doanh nghiệp nhà nước. Do vậy, phải giảm tuổi nghỉ hưu xuống 45 tuổi, giảm số năm đóng xuống 15 năm, sẽ thực hiện được mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân".
Quốc hội cần xem xét và điều chỉnh lại tuổi nghỉ hưu, thời gian đóng BHXH cho phù hợp với thực tế đời sống người lao động
Theo bạn đọc Nguyễn Thị Thu, nếu tăng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội, giảm tuổi nghỉ hưu xuống 45 tuổi, giảm năm đóng bảo hiểm xuống 15 năm thì không ai đi rút 1 lần. Theo bạn đọc này, ở các doanh nghiệp lao động ngoài 40 tuổi đã bị coi là già và cho thải rồi, bảo hiểm thì cứng nhắc 62 tuổi mới cho nghỉ hưu, trong khi đó doanh nghiệp lại muốn thải hồi, người lao động đứng giữa ngã 3 đường. "Sửa chính sách rất đơn giản, dịch vụ bảo hiểm tốt sẽ có nhiều người tham gia, lao động rút ồ ạt bảo hiểm là do cách tính bất cập của bảo hiểm cần sửa ngay thì lao động sẽ không bao giờ rút 1 lần, cho về hưu sớm để thay thế lao động trẻ vào các doanh nghiệp mới phát triển được, đất nước nới phát triển được, chứ doanh nghiệp toàn người già thì năng suất lao động sẽ thấp" - bạn đọc Nguyễn Thị Thu khẳng định.
Bình luận (0)