Tiếp tục chủ đề "Ồ ạt rút BHXH một lần", Báo Người Lao Động tiếp tục nhận được những phản hồi khá tích cực của độc giả xoay quanh những bất cập của Luật BHXH hiện hành. Theo nhiều độc giả, các bài viết trên Báo NLĐO đã phân tích khá đầy đủ, chính xác thực trạng nhân lực lao động đang chịu tác động bởi chính sách BHXH. Do vậy, Quốc hội cần sớm nghiên cứu, sửa đổi luật này để củng cố niềm tin của NLĐ vào hệ thống an sinh xã hội.
Bạn đọc Đường Văn Lương đặt câu hỏi "Tại sao người lao động lại xin rút bảo hiểm một lần nhiều thế? Có lẽ chính sách đóng bảo hiểm, tuổi nghỉ hưu đặt ra chưa ổn. Mức hưởng lợi từ phúc lợi xã hội cho đến lúc nghỉ hưu theo quy định quá dài, khi họ được nghỉ hưu, tiền lương hưu cũng không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống (trượt giá), cho nên cần xem xét lại.
Cùng góc nhìn, một bạn đọc giấu tên phân tích: "Nguyên tắc đóng ít hưởng ít đóng nhiều hưởng nhiều. Tỉ lệ % hưởng sẽ tương ứng với số năm đóng đá được áp từ khi có Luật BHXH, nay sau khi sửa đổi Luật BHXH người lao động ồ ạt rút BHXH một lần thì đã rõ chính sách BHXH sửa đổi có lợi hay không cho người đóng BHXH và cần phân tích, cân nhắc rõ ràng các sửa đổi có phù hợp thực tế không hay làm thất bại an sinh xã hội".
Quốc hội cần sớm nghiên cứu, sửa đổi luật này để củng cố niềm tin của người lao động vào hệ thống an sinh xã hội ẢNH: HOÀNG TRIỀU
Theo bạn đọc Đinh Xuân Bình, việc tăng tuổi hưu trước khi sửa luật hầu hết ý kiến của NLĐ và doanh nghiệp không đồng ý. Do vậy, cơ quan soạn thảo luật cần phải lắng nghe ý kiến của người lao động chứ đừng vì ý kiến của một bộ phận nhỏ nào đó mà đưa ra luật là không thực tiễn. Bạn đọc Hoàng Phước Đại bộc lộ sự ngán ngẫm: "Lương đi làm không đủ nuôi thân, đã vậy nghỉ hưu sớm còn bị trừ 2% mỗi năm, hết sức vô lý. Bạn đọc Lê Kiên thì gay gắt: "Tại sao không cho NLĐ hưởng 100% lương mà là 75%. Cách tính lương bình quân khi nghỉ hưu bất hợp lý giữa NLĐ nhà nước và ngoài nhà nước, cụ thể bên nhà nước thì lấy mức lương bình quân đóng BHXH 05 cuối; còn ngoài quốc doanh thì lấy tổng số tiền đóng BHXH chia cho tổng số tháng tham gia BHXH, như vậy thì tháng đầu tiên cách tháng cuối cùng mấy chục năm. "Theo cách tính này thì tôi nhẩm khi nghỉ hưu chắc được lĩnh khoản 3 triệu đồng /tháng, bởi tháng đầu tiên tham gia chỉ 750.000 đồng năm 1994. Tôi cũng định rút 1 lần nhưng do vướng mắc vì tôi đã đóng BHXH trên 20 năm nhưng tuổi thì phải đợi đến 10 năm nữa, mới được nghỉ hưu thật buồn" –bạn đọc này nói.
Đời sống của đại bộ phận người lao động hiện nay hết sức khó khăn ẢNH: HUỲNH NHƯ
Đáng lo hơn khi một bạn đọc tên Thừa đưa ra cảnh báo: "Thực tế NLĐ ồ ạt rút BHXH ko phải do số năm tối thiểu hưởng lương hương quá lâu (20 năm) mà do có đề xuất rút ngắn số năm hưởng lương hưu xuống 15 năm. Như 1 công ty ở KCN sóng thần có quy mô hơn 6.000 công nhân. Những công nhân có thâm niên 14 năm lo sợ đủ 15 năm sẽ bị bắt buộc hưởng hưu nên họ thôi việc ngay khi vừa đủ 14 năm, rồi ra ngoài công ty tư nhân nhỏ ko có tham gia bảo hiểm để đi làm. Nguyên nhân đang hưởng hưu mà chẳng may qua đời, NLĐ ngoài nhận được 10 tháng lương cơ sở (hiện nay tương đương 14.900.000) họ sẽ mất luôn lương hưu. "Xui xui đang khỏe mạnh, đang hưởng được chút ít lương hưu, đùng phát dịch bệnh như covid - 19 ghé thăm, coi như NLĐ còn cái nịt. Vậy nên, muốn NLĐ không ồ ạt rút BHXH 1 lần, thì hãy ra ngay thông báo bác bỏ đề xuất hưởng hưu 15 năm, hoặc 15 năm vẫn được tính hưu nhưng không bắt buộc" – bạn đọc này góp ý.
Góp ý hoàn thiện chính sách, theo bạn đọc Lê Thị Thoa, nên quy định đóng bao nhiêu năm thì được hưởng lương hưu thay vì quy định tuổi. Vì nhiều người còn không sống đến tuổi nghỉ hưu. Tương tự, bạn đọc tên Tuyên góp ý: "Theo tôi chúng ta nên quy định số năm đóng bảo hiểm để hưởng lương thay cho quy định đến tuổi hưởng lương". Còn theo bạn đọc Vũ Đức Bộ, cần xem xét và điều chỉnh lại tuổi nghỉ hưu, thời gian đóng BHXH cho phù hợp với thực tế của người lao động. Chính sách có ưu việt thì người lao động họ tự nguyện ở lại thôi và không được trừ 2% nếu họ nghỉ trước tuổi, trừ là phi lý vì đó là quyền lợi của họ, tiền của đóng vào đó chứ không xin ai cả".
Hãy nghĩ cho người lao động chân tay
"Tôi đang làm cho 1 doanh nghiệp được hơn 10 năm, công việc càng ngày càng áp lực, nếu phải nghỉ việc tôi cũng phải rút BHXH, vì tuổi tôi cũng gần 50 rồi. Nếu theo vài năm thì được, chứ còn đợi 58 tuổi chắc tôi và nhiều người như tôi cũng được về với ông bà rồi, bảo hiểm hãy nghĩ cho người lao động chân tay" - bạn đọc Phạm Ngọc Thành, bày tỏ.
Bình luận (0)