Đề tài "Vì sao người lao động ồ ạt rút BHXH một lần" trên Báo NLĐ0O tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của đông đảo độc giả Báo Người Lao Động. Xung quanh vấn đề bất bình đẳng trong cách tính lương hưu mà chúng tôi đề cập, nhiều bạn đọc bày tỏ thái độ đồng tình và cho rằng cơ quan soạn thảo luật cần nhìn thẳng vào bản chất vấn đề để từ đó điều chỉnh chính sách cho phù hợp.
Bạn đọc Đinh Việt Hùng hào hứng: "Bài viết phản ánh đúng thực trạng vì sao số đông người lao động rút bảo hiểm một lần. Đề nghị giảm tuổi về hưu và công bằng trong cách tính nộp BHXH giữa NLĐ khu vực Nhà nước và NLĐ ngoài quốc doanh". Tương tự, bạn đọc Trần Minh Thảo bày tỏ: "Tôi rất đồng tình với những gì báo phản ánh, cần công bằng cho người lao động". Bạn đọc Phong Trần viết: "Chỉ thấy mỗi báo NLĐ chỉ rõ ra những nguyên nhân chính xác tại sao đa số người lao động muốn rút BHXH 1 lần. Xin thưa với các nhà làm luật, người lao động bây giờ thông minh hơn xưa nên họ mới quyết định rút 1 lần. Bản thân tôi hiện nay công ty đóng BHXH với mức tối đa là 20 lần mức lương cơ sở nhưng với cơ chế chi trả bất hợp lý, cơ chế quản lý yếu kém của BHXH hiện nay thì tôi cũng sẽ canh rút 1 lần".
Bạn đọc Hồng Mạnh Long bức xúc: "BHXH là để bảo hiểm quyền lợi người lao động sau này nhưng thực tế ngày càng siết quyền lợi của người lao động. Đa số lao động phổ thông làm việc 20 25 năm đã bệnh yếu, lấy đâu sức khỏe mà tăng tuổi để hưởng hưu hay là 60 tuổi đã bệnh đủ thứ, lúc đó hưởng cái gì. tiền thì ít mà chi phí sinh hoạt tăng hàng ngày càng tăng .... Toàn là so sánh tuổi với nước ngoài nước người ta chế độ an sinh tốt, chăm sóc sức khỏe khỏi phải bàn .... thì đem ra so sánh bản thân tôi cũng muốn rút 1 lần cho yên tâm, khỏi phải ấm ức
Đề cập đến nghịch lý về tuổi nghỉ hưu, bạn đọc Huỳnh Đại Hùng bức xúc: " Nghịch lý là nữ đúng 50 tuổi đóng BHXH đủ 30 năm nhưng khi nghỉ việc vẫn không được lãnh lương hưu phải sống đến 60 tuổi mới được lãnh hưu. Thời buổi chất lượng sống giảm không biết có cơ hội lãnh lại tiền đã đóng 30 năm BHXH không? Trong 10 năm chờ đợi đó nếu thất nghiệp, bệnh đau không biết lấy gì để sống?". Phân tích thêm, bạn đọc Đức Biên cho rằng cơ quan soạn thảo luật không đi sát với thực tế người lao động hiện nay. Đa phần đều nói do Covid -19 người lao động không có tiền trang trải cuộc sống nhưng thực chất người lao động tiện thể trong lúc nghỉ không có việc làm họ rút một lần, vì không thể đợi đến tuổi nghỉ hưu được. "Cách tính hưởng BHXH hiện nay gây thiệt cho với người lao động vì không tính trượt giá của đồng tiền. Hơn nữa có thông tin Luật BHXH sẽ sửa theo hướng chốt bảo hiểm từ 20 năm xuống 15 năm. Cho dù họ có chốt 15 năm nhưng vẫn phải chờ đủ tuổi mới được lĩnh lương. Càng như vậy mấy năm tới người lao động khi đóng gần được 15 năm họ sẽ nghỉ để lấy một lần rất nhiều".
Đào Thị An góp: "Đề nghị lấy ý kiến NLĐ về tuổi nghỉ hưu. Theo cách tính là đóng nhiều thì hưởng nhiều, đóng ít thì hưởng ít". Bạn đọc Nguyễn Việt Anh đề xuất: "Nên giữ mức tuổi như cũ là nữ 55 tuổi, Nam 60 tuổi, theo tôi nên để như trước chỉ cần đủ năm đóng là giải quyết hưu trí nhiều lao động tuổi cao nhất là nữ cứ chờ đủ tuổi để về hưu sẽ dẫn tới chất lượng công việc không tốt, BHXH nên xem xét lại cách tính lương hưu để người lao động đỡ thiệt thòi.
Theo bạn đọc tên Tương, vấn đề là phải xem lại bảng tính hệ số trượt giá khi tính lương hưu, ví dụ năm 2008 mức lương tối thiểu vùng là 620.000 đồng trong khi đó tôi đóng BHXH với mức lương 2.400.000 đồng tức gấp 3.87 lần lương tối thiểu nhưng nếu áp dụng hệ số tính trượt giá theo TT 36/2021 áp dụng từ 1/1/2022 thì mức lương năm 2008 nhân với hệ số 2.01 sẽ ra mức lương là 4.824.000 đồng chỉ cao hơn mức lương tối thiểu vùng hiện nay là 1.09 lần.
Bạn đọc Ba Bình: "Đề nghị cơ quan BHXH cần điều chỉnh cách tính lương hưu và tuổi nghỉ hưu, nghỉ hưu trước tuổi cần đưa về như cũ để tránh thiệt thòi cho người lao động. Thực tế những người lao động trực tiếp làm tại các doanh nghiệp nam không thể làm đến 62 tuổi, nữ không thể làm đến 60 tuổi, đa số phải về hưu trước tuổi do điều kiện lao động vất vả, thu nhập không ổn định, tình trạng nợ lương, không đóng BHXH cho người lao động diễn ra ở nhiều doanh nghiệp mà không được giải quyết. Không ai muốn về hưu trước tuổi khi công việc đều và thu nhập ổn định, về sớm là trường hợp bất đắc dĩ, mà nay tăng tuổi, tăng tỷ lệ trừ thì quá thiệt thòi. Trong khi khối lương ngân sách nếu về sớm, dôi dư do sắp xếp lại lao động thì không bị trừ còn được hỗ trợ. Người lao động tại doanh nghiệp trông chờ nghỉ hưu quá xa vời nên họ buộc phải rút bảo hiểm một lần. Nên chăng việc tăng tuổi nghỉ hưu chỉ nên thực hiện ở khối hành chính sự nghiệp do môi trường lao động thuận lợi và ổn định hơn.
Bình luận (0)