Tiếp tục chủ đề về thực trạng rút BHXH một lần, Báo NLĐO tiếp tục có bài viết "Ồ ạt rút BHXH một lần: Giảm tuổi hưu, tăng mức hưởng" và nhận được sự đồng thuận của độc giả. Ngoài mổ xẻ những bất cập về độ tuổi nghỉ hưu, thời gian đóng BHXH và cách tính lương hương, độc giả cũng phản ánh một số ngành nghề lao động nặng nhọc, độc hại theo quy định của luật lao động và luật BHXH hiện nay đã khá cũ kỹ mang dáng dấp thời bao cấp, chưa bao quát tất cả ngành nghề. Nhiều độc giả mong muốn Quốc hội cần sớm nghiên cứu, sửa đổi Luật BHXH để chính sách an sinh đi đúng hướng.
Bàn về độ tuổi nghỉ hưu, bạn đọc Bùi Trung Văn phân tích: "Đa phần người lao động là lao động chân tay, công việc nặng nhọc và áp lực. Gần như không ai có thể duy trì công việc của mình đến khi đủ tuổi về hưu mà đa phần phải nghỉ trước tuổi. Vì vậy cần giảm tuổi nghỉ hưu chứ không phải giảm năm đóng BHXH để nhận lương hưu". Theo bạn đọc Minh Nguyễn, bất cứ loại bảo hiểm nào cũng phải có lợi cho người mua nó. Người nghỉ hưu khi sức khỏe yếu khi già, tức là hết sức lao động. Nên hiểu là đại đa số bị nghỉ việc, ở Việt Nam khoảng 55 tuổi. Và bảo hiểm hàng tháng được hưởng tối thiểu là đủ duy trì dinh dưỡng, thuốc men và chi phí cho nhu cầu tinh thần. "Tiền bảo hiểm hiện nay dưới 5 triệu là thất bại của BHXH và người nghỉ hưu" – bạn đọc này bày tỏ.
Những ngành nghề lao động nặng nhọc, độc hại theo quy định của luật lao động và luật BHXH hiện nay đã khá cũ kỹ mang dáng dấp thời bao cấp, chưa bao quát tất cả ngành nghề trong thời kỳ đổi mớ
Làm rõ hơn vấn đề này, bạn đọc Nguyễn Hải nêu ví dụ: "Tôi 59 tuổi, đóng BHXH 40 năm nếu tính lương hưu tại thời điểm này thì dưới 4 triệu đồng. Nếu tôi nghỉ thì phải chờ gần 3 năm mới được lãnh lương hưu, đi giám định thì sẽ trừ 6%, thử hỏi lương hưu còn bao nhiêu?". Tương tự, bạn đọc Huỳnh Quang Khải bày tỏ: "Đóng 32 năm nhận lương hưu 55% hay chờ 10 năm nhận 75% lương (đủ 60)? Hãy làm bài tính sẽ biết tại sao người lao đông muốn rút 1 lần". Một bạn đọc giấu tên hài hước: "Lương năm 2000 thì 500.000 đồng mua được 1 chỉ vàng, bây giờ 7 triệu đồng mua được một chỉ nhưng lương khi nghỉ hưu thì tính trung bình cộng lại dù có nhân hệ số nhưng cũng không phù hợp. Vì vậy mức lương người lao động nhận lương hưu thường thấp, chỉ nên căn cứ vào mức lương vài tháng trước khi nghỉ là phù hợp".
Theo bạn đọc Đà Giang, rút BHXH có thể do khủng hoảng niềm tin là chính. Vì tiền thì đóng thật, nhưng lương hưu lại phụ lĩnh theo chính sách ở thời điểm lĩnh. Còn theo bạn đọc Anh Thương, tuổi nghỉ hưu của người lao động phổ thông 60- 62 là không phù hợp. "Muốn người dân tham gia BHXH nên giảm tuổi nghỉ hưu cho đối tượng này thấp hơn, chỉ tăng với công, viên chức và những người làm việc văn phòng" – bạn đọc này góp ý.
Góp ý sửa đổi Luật BHXH, bạn đọc tên Tương cho rằng để giảm tình trạng trên, BHXH cần cải thiện một số vấn đề sau. Thứ nhất, giảm tuổi nghỉ hưu như cũ (Nam 60, Nữ 55). Thứ hai, bảng hệ số tính trượt giá quá thấp, nên xem lại. Thứ ba, căn cứ 10 năm cuối làm cơ sở để tính lương hưu, không tính cả quá trình đối với khối ngoài nhà nước. Thứ tư, có biện pháp để DN đóng BHXH trên mức lương thực trả. Thứ 5, Nhà nước nên hỗ trợ thêm cho quỹ BHXH và kiểm soát tốt hoạt động quản lý của quỹ này. Thứ 6, đề ra mức lương hưu tối thiểu, nếu đóng đủ 20 năm thì mức lương hưu tối thiểu phải bằng 75% lương tối thiểu vùng".
Muốn người dân tham gia BHXH nên giảm tuổi nghỉ hưu cho đối tượng này thấp hơn, chỉ tăng với công, viên chức và những người làm việc văn phòng
Một bạn đọc giấu tên chất vấn: "Tại sao BHXH không trả hưu theo mức đóng. Ví dụ: 1.Quy định người tham gia BHXH phải từ sau 20 năm mới được hưởng. 2.Đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, đóng càng lâu năm hưởng càng nhiều hơn mới phải. 3 Hạ tuổi hưu và có ngoại lệ cho một số ngành nghề hưởng hưu trước qui định".
Thực tế hơn, bạn đọc Nguyễn Đăng Tú kiến nghị mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi chỉ trừ 0,5% lương hưu và mức lương hưu được hưởng theo mức lương 75% lương bình quân của 10 năm cuối công tác. Góp ý thêm, bạn đọc tên Liêm cho biết những ngành nghề lao động nặng nhọc, độc hại theo quy định của luật lao động và luật BHXH hiện nay đã khá cũ kỹ mang dáng dấp thời bao cấp, chưa bao quát tất cả ngành nghề trong thời kỳ đổi mới vậy nên cũng cần bổ sung chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế.
Một bạn đọc giấu tên góp ý: "Đề nghị Quốc hội có cơ chế giám sát việc chi trả, sử dụng quỹ BHXH, tránh thất thoát lãng, phí, sai mục đích, dẫn đến tình trạng tăng tuổi, tăng thời gian đóng, giảm phần trăm hưởng...cuối cùng người lao động trực tiếp đóng quỹ, gánh hết hậu quả".
Bình luận (0)