Tại chương trình đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với công nhân tổ chức cuối tuần qua, phản hồi trăn trở của công nhân về việc sửa đổi Luật BHXH, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết Bộ này đang chủ trì, hiện đã hoàn tất xong hồ sơ thủ tục với 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm và Quốc hội cho phép năm 2023 sẽ trình Quốc hội. Trong các nhóm này sẽ giảm dần thời gian đóng BHXH. "Trước đây, chúng ta quy định 20 năm. Dự thảo rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm, với tinh thần đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ít, trên tinh thần công bằng, chia sẻ - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết.
Xung quanh ý kiến này, trên Báo NLĐO có bài viết: "Giảm số năm đóng mà không giảm tuổi nghỉ hưu là vô lý". Bài viết nhận được sự đồng thuận của đa số bạn đọc Báo Người Lao Động. Bạn đọc Trần Trọng bày tỏ: "Sửa đổi Luật BHXH theo hướng rút thời gian đóng BHXH xuống 15 năm tiến tới 10 năm, không phải là giải pháp hợp lý đối với người lao động, thử hỏi nam giới 19 tuổi đi làm 62 tuổi mới được nghỉ hưu, nếu liên tục thì có 43 năm đóng bảo hiểm, nếu chỉ cần 15 năm đóng được nghỉ hưu thì năm 34 tuổi nam đã đạt mốc có thể nghỉ hưu, nhưng phải chờ 28 năm nữa. Thực lòng mà nói ai bảo thời gian đóng bảo hiểm quá dài nên phải điều chỉnh xuống 15 năm để người lao động khỏi rút BHXH một lần là không thật lòng với đại đa số người lao động".
Cũng theo bạn đọc này, cái cốt lõi vấn đề như nhiều người lao động đã nêu là tuổi nghỉ hưu quá cao, áp đặt môi trường, điều kiện lao động khác nhau cùng một mốc nghỉ hưu như thế thì không công bằng. Tuổi nghỉ hưu khi cơ quan sạn thảo xây dựng phải bằng số liệu thực tế bình quân tuổi nghỉ hưu từ khối hành chính sự nghiệp nghỉ đúng tuổi và khối lao động doanh nghiệp, thường không bao giờ làm việc được hết tuổi phải nghỉ chờ hưu do không xin được việc khi tuổi đã cao, một số có bệnh tật phải đi giám định sức khỏe để nghỉ hưu sớm hơn kể cả thời điểm chưa tăng tuổi nghỉ hưu để làm căn cứ. "Mong rằng qua diễn đàn này của báo Người lao động, cơ quan soạn thảo sửa đổi Luật BHXH có cái nhìn thực tế khách quan hơn để điều chỉnh Luật đem lại lợi ích hơn cho người lao động, cụ thể như để tuổi nghỉ hưu và cách tính lương hưu như trước đây để người lao động yên tâm tham gia BHXH" – bạn đọc Trần Trọng, góp ý.
Theo nhiều bạn đọc, những bất cập giữa số năm đóng BHXH và tuổi nghỉ hưu ai cũng nhìn thấy, vậy sao cơ quan soạn thảo luật không nhìn thấy". Một bạn đọc tên Tường chia sẻ: "Hiện nay khối ngoài nhà nước tính bình quân cả quá trình đóng BHXH và có nhân hệ số trượt giá qua từng thời kỳ, tuy nhiên bảng hệ số trượt giá này quá thấp không kéo nổi trị giá mức lương trước đây đã đóng về ngang bằng trị giá hiện tại nên lương hưu thấp. Vấn đề là cần phải điều chỉnh hệ số trượt giá cho phù hợp để không làm mất trị giá đồng lương trước đây đóng thì lương hưu khối ngoài nhà nước sẽ cao lên. Khối ngoài nhà nước không thể lấy lương bình quân 5 năm cuối được vì công việc khối này bấp bênh, nay công ty này mai công ty khác, càng về già lương có thể càng thấp, khác với khối nhà nước càng về già lương càng cao, chưa kể trước khi nghỉ hưu lương còn có thể tăng thêm một vài bậc nữa". Một bạn đọc khẳng định: "Không giảm tuổi hưu thì chắc chắn tôi sẽ rút 1 lần. Năm nay tôi 51tuổi. thời gian tham gia BHXH 14 năm, nếu không giảm số năm đóng thì tôi cố gắng làm thêm 5 năm nữa nếu có việc làm, còn nếu giảm năm đóng xuống 15 năm thì tôi sẽ nghỉ ngay và luôn để rút 1 lần, vì năm sau lỡ mất việc thì lấy gì sống?". Tương tự, một bạn đọc khác đặt câu hỏi: "NLĐ bắt đầu đi làm trung bình từ năm 23 tưởi đến 43 tuổi được 20 năm đóng BHXH, nếu thất nghiệp thì phải chờ ít nhất 17 năm mới được hưởng 45% của mức lương gần 20 năm về trước, ai không chọn rút 1 lần xin phản biện dùm tôi xem?".
Theo bạn đọc Võ Tuấn Hải, cái cần để NLĐ ở lại với chính sách an sinh là giảm tuổi hưu, hoặc cho hưởng khi đủ năm đóng, và cái đủ là tính lương trung bình 5 năm cuối như trước đây.Việc giảm từ 20 năm xuống 15 năm hay 10 năm chỉ nhằm mục đích ngăn chặn những ai đã tham gia từ năm thứ 11 hay năm thứ 16 sẽ không được rút, chứ không phải nhằm mục đích khuyến khích người lao động yên tâm tham gia BHXH. "Tôi nghĩ nhiều công ty sẽ hỗ trợ người lao động về vấn đề chuyển qua làm thời vụ 1 năm sau đó tái ký lại hợp đồng lao động nếu có nhu cầu rút BHXH một lần. Tôi đóng 14 năm cũng chuẩn bị thương lượng với DN xin chuyển qua làm thời vụ để rút đây. Nếu vị nào nói giảm tuổi hưu gây vỡ quỹ thì xin nêu con số cụ thể về mức hưởng và mức đóng" - bạn đọc Võ Tuấn Hải nói.
Còn quá nhiều bất hợp lý
Theo ý kiến của một bạn đọc, tiền đóng BHXH là tiền tươi thóc thật theo thời điểm đóng, nhưng khi hưởng lương hưu thì hệ số lại là chia bình quân, tại sao không tính lương tại thời điểm nghỉ hưu nếu nói là vì quyền lợi người lao động thì phải tính thời điểm có hệ số lương cao nhất chứ. Cách đây 10 năm tôi dùng tiền ăn một tô phở 10.000 đồng để đóng BHXH, bây giờ cũng dùng tiền ăn một tô phở 40.000 đồng để đóng BHXH, nhưng khi nghĩ hưu lại lấy tiền 2 tô phở kia chia bình quân còn 25.000 đồng chưa tính % lương để phát lại cho tôi, có đủ để ăn một tô phở hiện tại không xin thưa là không. Đó là bất hợp lý thứ nhất. Bất hợp lý thứ 2 là khi đã đủ thời gian đóng BHXH thì tại sao không được hưởng lương hưu khi cần mà phải chờ để đủ 60 hoặc 62 tuổi mới được lĩnh lương hưu nếu thất nghiệp không việc làm thì lấy gì để ăn mà sống. Bất hợp lý thứ 3 là rong thời gian nghỉ chờ đủ tuổi lĩnh lương hưu nếu không đóng để duy trì thì bị coi là nghỉ trước tuổi bị trừ 2% mỗi năm, nếu nghĩ trước 15, 20 năm thì còn gì là lương hưu. Tổng kết lại nếu sắp đủ năm theo quy định của BHXH mà mất việc thì 99,9% sẽ rút một lần, vì thời gian chờ đến 60 hoặc 62 tuổi là quá dài chã có ai ngồi đó mà đợi khi cái bụng đang đói. BHXH cần tính toán thay đổi tuổi để được nhận lương hưu Nếu đã đóng đủ BHXH để có lương hưu thì được lựa chọn lĩnh lương hưu theo nguyên tắc đóng bao nhiêu năm BHXH sẽ được hưởng lương hưu bấy nhiêu năm, thời điểm lĩnh lương hưu do người lao động tự quyết định.
Bình luận (0)