Theo thống kê, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ nữ tham gia vào lực lượng lao động cao nhất thế giới, chiếm hơn 48%. Đối với những ngành đòi hỏi sự tỉ mỉ, linh hoạt và khéo léo như may mặc, giày da, lắp ráp linh kiện điện tử…, nữ đóng vai trò quan trọng. So với 10 năm trước, hiện số lao động nữ (LĐN) làm việc tại các doanh nghiệp (DN) ở mức cân bằng so với nam, có nơi còn cao hơn.
Ưu ái “phái đẹp”
Ở các tỉnh, thành miền Đông Nam Bộ, nữ giới làm việc tại các DN chiếm 49,5% trong năm 2008; con số này tăng lên 50,4% vào năm 2010. Các chính sách của nhà nước cũng coi trọng và đánh giá cao vai trò của nữ giới với phúc lợi hợp lý hơn.
Mười năm qua, 2.200 LĐN của Công ty Cao su Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) được chăm lo chu đáo, đúng luật: 1.165 lượt LĐN được nghỉ 60 phút mỗi ngày trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi; công ty còn xây 50 nhà tắm, nhà vệ sinh phục vụ nữ công nhân... Ông Trần Thanh Tùng, chủ tịch Công đoàn công ty, chia sẻ: “Những năm qua, công ty đã dành hơn 15 tỉ đồng chăm lo cho LĐN. Đây cũng là cách tốt nhất để chị em toàn tâm toàn ý gắn bó với DN”.
Quan điểm tuyển dụng tại nhiều DN đang nghiêng về xu hướng ưu tiên sử dụng LĐN. Ông Vũ Minh Trí, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam, cho biết LĐN luôn được ưu tiên khi ứng tuyển để bảo đảm chỉ tiêu trên 40% nhân sự của công ty là nữ. Có nhiều thời điểm Microsoft chỉ tuyển nữ chứ không tuyển nam. Còn theo bà Tạ Thị Kim Ngân, Trưởng Phòng Nhân sự FPT Software TP HCM, mặc dù có đặc thù cần nhiều lao động nam nhưng quan điểm “trọng nam khinh nữ” chưa bao giờ hình thành trong tập thể FPT. Ngoài một vài vị trí nữ giới không thể đảm nhiệm như: phân phối hàng, vận chuyển linh kiện..., các vị trí còn lại DN đều ưu tiên sử dụng LĐN.
Được trọng dụng
TP HCM hiện có khoảng 150.000 DN, số LĐN làm việc trong DN chiếm 43% tổng số lao động (gần 1 triệu người). Bà Nguyễn Kiều Uyên, đại diện VNG Corporation (Tập đoàn Vinagames), cho biết VNG có khoảng 1.000 nhân viên, trong đó nữ chiếm 50%. Như nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cách đây 4 năm, số lao động nam làm việc trong VNG luôn lấn át LĐN. “Giờ đây, tình trạng đó đã chấm dứt. Không những thế, nhiều LĐN còn đảm nhận vị trí cao trong DN. Nữ giữ chức vụ trưởng các bộ phận nhiều hơn nam. Trong ban giám đốc cũng có tới 2 nữ phó tổng giám đốc” - bà Uyên nhấn mạnh. Công ty áp dụng nhiều ưu đãi nhằm tạo điều kiện cho phái nữ phát huy năng lực, như: mở phòng tập thể hình, sân cầu lông, bơi lội...; cho nhân viên nữ nghỉ buổi sáng trong ngày 8-3... Nhờ lãnh đạo DN cởi mở, tạo cơ hội, LĐN hiện diện ở tất cả các bộ phận của VNG, từ lập trình game đến kinh doanh, thương mại điện tử....
Tại Ngân hàng HSBC Việt Nam, cơ hội thăng tiến của nhân viên nữ luôn ngang bằng nhân viên nam ở tất cả công việc. Ông Tôn Thất Anh Vũ, phó giám đốc phụ trách nhân sự của ngân hàng, cho rằng: “Sự có mặt của nữ giới trong các cấp quản lý ngày càng phổ biến. Khác với nhiều năm trước, giờ đây DN luôn tạo điều kiện cho nữ cạnh tranh công bằng với nam trong môi trường làm việc và khi tuyển dụng”.
Có tài năng, mục tiêu rõ ràng
Việc 2 ứng viên nữ có bài dự thi xuất sắc vượt qua 3.000 bài dự thi trong cuộc thi VietnamWorks Move Up do VietnamWorks tổ chức mới đây là minh chứng cho sức cạnh tranh và năng lực của đội ngũ LĐN. Chị Mai Thu Hằng, 1 trong 2 thí sinh chiến thắng, thổ lộ: “Bằng khả năng của mình, tôi đã tìm được việc làm mơ ước và còn thực hiện được nguyện vọng du lịch ở châu Âu. Không như trước đây, hiện nay phái nữ đã có mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng và được công nhận”.
Bình luận (0)