"Do quen biết từ trước nên khi nghe ông N.K.B nói sẽ giúp ông L.Y (người Hàn Quốc) đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (DN), tôi đã can ngăn nhưng ông ấy không nghe. Bây giờ xảy ra sự cố, dù không phải chủ nhân thật sự của DN nhưng trên giấy tờ đã đăng ký, ông B. chính là người đại diện theo pháp luật của công ty nên phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Giờ dù ông B. có hối hận cũng đã muộn màng". Một cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận 12, TP HCM đã nói như vậy khi nghe tin ông N.K.B, người đại diện theo pháp luật của công ty Y.V (quận 12, TP HCM), bị tập thể người lao động (NLĐ) khởi kiện ra tòa để đòi nợ BHXH.
Rước họa vào thân
Trước đó, vào tháng 6-2014, sau khi mua lại công ty P.V từ một người Hàn Quốc khác, ông L.Y đã nhờ ông B. đứng ra làm người đại diện theo pháp luật của công ty. Mọi việc êm thấm cho đến đầu năm 2017, do làm ăn thua lỗ, ông L.Y đã chuyển nhượng "chui" DN và hơn 200 công nhân (CN) cho một người đồng hương khác.
Công nhân một công ty ở huyện Hóc Môn, TP HCM chuẩn bị hồ sơ khởi kiện doanh nghiệp ra tòa vì chủ bỏ trốn, nợ BHXH
Ở thời điểm đó, công ty do ông B. đứng tên đang nợ BHXH hơn 430 triệu đồng. Sau khi phát hiện bị sang nhượng chui và thiệt thòi về quyền lợi BHXH, BHYT, BHTN, một số CN đã gửi đơn khiếu nại lên các cơ quan chức năng quận 12. "Khi trao đổi với chúng tôi, ông B. nói ông ta không có khả năng trả nợ. Hơn nữa, chủ thật sự của khoản nợ kia là ông L.Y chứ không phải ông. Ông ta còn khuyên chúng tôi kiện công ty ra tòa để nhờ tòa "lôi" ông L.Y ra. Có như vậy, khoản nợ BHXH kia may ra mới đòi được. Hiện chúng tôi cũng đã gửi đơn khởi kiện ra tòa" - chị Nguyễn Thị Hương, cựu CN của Công ty Y.V, cho biết.
Bị kiện ra tòa
Đứng tên giúp người khác mở công ty để rồi gánh "cục" nợ không phải của mình như trường hợp của ông B. đang xảy ra khá phổ biến. Mới đây, bà Phạm Lan Nhi bị người lao động "dọa" sẽ gửi đơn tố cáo đến công ty, nơi bà đang làm việc, vì hành vi quỵt lương của NLĐ.
Trước đó, khi còn là nhân viên kế toán của Công ty P.N (quận 1, TP HCM), bà Nhi được ông J.Mogen (quốc tịch Đan Mạch) nhờ đứng tên trong giấy phép đăng ký kinh doanh. Sau đó, do công ty liên tục nợ lương, bà Nhi nghỉ việc và xin vào làm trưởng phòng nhân sự cho một công ty sản xuất ô tô ở quận Gò Vấp, TP HCM. Mới đây, bà nhận được đơn khiếu nại yêu cầu trả 4 tháng tiền lương từ anh Nguyễn Xuân Tài, trợ lý giám đốc của Công ty P.N. "Trong đơn nêu rõ nếu tôi không trả nợ lương, anh Tài sẽ gửi đơn đến công ty tố cáo tôi quỵt tiền lương của nhân viên để bị mất việc luôn. Thật ra tôi không phải là chủ nhân thật sự của công ty, mà đó là ông J.Mogen. Anh Tài biết rõ điều này nhưng không hiểu sao lại làm vậy. Tôi đang trong thời gian thử việc nên rất lo lắng, không biết khi thông tin này đến tai ban giám đốc thì số phận tôi sẽ ra sao" - bà Nhi ưu tư.
Sau sự việc trên, bà Nhi đã nhiều lần yêu cầu ông J.Mogen trả nợ lương cho anh Tài nhưng ông này không thực hiện. Hiện anh Tài đã gửi đơn kiện bà Nhi ra tòa để đòi lương.
Nên cẩn trọng
Cách đây không lâu, ông N.V.H, người đại diện theo pháp luật của Công ty K.V (quận Bình Thạnh, TP HCM), đã đến Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM trình báo việc mình chỉ là người được thuê đứng tên trong giấy đăng ký kinh doanh chứ không phải là chủ chính thức của DN. Ông H. cho biết một người quen đã trả cho ông 5 triệu đồng để làm việc này. Song, sau khi nhận giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, người này đã ôm hồ sơ đi mất khiến ông H. lo lắng nên đi khai báo, yêu cầu thu hồi giấy phép kinh doanh.
Theo luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, hiện nay pháp luật Việt Nam không cho phép nhờ người đứng tên thay khi đăng ký thành lập DN. Cho nên, hành vi kê khai không trung thực, chính xác hồ sơ thành lập DN được xem là "lừa dối" cơ quan quản lý nhà nước, có thể bị xử phạt hành chính từ 10 triệu đến 15 triệu đồng và bị buộc đăng ký, sửa đổi lại thông tin. Tuy nhiên, hiện pháp luật cũng chưa có quy định cụ thể về việc xử phạt vi phạm đối với hành vi nhờ người khác đứng tên giùm khi thành lập DN.
Trong thực tế, người được nhờ đứng tên phải chịu rủi ro khá lớn. Đã có nhiều trường hợp khi DN thua lỗ, chủ thực sự đã ôm tiền bỏ trốn và người đứng tên thay phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Tùy mức độ tham gia vào công ty và hành vi vi phạm mà người đứng tên thay có thể bị phạt tiền, thậm chí lãnh án tù.
Bình luận (0)