“Thời điểm xảy ra tai nạn lao động (TNLĐ), phần do quá bối rối, phần do thiếu hiểu biết nên chúng tôi đã có những bước đi sai lầm khiến vụ việc ngày càng phức tạp, không chỉ gây thiệt hại về vật chất, uy tín của công ty mà còn thiệt thòi cho người lao động (NLĐ). Song, qua đó chúng tôi đã học được bài học nhớ đời rằng việc tuân thủ quy định của pháp luật không chỉ bảo đảm quyền lợi cho NLĐ mà cho cả chính doanh nghiệp (DN)”. Đây là chia sẻ của ông Đ.M.Đ, quản lý Công ty D.N (tỉnh Bình Dương), khi nói về vụ TNLĐ xảy ra tại công ty.
Tính già hóa non
Tháng 9-2014, giám đốc Công ty D.N giao cho công nhân N.V.D làm vệ sinh mái nhà kho nhưng không trang bị phương tiện bảo hộ lao động. Khi đang làm việc, mái tôn nhà kho bị sập, anh D. rơi xuống đất. Dù được đưa đi cấp cứu và điều trị kịp thời nhưng anh D. vẫn bị liệt nửa người, mất khả năng lao động do bị gãy đốt sống. Anh D. cho biết: “Khi đưa tôi đi cấp cứu, không hiểu sao công ty lại đề nghị người nhà tôi khai với bệnh viện nguyên nhân tai nạn do sinh hoạt. Chưa hết, tuy công ty có tham gia BHXH, BHYT đầy đủ nhưng lại không chịu làm thủ tục để tôi được hưởng chế độ TNLĐ mà đề nghị tôi xin nghỉ việc, công ty sẽ bồi thường 50 triệu đồng”.
Anh D. từ chối đề nghị này. Gần 1 năm kể từ khi xảy ra tai nạn, công ty không hề có động thái gì để giải quyết quyền lợi cho NLĐ khiến anh bức xúc gửi khiếu nại đến các cơ quan chức năng. Lúc này, khi nhờ luật sư tư vấn, công ty mới biết nếu công ty tham gia BHXH đầy đủ cho NLĐ thì các chế độ về TNLĐ sẽ được cơ quan BHXH chi trả. Lúc này, công ty muốn quay lại làm đúng luật thì cũng không đơn giản vì theo quy định, hồ sơ hưởng chế độ TNLĐ phải có một số giấy tờ như biên bản điều tra TNLĐ, giấy ra viện sau khi điều trị TNLĐ, biên bản giám định mức độ suy giảm khả năng lao động…
“Thời điểm xảy ra tai nạn, công ty không lập biên bản, cũng không khai báo nên giờ không có giấy này. Bên cạnh đó, chứng từ nằm viện của anh D. đều ghi nguyên nhân tai nạn do sinh hoạt... Nếu ngay từ đầu công ty hiểu rõ luật thì đâu gặp rắc rối như bây giờ?” - vị đại diện công ty than thở.
Hối tiếc muộn màng
Trường hợp Công ty D.N là điển hình cho việc các DN không hiểu luật, thực hiện luật nửa vời khiến NLĐ bị mất quyền lợi, DN mất uy tín và có nguy cơ bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, trong thực tế, có không ít DN hiểu luật nhưng lại cố tình tìm cách “lách”, đến khi xảy ra sự cố thì hối hận không kịp.
Vụ việc tại Công ty G.P (quận 8, TP HCM) là một ví dụ. Biết rõ nghĩa vụ đóng BHXH là bắt buộc nhưng công ty lấy lý do NLĐ làm việc không ổn định để không ký hợp đồng, đóng BHXH cho họ. Đến khi xảy ra sự cố căn gác chứa hàng bị sập làm chết 1 nữ công nhân, công ty phải bỏ ra khoản chi phí khá lớn để lo hậu sự và bồi thường cho gia đình nạn nhân để tránh bị kiện tụng. Bà Nguyễn Thị Trúc Hà, đại diện công ty, bộc bạch: “Nếu biết trước sự thể thế này thì chúng tôi đã tham gia BHXH cho NLĐ. Công ty chúng tôi hiện rất khó khăn, để lo được khoản tiền bồi thường cũng phải chạy vạy khắp nơi”.
Theo quy định, nếu không đóng BHXH cho NLĐ thì khi xảy ra tai nạn, mọi khoản chi phí từ cấp cứu đến điều trị, bồi thường... đều do DN chi trả. Do vậy, tương tự như Công ty G.P, hiện chủ cơ sở L.G.N (quận Bình Tân, TP HCM) cũng đang đau đầu trong việc lo chi phí để giải quyết quyền lợi cho các công nhân bị TNLĐ trong sự cố xảy ra mới đây. Cuối tháng 10-2015, căn gác chứa hàng bị sập khiến 2 nữ công nhân tử vong, 1 người bị đa chấn thương và 1 người bị chấn thương sọ não.
Bình luận (0)